UỶ BAN ĐỐI NGOẠI NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ

Phần thứ hai

MỘT SỐ TƯ LIỆU CỦA ỦY BAN ĐỐI NGOẠI QUA CÁC THỜI KỲ

 

QUỐC HỘI KHOÁ XI

Uỷ ban Đối ngoại

------

Số: 39/UBĐN11

V/v Kết quả Đại hội đồng AIPO - 23

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

----------------------------------

Hà Nội,  ngày 20  tháng 9 năm 2002

 

Kính gửi: Uỷ ban thường vụ Quốc hội

 

BÁO CÁO KẾT QUẢ ĐẠI HỘI ĐỒNG AIPO - 23

 

Tại kỳ họp Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á - AIPO lần thứ 22, Băng cốc, Thái Lan, Quốc hội nước ta đã chính thức đảm đương nhiệm vụ Chủ tịch và Tổng Thư ký AIPO nhiệm kỳ 2001 - 2002. Chủ tịch Quốc hội Thái Lan đã trân trọng chuyển giao trọng trách này cho Quốc hội nước ta. Ngay sau đó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch AIPO Nguyễn Văn An đã bổ nhiệm đ/c Vũ Mão làm Tổng Thư ký AIPO. Thực hiện Nghị quyết số 22/GA/2001Org/07 của Đại hội đồng AIPO - 22, Quốc hội ta đã tổ chức kỳ họp Đại hội đồng AIPO lần thứ 23 tại Hà Nội, từ ngày 8 đến 13/9/2002.

Tham gia Đại hội đồng có 295 đại biểu, trong đó có 170 nghị sĩ của 18 nước, bao gồm 8 Nghị viện thành viên chính thức AIPO (Cam-pu-chia, In-đô-nê-xi-a, Lào, Ma-lai-xi-a, Phi-lip-pin, Xinh-ga-po, Thái Lan, và Việt Nam); Hai nước Quan sát viên đặc biệt là Bru-nây và Mi-an-ma; 8 Nghị viện đối thoại Quan sát viên là Ôt-xtơ-rây-li-a, Ca-na-đa, Trung Quốc, Nghị viện Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Niu Di-lân và LB Ngang. Ngoài ra còn có Phó Tổng Thư ký ASEAN và một số khách tham dự. Hoa Kỳ đã lâu nay không cử đoàn tham dự Đại hội đồng AIPO mặc dù đều được mời. Pa-pua Niu-ghi-nê được mời nhưng lần này không cử đoàn tới dự được.

Trong số các đại biểu tham gia Đại hội đồng có 7 Chủ tịch Quốc hội, 7 Phó Chủ tịch Quốc hội (trong đó có 6 Chủ tịch và 4 Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn, còn các Trưởng đoàn khác tương đương cấp Chủ tịch Uỷ ban). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Chủ tịch AIPO chủ trì và điều hành Đại hội đồng.

Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam gồm 40 đại biểu do Đ/c Trương Quang Được, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn.

 

1. Bối cảnh tình hình

Đại hội đồng AIPO - 23 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, Mỹ đe doạ tấn công I-rắc và mở rộng cuộc chiến chống khủng bố trên thế giới, xung đột giữa Pa-le-xtin và I-xra-en ngày càng căng thẳng.

Ở khu vực Đông Nam Á, kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi sau khủng hoảng kinh tế - tài chính 1997 - 98, một số nước đã bớt khó khăn nội bộ. ASEAN tiếp tục có nhiều cố gắng củng cố, đoàn kết hợp tác và duy trì các nguyên tắc cơ bản của Hiệp hội với nhiều biện pháp tăng cường liên kết kinh tế, giúp đỡ các thành viên mới, thu hẹp khoảng cách phát triển, mở rộng quan hệ với bên ngoài, nhất là với các nước đối thoại.

Lần đầu tiên Quốc hội ta tổ chức kỳ họp Đại hội đồng AIPO, ngay sau kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XI, bên cạnh những mặt thuận lợi cũng có những mạt khó khăn về kinh nghiệm tổ chức cũng như việc chủ trì các cuộc họp Uỷ ban của Đại hội đồng trực tiếp bằng tiếng Anh.

2. Các hoạt động chính của Đại hội đồng

Đại hội đồng đã khai mạc trong thể tại hội trường Ba Đình, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch AIPO Nguyễn Văn An đọc diễn văn khai mạc, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đọc lời chào mừng.

Tại phiên họp toàn thể thứ nhất, các trưởng đoàn của 18 nước và Phó Tổng Thư ký ASEAN đã đọc tham luận.

Đại hội đồng đã tiến hành các cuộc họp của Uỷ ban chấp hành và các Uỷ ban về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, các cuộc đối thoại với 8 nước Quan sát viên, của Uỷ ban về thông cáo chung và Hội nghị Nữ nghị sĩ AIPO (WAIPO).

Tại phiên họp toàn thể thứ hai, Đại hội đồng đã nghi Chủ tịch các Uỷ ban đọc báo cáo kết quả của các Uỷ ban và thông qua 33 Nghị quyết về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, tổ chức và Hội nghị Nữ nghị sĩ AIPO (WAIPO)... Trưởng đoàn các quốc gia thành viên AIPO ký thông cáo chung.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã tiếp các Trưởng đoàn.

Nhân dịp kỷ niêm 25 năm ngày thành lập AIPO, Đại hội đồng đã tổ chức mít-tinh trọng thể và biểu diễn nghệ thuật chào mừng.

3. Các nội dung chính của đại hội đồng

a. Về các vấn đề chính trị: Đại hội đồng đạt được sự nhất trí cao về các đề chống khủng bố, nhấn mạnh cam kết của AIPO trong cuộc đấu tranh chống khủng bố thông qua một cách tiếp cận toàn diện và đồng bộ cí tính đến tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng và phân biệt đối xử. Một điểm đáng lưu ý là Phi-lip-pin đề nghị AIPO thiết kế một liên minh chống khủng bố tiểu khu vực, tiến tới đoàn khu vực theo mô hình phương Tây. Vấn đề này ta kịp thời và khéo léo điều chỉnh nên Đại hội đồng nhất trí không đưa ra đề nghị trên để thảo luận và quyết định.

Liên quan đến vấn đề I-rắc, quan điểm của Đại hội đồng nhìn chung là khá cương quyết và thống nhất. AIPO phản đối bất cứ quyết định nào nhằm tiến hành các hành động quân sự chống lại I-rắc và nêu rõ sự cần thiết phải tôn trọng Hiến chương của Liên hợp quốc, đặc biệt là các nguyên tắc về hoạt động chính trị, bình đẳng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mọi quốc gia. Đại hội đồng cũng kêu gọi Liên hợp quốc xem xét lại quyết định về cơ sở pháp lý cho việc kéo dài các biện pháp trừng phạt đối với I-rắc.

Về vấn đề Biển Đông, Đại hội đồng quan tâm thoả thuận của các Ngoại trưởng ASEAN sớm thông qua Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông, coi đây là một bước quan trọng để hoàn thành dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

Đại hội đồng khẳng lại tầm quan trọng của việc đẩy mạnh liên kết và thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN. Đại hội đồng hài lòng nhận thấy những tiến bộ trong hợp tác ASEAN + 3 trên nhiều lĩnh vực và coi đây là cơ sở cho việc mở rộng hợp tác Đông Nam Á.

b. Các vấn đề kinh tế: Đại hội đồng nhấn mạnh các tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hoá đối với các nước đang phát triển và sự cần thiết phải đảm bảo, cùng với tính tự do, sự công bằng trong các hoạt động thương mại, loại bỏ các hàng rào quan thuế và phi quan thuế như việc lạm dụng tiêu chí về bảo vệ môi trường. Đại hội đồng đã ra Nghị quyết đẩy mạnh việc thu hẹp khoảng cách về hạ tầng cơ sở và công nghệ thông tin giữa các nước thành viên ASEAN. Đồng thời, cam kết sẽ thực hiện đồng bộ tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, ba cột trụ của phát triển bền vững tại Giô-han-ne-xbớc, Nam Phi ngay trước Đại hội đồng AIPO-23.

Đại hội đồng nhấn mạnh vai trò của AFTA như một động lực cho phát triển kinh tế khu vực và quyết định AIPO cần phải tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển thương mại và đầu tư ở ASEAN; đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của "sáng kiến liên kết" (IAI) thể hiện qua việc hỗ trợ các Nghị viện thành viên mới của ASEAN trong quá trình gia nhập WTO, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thương mại, giáo dục và phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên trong thảo luận, In-đô-nê-xi-a có ý định đưa ra một dự thảo Nghị quyết về việc thành lập một cơ chế giám sát việc thực hiện lộ trình AFTA. Nhưng vấn đề này gây phản ứng trong một số Nghị viện thành viên mới của ASEAN, ta đã tranh thủ được sự đồng tình của các đoàn không đưa ra nội dung này.

c. Các vấn đề xã hội và vấn đề giới: Nhấn mạnh tầm quan trọng lâu dài của các biện pháp xoá đói giảm nghèo, Đại hội đồng thoả thuận tổ chức một Nhóm Nghiên cứu việc thành Ngân hàng ASEAN hỗ trợ chống đói nghèo. Đại hội đồng quyết định tăng cường hợp tác sản xuất và phân phối các loại thuốc điều trị bệnh AIDS cũng như đấu tranh chống buôn lậu ma tuý.

Đại hội đồng nhấn mạnh sự cần thiết nâng cao vai trò của phụ nữ trong hoạt động chính trị và phát triển, loại bỏ bạo lực trong gia đình và buôn bán phụ nữ trong khu vực. Sáng kiến của Việt Nam tổ chức cuộc họp thân mật giữa các nữ Nghị sĩ AIPO với các đại biểu tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam được các đoàn nhiệt liệt hoan nghênh và coi đây cũng là dấu ấn đặc biệt của Việt Nam.

Đại hội đồng ủng hộ việc mở rộng mạng lưới các trường Đại học trong ASEAN.

d. Về các vấn đề tổ chức: Đại hội đồng đạt được nhất trí cao và hoan nghênh AIPO đã quyết định lập Giải thưởng cao quý nhất của mình dành cho các nhà hoạt động chính trị có đóng góp xuất sắc cho AIPO và đã tổ chức lễ trao Giải thưởng này cho bốn cựu Nghị sĩ của Quốc hội bốn nước In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-lip-pin và Thái Lan. Các đoàn đánh giá cao cố gắng của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch AIPO đã trao tăng 4 Giải thưởng đầu tiên của AIPO tại Hà Nội.

Liên quan đến vấn đề thành lập Nghị viện ASEAN, Đại hội đồng đạt được thoả thuận chung là tiếp tục giao cho Phi-lip-pin nghiên cứu một cách toàn diện mọi khía cạnh liên quan tới cơ chế này và báo cáo kết quả tới từng Nghị viện thành viên AIPO trước khi trình Đại hội đồng xem xét.

Tháng 7/2003, Cam-pu-chia sẽ bầu cử Quốc hội và năm 2004 In-đo-nê-xi-a cũng sẽ bầu cử Quốc hội. Theo đề nghị của Cam-pu-chia và In-đô-nê-xi-a, Đại hội đồng quyết định sẽ tổ chức Đại hội đồng AIPO - 24 tại In-đô-nê-xi-a từ ngày 7 đến 12/9/2003.

e. Đối thoại với các Quan sát viên: Đại hội đồng đã thành lập các Đoàn đại biểu của AIPO và tiến hành các cuộc đối thoại riêng với từng đoàn các Nghị viện Quan sát viên gồm Ôt-xtơ-rây-li-a, Ca-na-đa, Trung Quốc, Nhật Bản, Niu Di-lân, Hàn Quốc, LB Nga và Nghị viện Châu Âu, trao đổi về các vấn đề an ninh, chính trị, thương mại, đầu tư đào tạo, trao đổi văn hoá, trao đổi kinh nghiệm lập pháp và hợp tác liên Nghị viện Châu Âu về những quyết định phi lý, thực chất là những rào cản phi quan thuế đối với các mặt hàng thuỷ sản của Việt Nam xuất sang EU. Ý kiến này đã được Thái Lan đồng tình. Đoàn Nghị viện Châu Âu hứa sẽ tìm hiểu và muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ với các Nghị viện thành viên AIPO. Tám báo cáo của từng cuộc đối thoại được lưu hành như văn kiện chính thức của Đại hội đồng.

4. Một số công tác khác

Để chuẩn bị cho công tác tổ chức Đại hội đồng AIPO - 23, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia AIPO và Ban Tổ chức. Ban tổ chức gồm hai Tiểu ban: Tiểu ban nội dung và Tiểu ban lễ tân - an ninh.

Công tác lễ tân và an ninh được chú trọng. Việc tổ chức đón tiếp các đại biểu chu đáo, an toàn tuyệt đối, thể hiện sự trọng thị, hữu nghị và mến khách. Chương trình tham quan chung cho các đại biểu và cho những người cùng đi (phu nhân, phu quân) phong phú và đa dạng, với nhiều hình thức tổ chức sáng tạo từ trang trí đến biểu diễn nghệ thuật và đi thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thăm làng nghề dệt lụa cổ truyền Vạn Phúc - Hà Đông, thăm làng nghề truyền thống Đồng Kỵ, xem hát dân ca và quan họ Bắc Ninh và thăm Vịnh Hạ Long đã gây nhiều cảm tình và ấn tượng tốt đẹp cho các đại biểu. Qua đó đã giới thiệu về truyền thống lịch sử, về đất nước và con người, về tiềm năng kinh tế, văn hoá, du lịch và một Việt Nam đổi mới.

Về công tác tuyên truyền báo chí, ta đã tổ chức họp báo trong nước và quốc tế trước và sau Đại hội đồng, tổ chức truyền hình trực tiếp lễ khai mạc trọng thể, được các hãng thông tấn báo chí trong và ngoài nước cũng như đoàn Ngoại giao tại Hà Nội quan tâm theo dõi và thông tin đầy đủ, kịp thời.

5. Về cuộc đối thoại giữa đoàn đại biểu quốc hội Việt Nam và đoàn nghị viện châu âu (EP)

Ngày 8/9/2002, trước ngày khai mạc Đại hội đồng AIPO - 23, đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam do Đ/c Tôn Nữ Thị Ninh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại làm Trưởng đoàn đã có cuộc đối thoại với Đoàn Nghị viện Châu Âu do Ông Nassauer Hartmut, quốc tịch Đức, thuộc nhóm đảng Nhân dân Châu Âu (Dân chủ thiên chúa giáo) và Dân chủ Châu Âu, Trưởng phái đoàn Nghị viện Châu Âu quan hệ với các quốc gia thành viên ASEAN, Đông Nam Á và Hàn Quốc làm trưởng đoàn.

Đoàn EP hoan nghênh và đánh giá cao thành tựu đổi mới ở Việt Nam, bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ công cuộc cải cách tại Việt Nam và tìm những biện pháp phù hợp nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác EU và Việt Nam. Đoàn cũng quan tâm tìm hiểu về vấn đề ảnh hưởng tác hại chất độc màu da cam đến môi trường và sức khoẻ cộng đồng; về vấn đề dân chủ, tôn giáo, nhân quyền. Trưởng đoàn EP nhấn mạnh không có ý định áp đặt từ bên ngoài, tôn trọng quyền lựa chọn con đường phát triển của mỗi nước; đồng thời bày tỏ lấy làm tiếc không gặp được đại diện Giáo hội phật giáo thống nhất và đại diện một số tôn giáo. Tuy nhiên thái độ của đoàn mềm mỏng và xây dựng.

Ta hoan nghênh Phái đoàn Nghị viện Châu Âu sang dự Đại hội đồng AIPO-23 tại Việt Nam và bày tỏ mong muốn Phái đoàn đóng góp tích cực vào sự thành công của Đại hội đồng. Ta khẳng định đối thoại là cần thiết để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, trên sơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, không cân thiệp vào công việc nội bộ của nhau, khuyến khích EP ủng hộ quá trình đổi mới của Việt Nam như cải cách hành chính, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đổi mới hoạt động của Quốc hội v.v... Đồng thời ta khẳng định những thành tựu trong hơn 15 năm đổi mới và quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới.

Ta cũng khẳng định ở Việt Nam không có vấn đề đàn áp tôn giáo hay bất cứ hình thức phân biệt đối xử nào về sắc tộc, văn hoá hay tôn giáo. Giải thích về đề nghị của đoàn xin gặp Nguyễn Văn Lý và Thích Quảng Độ là không thể thực hiện được vì hai đối tượng phạm pháp này đang chịu sự xử lý của pháp luật. 

6. Nhận xét chung và kiến nghị

a. Nhận xét chung

Được sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Đảng đoàn và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội đồng AIPO-23. Đây là lần đầu tiên Đại hội đồng AIPO được tổ chức tại Việt Nam, đúng vào dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập AIPO, sự kiện có ý nghĩa chính trị to lớn, thực sự gây "dấu ấn Việt Nam" như đánh giá của bạn bè quốc tế. Kết quả này thể hiện rõ tinh thần chủ động hội nhập, tích cực tham gia có hiệu quả vào quá trình hình thành các quyết định có ý nghĩa chính trị quan trọng của khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ta thực sự góp phần củng cố khối đoàn kết của Hiệp hội ASEAN, giữ vững những nguyên tắc truyền thống của ASEAN và mở rộng hợp tác với bên ngoài. Việc Phó Tổng Thư ký ASEAN lần đầu tiên tham dự và phát biểu tại phiên họp toàn thể của Đại hội đồng và Nghị viện Châu Âu cử Đoàn đại biểu đông đảo nhất từ trước tới nay (11 người) tham dự kỳ họp Đại hội đồng AIPO lần này cũng phần nào thể hiện tinh thần trên.

Ta tích cực chủ động chuẩn bị và chú trọng về nội dung hoạt động, về công tác tổ chức, lễ tân, an ninh, hậu cần, tuyên truyền báo chí..., sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan ban ngành ở trung ương và địa phương, nhất là Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hoá - thông tin, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Tổng cục Du lịch, Tổng Công ty Hàng không dân dụng Việt Nam, thành phố Hà Nội, Tỉnh Quảng Ninh, Tỉnh Bắc Ninh và Tỉnh Hà Tây, đã góp phần làm cho Đại hội đồng thành công tốt đẹp.

Do chủ động nắm bắt được tình hình chính trị, kinh tế - xã hội ở khu vực và thế giới nên ta đã đưa ra các chủ để phù hợp để thảo luận tại các Uỷ ban, được các đại biểu hoan nghênh. Trong số 33 Nghị quyết đã được thông qua có 20 dự thảo Nghị quyết do Việt Nam đưa ra, 7 dự thảo Nghị quyết do Ban Thư ký AIPO, 4 dự thảo Nghị quyết do Bru-nây đưa ra và đều đạt được sự nhất trí cao.

Theo sự chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và trực tiếp là đ/c Chủ tịch Quốc hội, Ban Tổ chức Đại hội đồng AIPO-23 đã chuẩn bị chu đáo nội dung và tổ chức tập huấn cho những đại biểu Quốc hội nòng cốt tham gia Đại hội đồng AIPO cũng như bộ máy giúp việc. Vì vậy, các chủ toạ của ta đã điều hành các phiên họp toàn thể, các hội nghị của Uỷ ban và các cuộc đối thoại với các nước Quan sát viên linh hoạt và dân chủ để đạt được mục đích và yêu cầu đặt ra, phù hợp với nguyên tắc đồng thuận và tinh thần thống nhất trong đa dạng của ASEAN và AIPO.

Việc tổ chức và điều hành toàn bộ công việc của AIPO trong nhiệm kỳ 2001 - 2002 và tổ chức thành công Đại hội đồng AIPO-23 là đóng góp lớn cho việc nâng cao vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới, thể hiện khả năng của ta có thể đăng cai tổ chức các diễn đàn liên Nghị viện quốc tế tại Việt Nam.

b. Kiến nghị

Phát huy thắng lợi của Đại hội đồng AIPO-23 xin kiến nghị như sau: Ban tổ chức sớm tiến hành tổng kết đánh giá kết quả của Đại hội đồng AIPO-23, rút ra những kinh nghiệm và bài học trên tất cả các khâu chuẩn bị về nội dung, tổ chức, lễ tân, an ninh, hậu cần và tuyên truyền báo chí v.v. ..

Cần hệ thống toàn bộ văn kiện và tài liệu liên quan tới Đại hội đồng AIPO-23, lập thành bộ kỷ yếu để lưu trữ quốc gia và phục vụ cho công tác nghiên cứu của Quốc hội.

Sớm triển khai việc bàn giao Văn phòng Ban Thư ký thường trực AIPO tại Gia-các-ta cho Quốc hội In-đô-nê-xi-a.

Uỷ ban Đối ngoại xin trân trọng báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

 

 

Nơi nhận:

- Như trên;

- Các đ/c Uỷ viên UBĐN;

- Thường trực HĐDT và các UB của QH;

- Văn phòng Chủ tịch nước;

- Văn phòng Quốc hội;

- Văn phòng Chính phủ;

- Ban Đối ngoại TW;

- Bộ Ngoại giao;

- Bộ Quốc phòng;

- L/đ các Vụ, đơn vị VPQH;

- Lưu HC, ĐN

T/M UỶ BAN ĐỐI NGOẠI

Chủ nhiệm

Vũ Mão