UỶ BAN ĐỐI NGOẠI NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ

Phần thứ hai

MỘT SỐ TƯ LIỆU CỦA ỦY BAN ĐỐI NGOẠI QUA CÁC THỜI KỲ

  

QUỐC HỘI KHOÁ XI

Uỷ ban Đối ngoại

-------

Số: 1477/UBĐN

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

----------------------------------

Hà Nội,  ngày 25 tháng 01 năm 2005

 

Kính gửi: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN LẦN THỨ 13

DIỄN ĐÀN NGHỊ VIỆN CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG

Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, 10 - 13/01/2005

 

Từ 10 - 13/01/2005, Diễn đàn Nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 13 (APPF-13) đã diễn ra tại Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Chủ tịch APPF-13. Trước đó, ngày 09/01/2205, Hội nghị toàn thể Uỷ ban Chấp hành APPF cũng đã được tổ chức tại Hà Nội.

 

I. BỐI CẢNH VÀ MỤC TIÊU ĐĂNG CAI HỘI NGHỊ

1. Bối cảnh

Diễn đàn Nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương (APPF) thành lập năm 1993 tại Tokyo, Nhật Bản. Tôn chỉ, mục đích của APPF là thúc đẩy đối thoại giữa các nghị sỹ trong khu vực về các vấn đề an ninh - chính trị, hợp tác kinh tế - thương mại và văn hoá, hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động của Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương, đóng góp vào việc duy trì hoà bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng chung của khu vực.

Quốc hội nước ta đã sớm tham gia APPF và chủ động đóng góp vào cơ chế đối thoại liên nghị viện này.

Hội nghị APPF-13 diễn ra vào thời điểm thế giới và khu vực bước vào năm 2005 với những biến động rất đa dạng và phức tạp, các hoạt động khủng bố vẫn tiếp tục gia tăng tình hình căng thẳng tại Trung Đông, I-rắc, Bán đảo Triều Tiên. Cùng với nguy cơ về sự quay trở lại của các loại dịch bệnh, những tổn thất vô cùng to lớn về người và vật chất tại một số nước Nam Á và Đông Nam Á do động đất và sóng thần đã gây chấn động lớn trên toàn thế giới, sự cảnh tỉnh nhân loại về những mối đe doạ từ thiên nhiên.

2. Mục tiêu đăng cai hội nghị

Thực hiện đường lối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá của Đảng và Nhà nước, với chủ trương tăng cường, chủ động tham gia các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương, tại Hội nghị APPF-12, Quốc hội nước ta đã đăng cai tổ chức Hội nghị APPF-13. Cùng với thành công của các hội nghị liên nghị viện quốc tế do Quốc hội ta đăng cai tổ chức trong những năm qua, Hội nghị APPF-13 sẽ góp phần nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Hoạt động đối ngoại này cũng là dịp để các đại biểu Quốc hội ta tiếp xúc và đối thoại rộng rãi với nghị sĩ các nước về những vấn đề mang tính thời sự và rất thiết thực của khu vực.

Trong bối cảnh nước ta đang đàm phán để gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới, APPF-13 là dịp để ta vận động các nước ủng hộ mục tiêu này, APPF-13 cũng là một hoạt động phối hợ quan trọng cho quá trình chuẩn bị tổ chức Hội nghị cấp cao APEC tại Việt Nam vào năm 2006.

Đăng cai tổ chức APPF là dịp để bạn bè quốc tế hiểu thực tế công cuộc đổi mới, về đất nước, con người, văn hoá Việt Nam và tiềm năng hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch tại Việt Nam.

 

II. DIỄN BIẾN VÀ NỘI DUNG HỘI NGHỊ

1. Thành phần tham dự APPF-13

Tham dự hội nghị có 291 khách quốc tế thuộc 22 Nghị viện thành viên và một Nghị viện Quan sát viên (Brunei). Hầu hết Nghị viện các nước ASEAN đều cử đoàn cấp cao dự hội nghị như các Chủ tịch Quốc hội Lào, Căm-pu-chia, Chủ tịch Hạ viên Indonesia, Chủ tịch Thượng viện Thái Lan, Malaixia (Singapore và Brunei chỉ cử cấp nghị sĩ làm trưởng đoàn). Dẫn đầu đoàn đại biểu Nghị viện Nhật Bản là cựu Thủ tướng Nhật Bản, Chủ tịch danh dự APPF, Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc và Hà Quốc là cấp Phó Chủ tịch Quốc hội, Đoàn đại biểu Liên bang nga do Chủ tịch Hội đồng liên bang dẫn đầu. Ngoài ra, có Chủ tịch Hạ viện Ô-xtơ-rây-li-a và Chủ tịch Hạ viện Fi-gi, Nghị viện Hoa Kỳ cũng cử đoàn gồm 11 người (trong đó có một Thượng nghị sĩ và một Hạ nghị sĩ liên bang) và tham gia tất cả các phiên họp của hội nghị.

Như vậy so với các hội nghị APPF trước, số lượng đại biểu và cấp Trưởng đoàn dự hội nghị lần này cao hơn. Điều đó cho thấy nội dung thiết thực của hội nghị lần này và việc hội nghị được tổ chức tại Việt Nam đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của Nghị viện các nước. Liên minh nghị viện thế giới (IPU) tuy không thể tới dự, song đã gửi thông điệp chao mừng tới hội nghị. Vào thời điểm diễn ra hội nghị, Chủ tịch Hạ viện Cộng hoà I-ta-li-a thăm hữu nghị chính thức nước ta, đã dự phiên khai mạc APPF-13.

2. Chương trình và diễn biến của Hội nghị

Tối 9/01/2005, tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Chủ tịch APPF-13, Uỷ ban Chấp hành APPF đã họp thông qua chương trình nghị sự và hoạt động của hội nghị, thảo luận các vấn đề về tổ chức của APPF. Theo đề xuất của Quốc hội Việt Nam, Ban chấp hành quyết định triệu tập Phiên họp đặc biệt về động đất và sóng thần trước phiên toàn thể thứ nhất.

Từ 10-13-/01-2005, tại Thành phố Hạ Long hội nghị đã có năm phiên họp toàn thể tập trung thảo luận các chủ đề:

a. Tình hình chính trị và an ninh tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và thế giới; Chủ nghĩa khủng bố quốc tế; Các vấn đề tiểu khu vực.

b. Tình hình kinh tế khu vực và thế giới; Báo cáo về hội nghị APEC-2004 của Đoàn Chi-lê; Toàn cầu hoá và Hợp tác thúc đẩy Vòng đàm phán mới của Tổ chức Thương mại thế giới; Tăng cường các nỗ lực hợp tác kinh tế song phương và đa phương.

c. Hợp tác Châu Á - Thái Bình Dương giải quyết các vấn đề cùng quan tâm; Vấn đề môi trường; HIV/AIDS và các loại dịch bệnh; Nguồn lực cho phát triển bền vững; Tội phạm xuyên quốc gia; Trao đổi và hợp tác giữa các nền văn hoá; Công việc trong tương lai của APPF; Giới thiệu trang chủ trên mạng của APPF.

Trong thời gian hội nghị, Chủ tịch nước ta Trần Đức Lương đã có cuộc tiếp Trưởng đoàn các nước dự Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã có các cuộc gặp riêng với các Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Thượng, hạ nghị viện các nước như Lào, Căm-pu-chia, Indonesia, Malaixia, Thái Lan, Liên bang Nga, Ô-xtơ-rây-li-a, Fi-gi và Chủ tịch Hạ nghị viện I-ta-li-a. Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được tiếp các Phó Chủ tịch Hàn Quốc, Trưởng đoàn Mông Cổ, Mê-hi-cô, Niu-Dilân, Philippine. Đồng chí Vũ mão, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại cũng có các cuộc tiếp vào trao đổi với các đoàn Hoa Kỳ, Canađa.

Tại phiên bế mạc, Hội nghị đã thông qua 22 Nghị quyết và Thông cáo chung của Hội nghị APPF-13.

Hơn 100 nhà báo trong và ngoài nước đã dự và đưa tin về hội nghị. Phiên Khai mạc trọng thể tiến hành tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Quảng Ninh đã được truyền thanh và truyền hình trực tiếp phục vụ khán thính giả cả nước.

3. Nội dung chính của hội nghị

3.1. Phiên họp đặc biệt về động đất và sóng thần: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Chủ tịch APPF-13 đã nêu lên những thiệt hại khủng khiếp do trận động đất và sóng thần ngày 26/12/2004 tại các nước Nam và Đông Nam Á, Châu Phi, nhấn mạnh cả thế giới bàng hoàng trước thảm hoạ này và đã nhanh chóng có những biện pháp hữu hiệu để chia sẻ và hỗ trợ các nước bị nạn. Với tinh thần thương thân tương ái, cùng với các nước khác một phong trài quyên góp ủng hộ nạn nhân các nước bị nạn đã được phát động rộng rãi tại Việt Nam.

Chủ tịch Hạ viện Inđonesia thông báo khái quát kết quả Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN tại Gia-các-ta về khắc phục hậu quả động đất và sống thần. Các đại biểu dự hội nghị xúc động khi chứng kiến sự tàn phá khủng khiếp của sóng thần qua những hình ảnh do đoàn Indonesia cung cấp. Phát biểu của các đoàn Thái Lan, Nhật Bản và một số đoàn đã khẳng định ủng hộ những cam kết, biện pháp cần thiết mà cộng đồng quốc tế đã và sẽ thực hiện trước thảm hoạ này. Hội nghị đã nhất trí thông qua tại phiên họp đặc biệt này Nghị quyết do Việt Nam, Indonesia, Nhật Bản đồng bảo trợ. Nghị quyết kêu gọi các nước thực hiện các cam kết và tăng cường các nỗ lực chung cho công cuộc hỗ trợ, tái thiết ở các vùng bị nạn và xây dựng một cơ chế cảnh báo sớm hữu hiệu nhằm ngăn chặn thảm hoạ thiên nhiên tương tự trong tương lai.

3.2. Về các chủ đề thảo luận tại Hội nghị

Các đoàn đánh giá cao tầm bao quát, tính thiết thực, thời sự của nội dung các chủ để do Quốc hội Việt Nam đề xuất trong chương trình nghị sự. Tại các phiên họp toàn thể, không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn mang tính xây dựng với hàng trăm tham luận.

a. Về tình hình chính trị và an ninh: Hội nghị nhận định trong bố cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới có nhiều biến động phức tạp, nhưng Châu Á - Thái Bình Dương vẫn là một khu vực tương đối ổn định, quá trình hợp tác vì phát triển bền vững đang là nhân tố quan trọng, tích cực trong việc thúc đẩy, củng cố hoà bình, an ninh khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhấn mạnh cần tăng cường những nỗ lực chung để giải quyết một cách căn bản những nguy cơ tiềm ẩn gây mất ổn định xuất phát từ những mối đe doạ truyền thống và phi truyền thống đang ngày càng gia tăng. Hội nghị lên án các hành động khủng bố dưới mọi hình thức, nhấn mạnh tình trạng kém phát triển, sự gia tăng của khoảng cách giàu nghèo là những vấn đề mà cộng đồng quốc tế cần hợp tác để giải quyết hiệu quả trong cuộc đấu tranh với khủng bố quốc tế hiện nay. Hội nghị bày tỏ lo ngại về tình hình căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, kêu gọi các bên liên quan nối lại đàm phán sáu ben để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân tại đây. APPF đánh giá cao vai trò và đóng góp tích cực của Diễn đàn an ninh ASEAN (ARF) vào tiến trình đối thoại xây dựng lòng tin giữa các nước trong khu vực nhằm củng cố hoà bình, ổn định, hợp tác phát triển và phồn vinh tại Châu Á - Thái Bình Dương.

b. Về vấn đề kinh tế - thương mại, các đoàn nhất trí nhận định mặc dù còn có những nhân tố bất ổn định, Châu Á - Thái Bình Dương vẫn đang là một khu vực phát triển kinh tế năng động với tốc độ tăng trưởng cao. Tiến trình hợp tác vì phát triển giữa các nước đã và đang trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của khu vực. Các đại biểu cũng đề cập khó khăn, thách thức đối với tiến trình hợp tác và phát triển bền vững đó là trình độ phát triển không đồng đều, sự thiếu hụt về nguồn lực cho phát triển, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển ở trình độ thấp.

Trong khi tiến trình tự do hoá toàn cầu của Vòng Đô-ha đang bế tắc, Hội nghị nhận định sự hình thành, phát triển của các khu vực mậu dịch tự do song phương và đa phương (FTA/RTA) là những giải pháp hỗ trợ tích cực cho quá trình tự do hoá thương mại toàn cầu. Với nhận thức hội nhập khu vực gắn liền với tiến trình toàn cầu hoá và cuộc đấu tranh vì một trật tự kinh tế quốc tế mới, Hội nghị khẳng định vai trò quan trọng của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong việc mở rộng tự do mậu dịch toàn cầu, hoan nghênh kết quả Hội nghị cấp cao APEC-12 tại Chi-lê. Nhấn mạnh các Vòng đàm phán của WTO, cụ thể là Vòng đàm phán phát triển Đô-ha chỉ có thể được thúc đẩy nhanh trên tinh thần hợp tác thiện chí có tính tới yêu cầu của các nước đang phát triển.

Hội nghị nhất trí cao với quan điểm của Việt Nam ủng hộ các sáng kiến tăng cường các quan hệ đối tác kinh tế song phương và đa phương hình thành trên cơ sở phù hợp với nguyên tắc của hệ thống thương mại thế giới thông qua WTO, chú trọng tới lợi ích của các thành viên phát triển ở trình độ thấp thông qua việc chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm đàm phán FTA/RTA, hỗ trợ năng lực hội nhập và tiếp cận thì trường của các nước này.

Các đoàn tham dự hội nghị đánh giá cao việc chuẩn bị và những bước tiến tích cực trong tiến trình đàm phán để gia nhập WTO của Việt Nam và Liên bang Nga, bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ hai nước này sớm gia nhập WTO.

c. Về hợp tác giải quyết các vấn đề quan tâm chung của khu vực, gần 50 tham luận của các đoàn với những nội dung phong phú, cách tiếp cận đa dạng các vấn đề quan tâm chung của khu vực. Các đại biểu đưa ra những nhận định xác đáng và đề xuất giải pháp thiết thực để giải quyết vấn đề. Nhấn mạnh tình trạng suy thoái môi trường, sự gia tăng của các loại dịch bệnh đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng và sự sống của nhân loại. Tình trạng này đã trở thành những thách thức to lớn đối với an ninh, cản trở sự phát triển bền vững của tất cả các quốc gia trên thế giới. Để đối phó và giải các vấn đề trên, ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu, Hội nghị kêu gọi xây dựng những chiến lược tổng thể, lồng ghép việc bảo vệ môi trường, ngăn chặn dịch bệnh với phát triển bền vững. Trong đó, tăng cường hợp tác, triển khai thực hiện các cam kết chuyển giao công nghệ nhất là công nghệ cao, chia sẻ trách nhiệm trong việc xử lý các vấn đề về môi trường, ngăn chặn và giải quyết dịch bệnh, thực hiện các công ước về môi trường như Nghị định thư Kyoto, nêu cao vai trò và trách nhiệm của Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) trong việc nghiên cứu vắc-xin chống dịch bệnh, khuyến khích các phương pháp chữa trị bằng y học cổ truyền tại châu Á, hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển là những công việc cấp thiết hiện nay.

Hội nghị cho rằng cùng với phát triển thương mại và đầu tư, cần tăng cường nguồn tài chính cho phát triển, đặc biệt là duy trì và tăng cường nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho các nước đang phát triển, chú trọng thực hiện chương trình dân số. Kêu gọi các nước thực hiện các thoả thuận quốc tế quan trọng như Đông thuận Monterrey, Chương trình hành động của Hội nghị Thượng đỉnh Johannesburg về phát triển bền vững, xem xét xoá nợ, giảm nợ cho các nước nghèo để tạo nguồn lực cho phát triển.

Về cuộc chiến chống tội phạm xuyên quốc gia, các tham luận đều khẳng định mối liên hệ giữa hoạt động khủng bố với các tội phạm xuyên quốc gia như nạn rửa tiền, buôn bán người, vũ khí, ma tuý... nhấn mạnh việc tăng cường các nỗ lực hợp tác, phát huy vai trò của các thể chế khu vực như Diễn đàn An ninh ASEAN, APEC, UNESCAP và ASEAN trong quá trình giải quyết các vấn đề này.

Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực đa dạng văn hoá và trình độ phát triển là nơi có những nền văn hoá lâu đời và phong phú nhất trên thế giới. Với đặc điểm đó, các đại biểu nhấn mạnh sự giao lưu, đối thoại và hợp tác văn hoá giữa các nước có vai trò quan trọng, góp phần củng cố hoà bình hợp tác trong khu vực. Các đại biểu cũng khuyến nghị việc xem xét lồng ghép các giá trị văn hoá của các nước vào chương trình giáo dục của mỗi quốc gia để giúp thế hệ trẻ hiểu biết về văn hoá, xã hội của các quốc gia trong khu vực.

d. Về hoạt động trong tương lai của APPF, Hội nghị hoan nghênh Quốc hội Indonesia đăng cai tổ chức APPF-14 tại Gia-các-ta vào năm 2006. Đoàn Nghị viện Hoa Kỳ lưu ý cần có biện pháp hữu hiệu hơn để các Nghị quyết của APPF mang tính khả thi cao. Nhiều đoàn đề cập việc gắn kết chặt chẽ hoạt động của APPF và Diễn đàn hợp tác kinh tế châu á-Thái Bình Dương (APEC). Đánh giá cao đề xuất của Việt Nam tăng cường liên kết giữa các tổ chức liên nghị viện, cụ thể giữa Liên minh nghị viện thế giới (IPU) và APPF tại Hội nghị này, kế hoạch phổ biến kết quả hội nghị trên các trang chủ về APPF của Quốc hội Việt Nam và của APPF.

3.3. Một số vấn đề nổi lên tại các phiên thảo luận

- Để góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình đối thoại về bán đảo Triều Tiên đa số các Đoàn ủng hộ đề nghị của Đoàn Hàn Quốc mời CHDCND Triều Tiên tham gia diễn đàn, cho rằng cần khuyến khích nước này tham gia vào các cuộc đối thoại xây dựng, coi đây là biện pháp góp phần làm giảm căng thẳng tại Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, Đoàn Nhật Bản phản ứng gay gắt với lý do Bắc Triều Tiên chưa có thiện chí giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị CHDCND Triều Tiên bắt cóc trước đây, yêu cầu việc này phải được xem xét trên cơ sở những đóng góp cụ thể bằng hành động của CHDCND Triều Tiên đối với hoà bình, an ninh của khu vực.

- Đoàn Nhật Bản cũng đề nghị đưa vào Nghị quyết về vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên những nội dung phê phán CHDCND Triều Tiên đơn phương rút khỏi đàm phán sáu bên, yêu cầu nước này nối lại vòng đàm phán.

- Đoàn Philippine đưa ra dự thảo nghị quyết với nội dung yêu cầu Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF) chuyển nhanh sang giai đoạn ngoại giao phòng ngừa. Nhấn mạnh trong cuộc chiến chống khủng bố hiện nay cần tăng cường đối thoại giữa các nền văn hóa, tôn giáo, coi đây là một trong những biện pháp hữu hiệu tạo sự hiểu biết lẫn nhau, giảm mâu thuẫn, đặc biệt là đối với cộng đồng Hồi giáo khu vực và trên thế giới.

- Hội nghị nhất trí thông qua Nghị quyết về Mìn sát thương, khuyến nghị các nước tiếp tục đối thoại về Công ước Ottawa, riêng đoàn Canađa kêu gọi cần có biện pháp mạnh mẽ hơn như đòi hỏi các nước đã ký thì cần sớm phê chuẩn, những nước khác phải thực hiện sớm việc ký và phê chuẩn Công ước này.

Đối với các vấn đề gây tranh cãi, ta đã xử lý linh hoạt, tranh thủ sự đồng tình của các đoàn để tháo gỡ bất đồng, đi đến các giải pháp và nội dung văn bản mà các bên đều có thể chấp thuận. Vấn đề CHDCND Triều Tiên được Hội nghị nhất trí chuyển Hội nghị APPF-14 tại Indonesia xem xét cụ thể, có trao đổi với các nước thành viên. Ta cũng đã phối hợp với đoàn Trung Quốc để loại bớt những nội dung nhạy cảm liên quan đến tình hình Bán đảo Triều Tiên mà Nhật Bản định đưa vào Nghị quyết. Vận động đoàn Philippine không đưa nội dung đòi hỏi ARF sớm chuyển sang giai đoạn Ngoại giao phòng ngừa.

 

III. NHẬN XÉT CHUNG VÀ KIẾN NGHỊ

1. Hội nghị APPF-13 đã thành công tốt đẹp cả về nội dung và tổ chức thể hiện ở các phương diện sau:

- Công tác tổ chức và điều hành hội nghị được thực hiện khoa học, được các nước bạn đánh giá là mang tính chuyên nghiệp cao. Các đại biểu đều nhận xét việc tổ chức và điều hành Hội nghị của Quốc hội ta là hoàn hảo, đạt tầm cỡ một hội nghị quốc tế. Các cuộc giao lưu văn hoá, văn nghệ và chương trình tham quan đã để lại những ấn tượng tốt đẹp, giúp các đại biểu hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam.

- Hội nghị đánh giá cao sự điều hành của Chủ tịch APPF-13 thể hiện ở sự linh hoạt, mềm dẻo và xử lý kịp thời các vấn đề nảy sinh, đảm bảo tuân thủ các quy định của APPF đồng thời tạo không khí dân chủ trong quá trình thảo luận tại tất cả các phiên họp toàn thể. Hoạt động của Uỷ ban Văn kiện cũng được điều hành và tổ chức một cách khoa học, sáng tạo và đạt hiệu suất làm việc cao. Việc ta chủ động đề xuất các nước có dự thảo nghị quyết về cùng một vấn đề cùng phối hợp đưa ra phương án chung nhận được sự nhất trí cao và được các đoàn đánh giá là một phương thức làm việc mới, tạo nên tinh thần đoàn kết và hiểu biết lẫn nhau tại Uỷ ban Văn kiện.

- Nội dung các vấn đề do Quốc hội ta đề xuất mang tính bao quát, sát với thực tế tình hình khu vực do đó, thể hiện được sự quan tâm chung của các đoàn.

- Ta đã chủ động đưa ra những sáng kiến về nội dung, đề xuất cụ thể các nghị quyết. Trong số 22 nghị quyết được thông qua tại Hội nghị lần này, ta đã đưa ra 6 dự thảo nghị quyết và đều nhận được sự đồng thuận cao. Cụ thể như sau:

1. Nghị quyết về chống chủ nghĩa khủng bố (ta cùng phối hợp với Nga, Nhật và O-xtơ-rây-li-a đưa ra dự thảo chung).

2. Nghị quyết về thực hiện chương trình nghị sự vòng đàm phán Đô-ha (Việt Nam cùng phối hợp với Mê-hi-cô).

3. Nghị quyết về hợp tác ngăn chặn, phòng ngừa các dịch bệnh (Việt Nam cùng với Nhật, Phi-lip-pin).

4. Nghị quyết về giao lưu và hợp tác giữa các nước châu á-Thái Bình Dương

5. Nghị quyết về xoá nghèo đói và bảo vệ môi trường

6. Nghị quyết về hợp tác khắc phục hậu quả của động đất và sóng thần (Việt Nam cùng với Nhật và In-đô-nê-xi-a).

- Mục tiêu của ta là hướng hoạt động APPF hỗ trợ thiết thực cho APEC, bước đầu được thực hiện tại Hội nghị lần này. Quá trình chuẩn bị cho Hội nghị APEC 2006 tại Việt Nam đã được tuyên truyền và thu hút sự quan tâm của Hội nghị; Sáng kiến của Việt Nam tổ chức phiên họp đặc biệt về thảm hoạ động đất và sóng thần; Ta đã đề cập khéo léo, nhanh nhạy về vấn đề này ngay tại phiên khai mạc được các nước rất hoan nghênh và đánh giá cao. Cạn coi đây là một bước trưởng thành của Diễn đàn APPF-thiết thực đi vào cuộc sống, huy động các quốc gia cùng phối hợp xử lý những vấn đề chung, cấp bách của khu vực và thế giới.

- Thông cáo chung của Hội nghị đã thể hiện cơ bản các quan điểm tích cực của các nước về ba chủ đề chính của Hội nghị. Hội nghị đạt được sự nhất trí cao cùng ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam và Liên bang Nga sớm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

- Tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội ta và các đồng chí lãnh đạo Quốc hội đã có nhiều cuộc tiếp xúc song phương với Lãnh đạo và Trưởng đoàn Nghị viện các nước. Qua các cuộc tiếp xúc này, quan hệ nghị viện song phương của Quốc hội ta với các nước tiếp tục được tăng cường, nhiều vấn đề trong quan hệ hợp tác giữa ta và các nước cũng được hai bên đề cập và trao đổi biện pháp giải quyết để đưa quan hệ hữu nghị, hợp tác phát triển hơn nữa.

2. Một số bài học rút ra từ việc tổ chức thành công APPF-13

- Sự chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Ban Chỉ đạo quốc gia, đặc biệt là của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia.

- Có đề án chi tiết và lộ trình phù hợp đối với mọi công việc chuẩn bị và điều hành Hội nghị.

- Có sự chuẩn bị chu đáo từ giai đoạn trước Hội nghị (trao đổi kinh nghiệm với Quốc hội các nước đã đăng cai tổ chức Hội nghị; Tổ chức cuộc Hội thảo tập huấn cho một số đại biểu Quốc hội nòng cốt và bộ máy chuyên viên giúp việc; Sớm tiến hành vận động các nước thông qua các kênh ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Quốc hội).

- Sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các cơ quan Trung ương với tỉnh Quảng Ninh

- Đội ngũ cán bộ, chuyên viên được lựa chọn đúng người, đúng việc, hợp năng lực, sở trường. Đặc biệt là sự đóng góp đắc lực của đội ngũ cán bộ của Bộ Ngoại giao và Văn phòng Quốc hội.

- Sự thao gia chủ động, tích cực của các đại biểu Quốc hội ta với một lực lượng vừa phải, không đông nhưng đóng góp với chất lượng cao.

- Việc nắm chắc và vận dụng uyển chuyển Điều lệ và những quy định về thủ tục APPF đã góp phần quan trọng giúp cho công tác điều hành của lãnh đạo Quốc hội và công tác tổ chức Hội nghị thành công.

3. Một số kiến nghị và công việc cần thực hiện sau APPF-13

- Hoàn chỉnh các văn kiện hội nghị để tăng tải rộng rãi trên các trang chủ của APPF, tạo nên một tiền đề mới trong hoạt động của APPF. Liên hệ và chuyển toàn bộ tài liệu hội nghị tới các Nghị viện thành viên và Ban thư ký APEC.

- Làm Kỷ yếu Hội nghị để thông tin nội dung Hội nghị đến các đại biểu Quốc hội. Đây cũng là tài liệu sẽ phục vụ Quốc hội ta trong các hoạt động đối ngoại, đặc biệt là việc tiến hành và tổ chức các hội nghị quốc tế tại Việt Nam.

- Với việc tổ chức thành công những hội nghị quốc tế lớn gần đây (như AIPO-23, ASEM-5, ASEP-3... và APPF-13) bạn bè quốc tế đánh giá rất cao khả năng tổ chức các hội nghị quốc tế lớn của Việt Nam. Nhiều nước mong muốn Việt Nam tiếp tục chủ động đăng cai tổ chức những hoạt động lớn hơn, qua đó đề cao vị thế của Việt Nam đồng thời thể hiện được trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế. Theo thông lệ, việc đăng cai các họi nghị lớn như vậy cần được lên kế hoạch trước khoảng 4-5 năm, vì vậy ta cũng cần sớm dự kiến chương trình. Với tinh thần đó, đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư những dự kiến và khả năng đăng cai các Hội nghị quốc tế lớn để có phương án đăng cai sớm một số diễn đàn quan trọng phù hợp với lợi ích và mong muốn của ta (như các diễn đàn liên nghị viện quốc tế và khu vực, Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới-IPU...)

Trên đây là Báo cáo kết quả Hội nghị Diễn đàn nghị viện châu á - Thái Bình Dương lần thứ 13 (APPF-13), Uỷ ban Đối ngoại xin trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

 

Nơi nhận:

- Như trên

- Ban Bí thư TW Đảng

- Văn phòng Trung ương Đảng

- Văn phòng Chủ tịch nước

- Văn phòng Chính phủ

- Ban Đối ngoại TW

- Bộ Ngoại giao

- Thường trực HĐDT, các UB của QH

- Các thành viên Uỷ ban Đối ngoại

- Thành viên Đoàn đại biểu Việt Nam tại APPF-13

- Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội

- Lưu HC, ĐN

THAY MẶT UỶ BAN ĐỐI NGOẠI

Chủ nhiệm

Vũ Mão