UỶ BAN ĐỐI NGOẠI NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ

Phần thứ hai

MỘT SỐ TƯ LIỆU CỦA ỦY BAN ĐỐI NGOẠI QUA CÁC THỜI KỲ

  

QUỐC HỘI KHOÁ XI

Uỷ ban Đối ngoại

-------

Số: 713/UBĐN11

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

-----------------------------------

Hà Nội,  ngày 25 tháng 10 năm 2004

 

Kính gửi: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ HỘI NGHỊ ĐỐI TÁC NGHỊ VIỆN Á - ÂU LẦN THỨ BA (ASEP-III)

(Từ ngày 25-26 tháng 3 năm 2004, tại Huế)

 

Từ ngày 25 - 26/3/2004, Hội nghị Đối tác Nghị viện Á - Âu lần thứ ba (ASEP-III) đã diễn ra tại thành phố Huế dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Chủ tịch ASEP III.

 

I. BỐI CẢNH VÀ MỤC ĐÍCH ĐĂNG CAI TỔ CHỨC ASEP III

1. Bối cảnh tình hình

Hội nghị ASEP III diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới tiếp tục có diễn biến đa dạng và phức tạp. Tấn công khủng bố, xung đột vũ trang, sắc tộc, tôn giáo xảy ra ở nhiều khu vực. Tình hình Trung Đông, bán đảo Triều Tiên, vấn đề tái thiết I-rắc và cuộc tấn công khủng bố ngày 11/3/2004 tại Madrid, Tây Ban Nha thu hút sự quan tâm và lo ngại của cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó những tác động tiêu cực của toàn cầu hoá, thiên tai, dịch bệnh, vấn đề môi trường đang là những thách thức chung của nhân loại.

Tiến trình hợp tác Á - Âu (ASEM) sau 8 năm, bước đầu đã tạo nên cầu nối cho quan hệ hợp tác giữa châu Á và châu Âu, thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư giữa hai châu lục, bổ sung cạnh Á - Âu trong tam giác chiến lược Mỹ - Âu - Á. Tuy nhiên, trong ASEM vẫn còn tồn tại những khác biệt về mục tiêu, lợi ích và hướng ưu tiên hợp tác. Châu Âu quan tâm đến các vấn đề chính trị như dân chủ, nhân quyền. Châu Á lại mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại.

Hội nghị Đối tác Nghị viện Á - Âu (AESP) được hình thành trong khuôn khổ tiến trình ASEM, nhưng sau hai Hội nghị, ASEP vẫn là một cơ chế chưa thật định hình. ASEP III diễn ra vào thời điểm ASEAN đã bao gồm 10 nước Đông Nam Á, EU chuẩn bị kết nạp thêm 10 thành viên mới và ASEM đang dàn xếp một vấn đề then chốt đối với thành công của ASEM 5 là việc kết nạp thành viên mới, mở rộng ASEM.

2. Mục tiêu đăng cai Hội nghị

Tháng 9/2003 tại Đại hội đồng AIPO - 24, Quốc hội ta đã đề xuất đăng cai tổ chức ASEP III tại Việt Nam vào đầu năm 2004 với mục tiêu:

Phát huy vai trò của các chủ thể trong việc triển khai đường lối đối ngoại và chủ trương chủ động hội nhập khu vực và quốc tế của Đảng và Nhà nước.

Góp phần định hình ASEP trở thành cơ chế hoạt động định kỳ cùng chu kỳ với ASEM, với vị thế và tiếng nói đặc thù trong khuôn khổ liên nghị viện.

ASEM 5 có nhiệm vụ quan trọng là phải cân bằng lại tiến trình ASEM trên cả ba trụ cột (đối thoại chính trị, hợp tác kinh tế, văn hoá), làm cho ASEM phản ảnh thoả đáng lợi ích cả hai châu lục, đưa quan hệ đối tác Á - Âu đi vào thực chất và hiệu quả hơn. Do đó, nội dung ASEP III cần bám sát và phản ảnh tinh thần trên, hỗ trợ thiết thực cho quan hệ hợp tác liên chính phủ của nước ta với các nước thành viên ASEM.

Tổ chức ASEP III là dịp để bạn bè quốc tế hiểu thực tế công cuộc đổi mới, về đất nước, con người và văn hoá Việt Nam và tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội Việt Nam tham gia hoạt động đối ngoại, tiếp xúc và làm cho các nghị sĩ hai châu lục, đặc biệt của châu Âu hiểu hơn về vị trí, vai trò của Quốc hội ta trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước.

 

II. DIỄN BIẾN VÀ NỘI DUNG CỦA HỘI NGHỊ

1. Thành phần tham dự ASEP III

Tham dự Hội nghị có hơn 100 đại biểu từ 16 đoàn đại biểu nghị viện các nước thành viên ASEP, Nghị viện châu Âu và đại diện các Đại sứ quán Hà Nội.

Chủ tịch Thượng viện Ma-lai-xi-a, các Phó Chủ tịch Thượng viện Phi-lip-pin và Quốc hội Sinh-ga-po dẫn đầu đoàn đại biểu các nước này dự Hội nghị. Đoàn đại biểu Nhật Bản gồm 4 nghị sĩ và 12 cán bộ tháp tùng là đoàn có số lượng đông nhất Hội nghị. Đoàn Trung Quốc gồm 3 đại biểu, 7 cán bộ và Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam.

Các nước không cử nghị sĩ đều có Đại sứ tại Việt Nam tham dự Hội nghị với tư cách quan sát viên. Tổng Thư ký AIPO, Tổng Thư ký ASEAN, Đại sứ Trưởng Phái đoàn Uỷ ban châu Âu tại Việt Nam là khách, đại diện của chương trình UNDP và của Tổ chức Văn hoá, Giáo dục và Khoa học (UNESCO) của Liên hợp quốc là báo cáo viên dẫn đề do nước chủ nhà mời.

Đoàn Việt Nam gồm 28 đại biểu Quốc hội do đ/c Vũ Mão, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại làm Trưởng đoàn. Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được và một số Uỷ viên Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội tham dự với tư cách là khách mời của Hội nghị. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan đại diện cho Chính phủ, lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và đại diện một số Bộ, ngành đã tham dự Hội nghị.

2. Chương trình và diễn biến của Hội nghị

Từ ngày 25-26/3/2004, Hội nghị đã tập trung thảo luận các chủ đề:

Chính trị, an ninh: "Bối cảnh an ninh quốc tế hiện nay và những thách thức đối với luật pháp quốc tế".

Kinh tế: "Hợp tác Á - Âu vì một nền thương mại bình đẳng hơn và công bằng hơn"

Văn hoá: "Bản sắc văn hoá và đa dạng văn hoá trong khuôn khổ hợp tác Á - Âu"

Chủ đề hợp tác Á - Âu: "Tiến tới quan hệ đối tác Á - Âu sống động hơn và thực chất hơn theo tinh thần hội nghị cấp cao ASEM-5"

Tại phiên họp toàn thể lần thứ hai, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố cuối cùng của ASEP III.

Bên lề hoạt động của Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Vũ Mão, và Đ/c Nguyễn Ngọc Trân, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại đã tiếp một số đoàn đại biểu và khách mời của Hội nghị.

Uỷ ban Đối ngoại đã chủ động đối thoại về nhân quyền với đoàn nghị sĩ EP và tổ chức cho đoàn thăm làng tôn giáo tại Thừa Thiên Huế.

Khoảng 80 nhà báo của 25 cơ quan báo chí trong nước và 3 hãng thông tấn báo chí nước ngoài (Nhật Bản, Trung Quốc và I-ran) dự và đưa tin về hội nghị.

3. Nội dung chính của hội nghị

3.1. Về hội nghị ASEP III và sự phát triển của ASEP, các đoàn đều nhấn mạnh việc tăng cường đối thoại, hợp tác giữa các nước Á - Âu và quan hệ liên nghị viện trong khuôn khổ ASEP là cần thiết và phù hợp với xu thế chung. Các đại biểu đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam tổ chức ASEP III trước Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu lần thứ 5 (ASEM - 5), coi đây là một mốc có ý nghĩa quan trọng của ASEP và là một hoạt động bổ trợ tích cực, kịp thời cho hội nghị ASEM-5.

Đối với đề xuất của Phi-lip-pin về việc thành lập Nhóm nghiên cứu nhằm xây dựng khuôn khổ quy tắc thường xuyên cho ASEP, hội nghị đứng trước hai xu thế trái ngược nhau giữa một bên là Phi-lip-pin muốn đẩy nhanh việc thể chế hoá ASEP[1] với một bên là Trung Quốc muốn đảm bảo các thành viên ASEP[2] "kiểm soát" được tốc độ và nội dung thể chế hoá qua việc đề cao nguyên tắc đồng thuận trong quá trình xem xét vấn đề. Trong bối cảnh đó, ta đã bám sát yêu cầu chính yếu đề ra đối với ASEP III là Hội nghị ủng hộ nguyên tắc t chức định kỳ các hội nghị ASEP với phương thức gắn kết giữa ASEP và ASEM theo mô hình của Việt Nam (tổ chức ASEP cùng năm và trước ASEM), đảm bảo tính bổ sung giữa ASEP và ASEM. Hội nghị đã thoả thuận tổ chức ASEP IV ở châu Âu vào năm 2006.

Đối với những nội dung khác của khuôn khổ quy tắc cho ASEP, Hội nghị nhất trí thành lập Nhóm nghiên cứu do Việt Nam, nước chủ nhà ASEP III, điều phối, bao gồm đại diện nước chủ nhà ASEP I, II, III và ASEP IV sắp tới và mở cho các thành viên ASEP quan tâm tham gia, có nhiệm vụ xây dựng văn kiện trình ASEP IV.

3.2. Về bốn chuyên đề thảo luận

Các đoàn hoan nghênh nội dung các chủ đề của hội nghị do Việt Nam đề xuất.

(a) Về tình hình chính trị-an ninh: Mối quan tâm nổi bật là sự lan rộng và tính chất phức tạp của chủ nghĩa khủng bố quốc tế và diễn biến của tình hình I-rắc. Các nghị sĩ lên án chủ nghĩa khủng bố đồng thời phê phán chính sách của Mỹ, đề cao chủ nghĩa đa phương và vai trò của Liên hợp quốc. Đại biểu Nhật Bản khi đề cập đến chiến tranh I-rắc khẳng định không thể đi ngược lại các nghị quyết của Liên hợp quốc "dù hệ quả trước mắt có tích cực" vì tổ chức toàn cầu này là chỗ dựa duy nhất cho hoà bình và an ninh quốc tế. Vì lẽ đó, chiến tranh I-rắc là một thảm kịch.

(b) Về tình thình kinh tế và quan hệ thương mại Á - Âu, hội nghị nhất trí đánh giá hệ thống thương mại thế giới vẫn chứa đựng nhiều yếu tố bất bình đẳng (hàng rào kỹ thuật, phi thuế quan như tiêu chuẩn cao về vệ sinh, môi trường và lao động áp dụng đối với các mặt hàng của các nước đang phát triển, trợ cấp nông nghiệp và việc lạm dụng biện pháp chống bán phá giá của các nước phát triển, v.v.) và bị các nước lớn chi phối gây nhiều bất lợi cho các nước đang phát triển: Nghị sĩ Thuỵ Điển thừa nhận là do hàng rào thương mại của các nước phát triển, mỗi năm các nước đang phát triển thất thu 100 tỷ đo là Mỹ. Các Nghị sĩ Á - Âu nhất trí về mối quan hệ không thể thiếu giữa thương mại phát triển. Đại diện UNDP nhấn mạnh: mục tiêu đảm bảo thương mại bình đẳng chính là mục tiêu thứ 8 trong Tuyên bố thiên niên kỷ đã được nguyên thủ các nước thông qua và các nước cần tuân thủ nhằm bảo đảm các nước đang phát triển thu được lợi ích và tự do hoá thương mại để phục vụ mục tiêu phát triển của mình.

Hội nghị thừa nhận rằng quá trình toàn cầu hoá không mang lại lợi ích đồng đều cho các nước mà còn tác động bất lợi đến những nước nghèo, đặt ra những thách thức về năng lượng quốc gia, khả năng thích nghi và tiếp thu, năng lực pháp luật và thể chế, trình độ giáo dục và khoa học công nghệ.

Bên cạnh việc thừa nhận tính tất yếu của các hiệp định tự do thương mại song phương và khu vực, hội nghị nhấn mạnh những thoả thuận này chỉ có thể bổ sung chứ không thể thay thế hệ thống thương mại đa phương và các nghị sĩ ủng hộ việc nối lại chương trình nghị sự phát triển Đô-ha để củng cố hệ thống đó.

Hội nghị đã nhất trí thông qua bản kiến nghị của đoàn Việt Nam đưa ra cho chính phủ và nghị viện Á - Âu, trong đó kêu gọi ủng hộ Việt Nam sớm gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

(c) Về chủ đề bản sắc và đa dạng văn hoá: Hội nghị nhận định văn hoá là một trụ cột của phát triển bền vữa, khẳng định mối quan hệ gắn bó giữa gìn giữ và phát huy bản sắc và đa dạng văn hoá đã trở nên cấp thiết trong bối cảnh xu thế toàn cầu hoá có tác động trái ngược nhau, vừa khuyến khích mở cửa giao lưu vừa làm tăng xu hướng cục bộ, không bao dung, kỳ thị. Đại biểu Pháp nêu bật tầm quan trọng của quan điểm này đã được ghi vào dự thảo Hiến pháp của Liên minh Châu Âu và nhấn mạnh không thể quan niệm văn hoá như hàng hoá thông thường mà là sản phẩm đặc biệt. Đại biểu Nhật cho rằng khuyến khích và trao đổi sinh viên theo hai chiều sẽ góp phần nâng cao ý thức tôn trọng bản sắc và đa dạng văn hoá. Hội nghị ủng hộ việc hoàn tất Công ước quốc tế của UNESCO về đa dạng văn hoá và tán thành sáng kiến của Việt Nam về việc mở một diễn đàn ASEP về thúc đẩy giao lưu văn hoá Á - Âu và về Triển lãm di sản văn hoá Á - Âu.

(d) Về hợp tác Á - Âu: Hội nghị nhất trí tầm quan trọng của việc phát triển quan hệ hợp tác Á - Âu đi vào thực chất và có chiều sâu, nhận định của ASEM đã đạt được những bước tiến nhất định trên cả ba trụ cột hợp tác, nhưng hợp tác kinh tế hiện nay còn ở mức khiêm tốn so với tiềm năng của hai châu lục. Hai châu lục đều có lợi ích hợp tác nhằm đảm bảo luật pháp quốc tế và vai trò của các cơ chế đa phương trong quan hệ quốc tế vì lợi ích của tất cả các thành viên, nhất là các nước đang phát triển.

Hội nghị nhất trí cần xây dựng mối quan hệ giữa cơ chế liên chính phủ ASEM và cơ chế liên nghị viện ASEP, cụ thể chuyển các khuyến nghị của ASEP III đến ASEM-5 để các Chính phủ xem xét, yêu cầu tăng cường sự tham gia của các nghị sĩ tại Diễn đàn doanh nghiệp Á - Âu và các hoạt động khác của ASEM.

3.3. Về các vấn đề khác: cơ bản hội nghị không đi vào thảo luận những vấn đề nhạy cảm dễ gây tranh cái như nhân quyền, tôn giáo và việc mở rộng ASEM.

Một số đoàn nêu lên tình trạng "thâm hụt dân chủ trong hoạch định chính sách" và nhấn mạnh cần tăng cường vai trò của Quốc hội trong quá trình hoạch định chính sách trong nước cũng như trong quan hệ quốc tế. Trưởng đoàn EP đã nêu quan điểm bảo vệ và phát triển văn hoá trước hết phải bảo vệ các quyền cơ bản của con người. Phát biểu của Nghị sĩ Thuỵ Điển tại phiên thảo luận về hợp tác Á - Âu có hàm ý gắn nhân quyền với trao đổi thương mại tại châu Á (đặt điều kiện với các công ty đa quốc gia của Thuỵ Điển hoạt động tại Trung Quốc, Phi-lip-pin v.v.). Nghị sỹ Thuỵ Điển và EP quan tâm tới và muốn đưa nhân quyền vào Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị với lập luận một văn kiện không nêu vấn đề này sẽ là một văn kiện yếu và trong quan hệ quốc tế hiện nay việc đưa vấn đề nhân quyền vào trong các tuyên bố quốc tế đã trở thành thông lệ, cho rằng hợp tác Á - Âu muốn đi vào thực chất thì cần phải đề cập tới những vấn đề khó khăn. EP đưa ra một dự thảo ngắn, chung chung, nêu cả Châu Âu và Châu Á. Qua thảo luận dân chủ về vấn đề này tại Uỷ ban Văn kiện, phía EP chấp nhận mức độ công thức của Việt Nam để đưa vào Tuyên bố cuối cùng của hội nghị.

Ngoài ra, EP phối hợp với Trung Quốc và Nhật Bản đã bổ sung một đoạn về đàm phán 6 bên về bán đảo Triều Tiên nhằm khuyếch trương vai trò của hai nước này trong cuộc đàm phán mới đây tại Bắc Kinh và khuyến khích tiếp tục dàn xếp hoà bình vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

 

III. NHẬN XÉT VÀ ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ

Hội nghị ASEP III đã thành công tốt đẹp thể hiện trên các vấn đề sau:

1. ASEM III đã góp phần cho tiến trình đối tác liên nghị viện Á - Âu đi vào định hình trong khuôn khổ đối tác chung Á - Âu: Các đoàn đều có chung nhận định ASEP III đã trở thành một điểm mốc quan trọng của ASEP. So với ASEP I tại Strasbourg, Pháp tháng 4/1996 và ASEP II tại Malina, Phi-lip-pin tháng 8/2002 thì ASEP III đã tập hợp được thành phần tham dự đầy đủ nhất với 25 đoàn/ 26 thành viên. ASEP đã đáp ứng được yêu cầu đề ra là góp phần tạo đà thuận lợi cho ASEM-5. Tuyên bố của ASEP III kêu gọi các nước thành viên ASEM tham dự ASEM 5 đông đủ, ở cấp cao và tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam sớm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Các đoàn đều hoan nghênh thành công của ASEP III vì tạo được sự gắn kết giữa ASEP và ASEM.

2. ASEP là một hoạt động hội nhập có hiệu quả của Quốc hội ta. Sau thành công của Hội nghị AIPO-23, những kết quả ASEP III đã khẳng định những bước tiến mới của Quốc hội ta trên con đường chủ động hội nhập khu vực và thế giới. Các chủ đề thảo luận tại hội nghị do ta đề xuất vừa mang tính thời sự cao vừa đi vào thực chất của tiến trình hợp tác Á - Âu và hướng tới những vấn đề rộng lớn, những thách thức lâu dài, phản ánh được sự quan tâm chung của các đoàn, do đó được nghị sĩ các nước thảo luận sôi nổi với những cách tiếp cận sắc sảo, đi vào chiều sâu. Tại hội nghị, ta cũng đảm bảo được việc tập trung vào một văn kiện cuối cùng - Tuyên bố ASEP III, tránh được xu hướng "lạm phát" nghị quyết khó khả thi của nhiều hội nghị quốc tế. Thành công của hội nghị đã góp phần nâng cao vai trò, vị trí của nước ta và Quốc hội ta trong tiến trình hợp tác Á - Âu. Các đại biểu dự hội nghị ghi nhận tinh thần trách nhiệm của Việt Nam đối với sự nghiệp phát triển quan hệ hợp tác giữa hai châu lục.

3. Tại ASEP III, chúng ta đã làm tốt công tác tuyên truyền đối ngoại, tăng cường hiểu biết và tình cảm của các đại biểu đối với đất nước, con người, văn hoá lâu đời và xã hội hiện tại của Việt Nam trong đổi mới. Các đại biểu đánh giá cao công tác tổ chức và sự chu đáo của ta cũng như tình cảm của nhân dân Việt Nam và thành phố Huế, đặc biệt có ân tượng sâu sắc về văn hoá con người Việt Nam qua các cuộc giao lưu văn hoá, văn nghệ bên lề Hội nghị.

4. Thành công của ASEP III còn là sự phối hợp chặt chẽ và phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan trong việc thực hiện đường lối ngoại của Đảng và Nhà nước.

5. Tuy nhiên, thực tiễn diễn ra của ASEP III đặt ra những vấn đề cần rút kinh nghiệm ví dụ như công tác vận động bên lề hội nghị, việc điều hành, phối hợp trước và trong quá trình hội nghị, những vấn đề về tổ chức, lễ tân hậu cần. Những vấn đề đó cần được đánh giá nghiêm túc để góp phần đưa công tác đối ngoại của Quốc hội ta đáp ứng các nhiệm vụ hiện nay và trong tương lai.

 

IV. NHỮNG CÔNG VIỆC TIẾP THEO

1. Việc chuyển tải những khuyến nghị của ASEP III đến Hội nghị Cấp cao ASEM 5 là một vấn đề quan trọng. Uỷ ban Quốc gia tổ chức ASEM 5 của Việt Nam đã thống nhất thăm dò ý kiến các thành viên ASEM tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM từ ngày 17 - 18/4/2004 để tìm ra phương thức hợp lý và hiệu quả.

2. Theo quyết định của hội nghị, Việt Nam nằm trong thành phần chủ chốt, là điều phối viên lâm thời của Nhóm nghiên cứu và lên kế hoạch làm việc chính thức của Nhóm nghiên cứu từ 01/7/2004 nhằm đảm bảo hoàn thành dự thảo nội quy thống nhất trình Hội nghị ASEP IV (nửa đầu năm 2006).

3. Với việc ASEP trở thành Hội nghị định kỳ, ta cần tiếp tục tham gia và đóng góp tích cực cho diễn đàn đối tác nghị viện Á - Âu. Trước mắt, sẽ hoàn tất Kỷ yếu của ASEP III để thông tin đến các đại biểu Quốc hội.

4. Cần rút ra những kinh nghiệm từ ASEP III để chuẩn bị tổ chức thành công Hội nghị lần thứ 13 Diễn đàn Nghị sĩ châu Á Thái Bình Dương (APPF) vào tháng 01 năm 2005 tại Việt Nam.

5. Trong tiếp xúc bên lề Hội nghị với đoàn đại biểu Nghị viện châu Âu (EP), phía EP quan tâm đến khả năng Chủ tịch Quốc hội Việt Nam thăm EP vào nửa đầu năm 2005, Uỷ ban Đối ngoại kiến nghị ta nên đưa hoạt động này vào dự kiến chương trình đối ngoại 2005 của Chủ tịch Quốc hội.

Trên đây là Báo cáo kết quả Hội nghị Đối tác Nghị viện Á - Âu lần thứ ba (ASEP III), Uỷ ban Đối ngoại xin kính trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Xin gửi theo những phụ lục sau:

Phụ lục 1: Tuyên bố cuối cùng của ASEP III

Phụ lục 2: Báo cáo tiếp xúc song phương

 

Nơi nhận:

- Như trên;

- Văn phòng TW Đảng

- Văn phòng Chủ tịch nước

- Văn phòng Chính phủ

- Ban Đối ngoại Trung ương

- Bộ Ngoại giao

- Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam

- Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội

- Các thành viên Uỷ ban Đối ngoại

- Các thành viên Đoàn ĐB Việt Nam dự ASEP III

TM. UỶ BAN ĐỐI NGOẠI

Chủ nhiệm

Vũ Mão

 

 

[1] Phi-lip-pin: Thúc đẩy Uỷ ban văn kiện lấy nội dung ASEP III do Việt Nam soạn thảo làm cơ sở để điều chỉnh bổ sung thành nội quy chung của ASEP ngay trong thời gian Hội nghị ASEP III.

[2] Chủ yếu là bản thân Trung Quốc do mâu thuẫn giữa Nghị viện Châu Âu và Trung Quốc tại Hội nghị ASEP I