UỶ BAN ĐỐI NGOẠI NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ

Phần thứ ba

HỒI ỨC CỦA MỘT SỐ THÀNH VIÊN UỶ BAN ĐỐI NGOẠI

CỦA QUỐC HỘI VÀ CÁN BỘ VỤ ĐỐI NGOẠI

 

KỶ NIỆM VỀ MỘT CHUYẾN ĐI

Đỗ Văn Tài

Chủ nhiệm UBĐN Quốc hội (khoá X)

 

Sau khi Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ được phê chuẩn và thực thi, quan hệ hai nước đã cơ bản hoàn tất quá trình bình thường hoá và bước sang giai đoạn phát triển mới trên nhiều lĩnh vực cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Tuy nhiên, một quan hệ tốt đẹp cùng có lợi giữa hai nước đã bị tác động tiêu cực mạnh bởi vấn đề nhân quyền, tôn giáo ngày càng nổi lên do sức ép của bọn phản động người Việt tại Mỹ và các thế lực cực hữu Mỹ. Chúng ráo riết triển khai hoạt động vận động Thượng viện Mỹ xem xét và thông qua "Đạo luật nhân quyền Việt Nam". Việc Hạ viện Hoa Kỳ thông qua cái gọi là "Đạo luật nhân quyền Việt Nam" áp đặt điều kiện cho quan hệ 2 nước, xúc phạm lòng yêu nước và tự tôn dân tộc của nhân dân Việt Nam. Chúng tổ chức các cuộc biểu tình, tuyên truyền thổi phồng vấn đề Tây Nguyên, vấn đề dân chủ nhân quyền và tổ chức điều trần về tình hình tự do tôn giáo tại Hạ viện, kích động một số nhân vật bất đồng chính kiến và giáo phái ly khai chống Việt Nam. Chúng tăng cường tiếp xúc với văn phòng các thượng nghị sĩ, đưa ra những luận điệu có vẻ ôn hoà như chúng không chống lại Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, nhưng từ khi có Hiệp định thì những vi phạm nhân quyền lại tăng lên, do đó chúng đề nghị phải có một đạo luật để ràng buộc. Đồng thời, chúng gia tăng hoạt động hạ uy tín các nghị sĩ trong nhóm Kerry ủng hộ quan hệ với Việt Nam, tận dụng những yếu tố nhậy cảm vào lúc ông Kerry đang vận động để được bầu lại làm thượng nghị sĩ, và ông Mac Can đang có vấn đề sức khoẻ... Chúng ra sức khai thác vấn đề người Thượng ở Tây Nguyên. Trên báo chí, chúng tập trung tố cáo ta ngăn cản tự do tôn giáo, nhân quyền, vu cáo ta đàn áp các nhân vật bất đồng chính kiến...

Trước tình hình trên, chủ trương của lãnh đạo Đảng ta là chủ động tiến công, vận động, đấu tranh trong nước và ngoài nước, trong quan hệ song phương Việt - Mỹ và trên các diễn đàn quốc tế nhằm đẩy lùi từng bước tiến tới loại bỏ "Đạo luật nhân quyền Việt Nam".

Thực hiện chủ trương trên, tháng 4/2002, Đoàn đại biểu Quốc hội - Ngoại giao do chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội ta dẫn đầu đã sang thăm và làm việc tại Mỹ, tiếp xúc với Chính phủ, các nghị sĩ Quốc hội và doanh nghiệp Mỹ, với tinh thần vận động khôn khéo đạt hiệu quả tối đa, làm cho họ hiểu rõ tình hình thực tế ở Việt Nam, ủng hộ lập trường chính nghĩa và thiện chí của ta về vấn đề nhân quyền và tôn giáo, đồng thời thúc đẩy đà phát triển quan hệ trên nhiều mặt giữa hai nước đã đạt được trong những năm qua.

Đoàn ta gồm các đ/c Đỗ Văn Tài, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội, trưởng đoàn, Lê Bàng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ nhiều năm, người hiểu rất rõ về địa bàn và chính phủ Mỹ nhiều năm, Cư Hoà Vân, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Lý Tài Luận, Ủy viên Ủy ban thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế ngân sách của Quốc hội, Phạm Thanh Ngân, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, Mai Hoa Niếc Đam, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắc Lắc, đại biểu Quốc hội,

Neang Kim Chiêng, đại biểu quốc hội tỉnh An Giang, Phạm Văn Quê, Phó vụ trưởng Vụ Châu Mỹ, Bộ Ngoại Giao, Lê Thu Hà, chuyên viên Vụ Đối ngoại - Văn phòng Quốc hội; Trần Thị Bích Vân, chuyên viên Vụ châu Mỹ - Bộ Ngoại giao.

Đại sứ ta ở Mỹ cho biết, theo luật Hoa Kỳ, có khả năng làm cho Đạo luật nhân quyền Việt Nam không tồn tại nếu ta vận động, đấu tranh sao cho Thượng viện Mỹ không thông qua dự luật trong khoá Quốc hội này (cho đến hết tháng 11/2002). Quốc hội sau nếu muốn dựng lại vấn đề thì phải làm lại quy trình từ đầu. Kỳ họp này của Quốc hội Mỹ kéo dài đến 29/3 và họp lại từ đầu tháng 4 đến tháng 8/2002. Do đó, Đại sứ quán ta đề nghị đoàn nên sang vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4/2002. Vì Quốc hội Mỹ kết thúc kỳ họp này vào cuối tháng 3 hoặc giữa tháng 4/2002 sẽ họp lại. Với yêu cầu trên của đại sứ quán ta, đoàn phải chuẩn bị khẩn trương để kịp lên đường. Mặc dù đại sứ quán ta cũng cho biết ngày 21/4/2002 sẽ có cuộc biểu tình lớn của bọn người Việt phản động đã được đăng ký trước đại sứ quán Việt Nam nhân dịp 30/4.

Trước khi đoàn lên đường ít ngày, ông Peterson cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam xin gặp anh Lê Bàng, ngoài việc trao đổi chung về quan hệ hai nước, ông ta tỏ ý quan tâm đặc biệt tới chuyến đi sang Mỹ của đoàn ta, ông bày tỏ lo lắng cho chuyến đi vì thời điểm rất bất lợi do sắp tới là dịp 30/4 và vào lúc Quốc hội Mỹ xét gia hạn điều luật Jackson - Vanik, chắc chắn đoàn sẽ phải đối phó với chất vấn gay gắt của phía Mỹ về các vấn đề hóc búa, dễ gây bùng nổ như: vấn đề người Thượng, nhân quyền, tôn giáo". Ông e ngại là "vào những lúc gay cấn sẽ không có ai đứng ra đỡ hộ cho đoàn, không thể trông mong gì vào sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao Mỹ". Ông khuyên các thành viên trong đoàn cần hết sức thận trọng và bình tĩnh nhưng ông tin "phía Việt Nam đã chuẩn bị kỹ".

Bộ ngoại giao đã báo cáo ý kiến của ông Peterson với Ban Bí thư cho rằng ý kiến của ông ta là rất đáng quan tâm, Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội và Bộ Ngoại giao cần chuẩn bị kỹ để chuyến đi đạt kết quả.

Đoàn lên đường đúng thời gian đã định. Chúng tôi rời Hà Nội ngày 18/4 và rời Los Angeles về nước vào ngày 30/4/2002.

Trong thời gian ở Mỹ, theo sự thu xếp của Đại sứ quán và các cơ quan đại diện ta phối hợp với các cơ quan hưu quan Mỹ ở Trung ương và địa phương, đoàn sẽ thăm và làm việc tại thủ đô Washington - DC, thành phố New York, các bang Oklabana, Washington và thành phố San Feransisco.

Ở Washington-DC, chúng tôi đã làm việc với Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Mỹ Richard L.Armitage, Trợ lý Bộ trưởng quốc phòng phụ trách an ninh quốc tế Peter. W, Rodman, Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại thượng viện Joseph Biden, Thượng nghị sĩ John Mac-Cain, lãnh tụ phe thiểu số tại Ủy ban thương mại khoa học và giao thông vận tải, thành viên Ủy ban quân lực thượng viện, thượng nghị sĩ Chuck Hagel, lãnh tụ phe thiểu số tại tiểu ban, Đông Á - Thái Bình Dương thuộc Uỷ ban Đối ngoại thượng viện, Thượng nghị sĩ Don Nickler, Trưởng ban chỉ đạo bỏ phiếu của Đảng Cộng hoà tại thượng viện.

Hạ nghị sĩ Philip Crane, Chủ tịch tiểu ban thương mại, Ủy ban tài chính và thuế vụ Hạ viện.

Hạ nghị sĩ Oanrge Miller, lãnh tụ phe thiểu số tại uỷ ban lao động giáo dục hạ viện.

Nữ hạ nghị sĩ Jennifer Dun, thành viên Ủy ban tài chính, thuế vụ, phó chủ tịch phe cộng hoà tại Hạ viện (chức vụ cao nhất mà phụ nữ có được trong Quốc hội Mỹ tới thời điểm lúc đó).

Theo tài liệu của Đại sứ quán ta cung cấp, thì Bà Dunn là 1 trong 25 phụ nữ thông minh nhất nước Mỹ, một trong 100 phụ nữ có quyền lực nhất ở Washington-DC.

Giám đốc trường Đại học John Hopking, Giáo sư F.Brown đang có quan hệ về một dự án với Quốc hội ta.

Hội đồng thương mại Việt Mỹ và khoảng 30 doanh nhân lớn (do bà Virginia Foot chủ trì tổ chức cảm thông và trao đổi ý kiến)

- Tại New York, gặp đại diện các tổ chức phi chính phủ, một số học giả và doanh nhân, gặp và trao đổi ý kiến với một số thành viên hội đồng thành phố New York, cơ quan lập pháp cao nhất của thành phố.

- Ở Oklahama tiếp và làm v iệc với đoàn có các vị Chủ tịch Hạ viện Bang Larry E.Aidair. Thượng nghị sĩ Billy A. Mickle, lãnh tụ phe đa số tại thượng viện Bang; lãnh đạo tổ chức doanh nghiệp của Bang. Giám đốc Trường Đại học Oklahama, tiến sĩ David Boren cựu thượng nghị sĩ, thăm trường đại học, nói chuyện với các giáo viên Mỹ và sinh viên Việt Nam đang học ở trường.

- Tại Bang Washington, Phó thống đốc bang kiêm Chủ tịch thượng viện Bang; Thượng nghị sĩ Karen Fragel; thống đốc Bang Gang Locke, thị trưởng thành phố Seattle Grey Nikoli, lãnh đạo công ty Boeing, lãnh đạo tập đoàn Microsoft, lãnh đạo cảng seatle đã tiếp và làm việc với đoàn.

- Ở San Francisco, điểm dừng chân đầu tiên của đoàn trên đất Mỹ, Trưởng lãnh sự ta có ý thu xếp một chương trình sao cho Đoàn có thể nghỉ ngơi sau chuyến bay dài từ Hà Nội qua Đài Loan và sang đây, chuẩn bị để bước vào những tiếp xúc chủ yếu ở thủ đô và ở đó mới có thể nói là "trận chiến" bắt đầu từ Washington-DC, từ lâu đài Quốc hội Liên Bang đến toà nhà Bộ Ngoại giao, đến Lầu Năm góc. Từ ngày ấy, chắc chắn chỉ là tiếp xúc và tiếp xúc chắc chương trình sẽ dày đặc, sẽ có ít lúc thảnh thơi. Có lẽ nghĩ như vậy cho nên anh Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng lãnh sự ta tại San Francisa và anh chị em ta ở cơ quan đại diện mới dành cho đoàn những giây phút thật thư giãn. Không có tiếp xúc ngoại giao, chỉ đến thăm tổ chức Asi-Foundation và Toà thị chính, còn lại thời gian là thăm quan một số thắng cảnh của thành phố; cầu cổng vàng, chắc ai đến Francisco mà không thể không đến ngắm cây cầu có kiến trúc độc đáo của thành phố này, một thành phố xây dựng trên những ngọn đồi với cây cối xanh tươi, và những con đường khi lên dốc, khi xuống dốc làm tôi nhớ lại một thành phố của miền Đông Cuba, thành phố Santiago de Cuba uốn lượn quanh những quả đối với những rừng cây xum xuê mát rượi. kết thúc những ngày làm việc căng thẳng, nghĩ lại mới thấy giá trị của thời gian thư giãn, tuy rát ngắn ngủi ở San Fransico với những giây phút đi dã ngoại nằm soài trên thảm cỏ, ngắm trời xanh, thưởng thức món thịt nướng,  vừa ăn vừa tâm sự về quãng đời làm công tác ngoại giao, xa đất nước, xa quê hương, gia đình, họ hàng, càng cảm thông với những suy tư của các đồng chí mình xa xứ, dồn cả tâm sức mình cho sự nghiệp cao cả của đất nước tạm gác lại những tình cảm riêng tư.

Mong muốn của Việt Nam là các quan chức, chính quyền, Quốc hội, các nhà doanh nghiệp ủng hộ thiện chí và lập trường chính nghĩa của Việt Nam và kiên quyết bác bỏ, không đưa Dự luật này ra Thượng viện xem xét, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì sự phát triển tốt đẹp, quan hệ của 2 nước khi hiệp định thương mại được ký kết. Ta nói rõ mọi mưu toan thúc đẩy dự luật này chỉ khơi lại trong nhân dân và Quốc hội Việt Nam hình ảnh của Hoa Kỳ trong quá khứ. Nếu dự luật này được thông qua ở Thượng viện thì mối quan hệ hợp tác, hữu nghị mà hai nước đã dày công vun đắp trong thời gian qua sẽ bị đẩy tới bờ vực của sự nghi ngờ và chịu những tổn thương không đáng có.

Chúng tôi cũng nhắc lại rằng đã nhiều lần Việt Nam khẳng định mọi quan tâm của hai nước liên quan đến vấn đề tôn giáo nhân quyền hay các vấn đề khác đều có thể được đề cập thông qua cơ chế đối thoại, trao đổi song phương, thảo luận thẳng thắn và xây dựng.

Với những nội dung trên, nhưng với từng đối tượng, chúng tôi cũng vận dụng phương châm vừa hợp tác vừa đấu tranh trong đối thoại sao cho khôn khéo và đạt hiệu quả tối đa như lãnh đạo ta căn dặn trước khi đi, không đao to búa lớn nhưng phải thể hiện quan điểm của ta thật rõ ràng với những vấn đề chủ yếu. Mặc dù rất quan tâm đến những điều mà Cựu Đại sứ Peterson đã nêu, nhưng qua thực tế tiếp xúc tôi thấy không khí trao đổi giữa đoàn ta với cá đối tác có hơi khác, không có gì căng thẳng đến mức như Peterson đã nói. Ngay buổi đầu tiên đến Bộ ngoại giao làm việc với Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Armitige chúng tôi đã cảm thấy thái độ vui vẻ hữu nghị của chủ nhà đón tiếp chúng tôi nhiệt tình, trò chuyện cởi mở, trao đổi thẳng thắn, xây dựng. Khác với ý kiến của Peterson là không trông mong gì vào sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao Mỹ trước khi đoàn ta sang, chính Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã hứa sẽ hợp tác tích cực với Đại sứ quán ta, thu xếp chương trình của Đoàn, bảo đảm an ninh cho đoàn.

Tôi nghĩ, không khí của buổi làm việc đầu tiên với Armitage, người có vị trí hết sức quan trọng của Bộ Ngoại giao, đã giúp chúng tôi dịu đi những mối quan tâm và những góp ý của Peterson để tiếp tục thực hiện các cuộc tiếp xúc sắp tới với các đối tượng quan trọng khác.

Như vậy không có nghĩa là chúng tôi coi nhẹ tính chất phức tạp của cuộc vận động, vì theo Đại sứ quán ta so với trước khi có Hiệp định thương mại, vì nhiều lý do sự quan tâm của nhiều nghị sĩ Mỹ đối với vấn đề của ta có phần giảm hơn, giới doanh nghiệp vẫn đồng tình với quan điểm của ta nhưng thể hiện không mạnh như trước đây, tuy việc vận động loại bỏ Dự luật nhân quyền và họ thường nêu thực hiện Hiệp định thương mại sẽ ít bị vấn đề Đạo luật nhân quyền tác động. Cũng có tin Thượng nghị sĩ J.Biden, Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại thượng viện đang giao động tính phương án nào đó sau khi có sức ép của bọn người Việt phản động. Khi chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội ta gửi thư cho ông yêu cầu ông ủng hộ việc ký Hiệp định thương mại Việt - Mỹ ông đã có thư trả lời chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại ta bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn việc hai nước ký kết Hiệp định thương mại nhưng trong thư ông cũng viết thêm là "tôi vẫn quan tâm tới vấn đề nhân quyền".

Nhưng hiện tượng trên cho thấy tình hình có phức tạp hơn trước khi có Hiệp định thương mại.

Tuy nhiên, qua trực tiếp gặp gỡ đối thoại và trao đổi, thẳng thắn xây dựng, các đối tượng mà chúng tôi có dịp tiếp xúc ở cấp Trung ương cũng như ở các địa phương trong chuyến thăm lần này, có thể nói đã làm cho họ hiểu hơn tình hình thực tế và quan điểm của ta. Các chính khách của chính quyền và Quốc hội, các nhà doanh nghiệp, các giới học giả, các tổ chức xã hội mà chúng tôi tiếp xúc, đều tỏ ý quan tâm và lắng nghe những trình bày của ta, tỏ thái độ đáp ứng tích cực những yêu cầu của ta, sẽ cố gắng trong cương vị và khả năng của mình vận động các thượng nghị sĩ Mỹ bác bỏ việc đưa ra Thượng viện xem xét và thông qua Đạo luật Nhân quyền Việt Nam. Trong họ có một số người đã có dịp sang thăm Việt Nam, có người là cựu binh Mỹ đã tham gia ở Việt Nam. Họ tỏ ra hiểu biết Việt Nam hơn, nhìn chung số này khi đi thăm Việt Nam về, họ đã có chuyển biến và đóng góp tích cực cho quan hệ 2 nước. Các nghị sĩ sang Việt Nam thường với tư cách là khách của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Bản thân Thượng nghị sĩ Josef Biden, Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ chưa hề đi Việt Nam nhưng ông tỏ ra thông hiểu tình hình Việt Nam và mong muốn phát triển quan hệ hai nước, ông ủng hộ rất tích cực việc ký kết Hiệp định thương mại Việt Mỹ và lần này, có thể còn bị ít nhiều sức ép của giới cực hữu Mỹ và bọn người Việt phản động, nhưng trong vấn đề nhân quyền ông trao đổi rất cởi mở và tỏ thái độ dứt khoát hơn. Khi kết thúc buổi làm việc với chúng tôi, ông đã nói: "Tôi xin nói với các bạn, chừng nào tôi còn làm chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại, thì dứt khoát tôi sẽ không đưa ra Thượng viện xem xét Đạo luật Nhân quyền Việt Nam".

Phải chăng, câu nói ngắn gọn của ông Bisen cũng là những suy nghĩ của các vị chính khách có vị trí và cương vị quan trọng trong Quốc hội và chính quyền Mỹ đã làm việc với đoàn ta, là kết quả mà đoàn ta thu lượm được trong những buổi tiếp xúc, vận động chính giới chủ yếu, ủng họ quan điểm của ta xung quanh vấn đề nhân quyền. Kết quả đó chắc sẽ góp phần ngăn chặn âm mưu đưa ra thượng viện Hoa Kỳ xem xét "Đạo luật nhân quyền Việt Nam", đồng thời thúc đẩy phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong giai đoạn mới sau khi Hiệp định Thương mại được ký kết và thực thi. Kết thúc những hoạt động chính trong chuyến đi vận động những đối tượng chủ yếu trong Quốc hội, chính quyền và giới doanh nhân, đoàn chúng tôi rời thủ đô về New York, sau những ngày làm việc ở thủ đô Washington DC, tuy có khẩn trương do chương trình tiếp xúc rất sít sao, tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn vì đã kết thúc được chặng đường chủ yếu trong chuyến đi dài ngày trên đất Mỹ, vì đã qua đi những giây phút suy tư để đối phó với những vấn đề hóc búa như cựu đại sứ Peterson dự báo, để tìm ra nội dung và phương thức vận động thể hiện được phương châm vừa hợp tác vừa đấu tranh đối với các đối tượng nhất là các chính khách chủ yếu có tầm nhìn và bề dày kinh nghiệm trong chính quyền và quốc hội Mỹ.

Đến New York, với sự thu xếp của Đại sứ Nguyễn Thành Châu và cơ quan đại diện ta ở Liên hiệp quốc, chúng tôi đã có những cuộc giao lưu đầy ý nghĩa, không còn những nghi thức ngoại giao như ở thủ đô, với những người bạn, người đồng chí không chỉ là Mỹ mà của nhiều nước khác.

Tại phòng họp của cơ quan đại diện ta, hàng trăm người đã tụ tập chật ních căn phòng để đoán đoàn chúng tôi vào một buổi tối, khi chúng tôi vào tất cả đã đứng dậy, vỗ tay và sau đó từng người, từng nhóm đã tự giới thiệu về mình. Tôi thật không ngờ và cũng không nghĩ tới ở đất Mỹ này mà mình có thể gặp được những người từ nhiều lục địa khác đến đây để chia xẻ với ta. Họ là những học gia, những nhà kinh doanh, những nhà giáo dục, những nhà chính trị, những nhà hoạt động xã họi, đặc biệt một số còn là lãnh đạo một số Đảng mà tôi có thời làm quen khi còn công tác ở Ban đối ngoại Trung ương Đảng ta. Và trong họ, không ít người đã từng xuống đường ủng hộ Việt Nam bất chấp sự đàn áp của cảnh sát, trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.

Sau khi anh Thành Châu giới thiệu đoàn ta, tôi thay mặt đoàn chân thành cảm ơn sự có mặt của tất cả các bạn, giới thiệu mục đích chuyến đi của đoàn và khái quát tình hình Việt Nam và quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Tôi nói sâu về mục đích của ta vận động bạn bè ủng hộ Việt Nam đấu tranh để loại bỏ Đạo luật Nhân quyền Việt Nam mà Hạ viện Mỹ thông qua.

Tôi giới thiệu từng thành viên trong Đoàn và nói các đoàn viên của ta sẵn sàng trả lời các câu hỏi mà các bạn quan tâm nhất là những vấn đề liên quan đến công việc mà mỗi đoàn viên của ta đang đảm đang ở trong nước. Các bạn đã nêu ra một loạt câu hỏi qua đó chúng tôi thấy các bạn theo dõi khá sát tình hình Việt Nam nhất là công cuộc đổi mới - những phát biểu của các bạn đều bày tỏ vui mừng được gặp các bạn Việt Nam từ trong nước sang và tin tưởng Việt Nam đã giành thắng lợi trong công cuộc đổi mới hiện nay.

Hầu như tất cả các bạn đều bày tỏ sự ủng hộ nhân dân và Quốc hội Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống lại các thế lực thù địch sử dụng vấn đề nhân quyền, dân chủ, tôn giáo để xuyên tạc sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam. Các bạn nói "chúng tôi là những người đã ngụ cư ở Mỹ nhiều năm, đã chứng kiến và là nạn nhân của những vi phạm nhân quyền trên đất Mỹ cho nên rất thông cảm và chia xẻ với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam về vấn đề nhân quyền. Bằng cách nói khác nhau nhưng tất ca các bạn đều đứng về phía Việt Nam kiên quyết phản đối "Đạo luật Nhân quyền Việt Nam" do Hạ viện Hoa Kỳ thông qua. Các bạn hứa sẽ cùng với bạn bè Mỹ, vận động chính giới đấu tranh không để Đạo luật này được đưa ra Thượng viện Mỹ xem xét. Họ hoan nghênh sự phát triển tốt đẹp trong quan hệ Việt Nam - Mỹ với việc ký kết Hiệp định Thương mại hai nước.

Cuộc gặp tối hôm ấy kéo dài tới khuya nhưng mọi người vẫn quyến luyến và chưa muốn ra về.

Tạm biệt các bạn, tôi thấy lòng bâng khuâng và xúc động. Tôi thầm nghĩ phải chăng đây là đêm hội ngộ giữa những người đồng chí bốn phương ngay giữa lòng nước Mỹ mà tôi có dịp được tham dự.

Cám ơn anh Nguyễn Thành Châu và các anh chị em trong cơ quan đại diện ta ở Liên Hiệp quốc, nhờ có quan hệ rộng rãi của các anh chị đã tổ chức được buổi gặp mặt có ý nghĩa này !

Theo chương trình đã định, chúng tôi đến thăm hội đồng thành phố New York, cơ quan lập pháp cao nhất của thành phố. Nhiều thành viên của Hội đồng đã chờ sẵn trong trụ sở, một ngôi nhà khiêm tốn, không quá lộng lẫy như những cơ quan công quyền khác để đón đoàn ta. Số đông trong các vị đại diện cho Hội đồng có mặt hôm ấy là người Mỹ da màu. Họ tiếp đoàn trong không khí rất thân mật, không xã giao. Theo anh Thành Châu, các vị muốn nghe ta giới thiệu về sự phát triển kinh tế và ổn định chính trị ở Việt Nam, việc giải quyết các vấn đề xã hội như xoá đói giảm nghèo, công bằng xã hội và chương trình cải cách giáo dục, một số nét về quan hệ Việt - Mỹ những vấn đề nổi cộm như "Đạo luật Nhân quyền Việt Nam", việc giải quyết hồi hương những người thiểu số Việt Nam vượt biên trái phép xang Cam-pu-chia; trao đổi về việc tăng cường quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Hội đồng thành phố. Chúng tôi đã đáp ứng tất cả những điều mà các bạn nêu ra, phân tích kỹ về tác hại của "Đạo luật Nhân quyền Việt Nam" nếu Thượng viện Mỹ thông qua.

Người đại diện cho Hội đồng chủ trì hôm đó là người Mỹ da đen - Ông c ám ơn nhưng thông báo của đoàn ta, giới thiệu khái quát về công việc của Hội đồng và một số nét về thành phố New York. Liên quan đến quan hệ Việt Mỹ, ông mong mỏi phát triển quan hệ hai nước trên các lĩnh vực, nhất là sau khi hai nước đã ký được hiệp định thương mại. Đề cập tới vấn đề nhân quyền, ông bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn quan điểm của Việt Nam. Với giọng nói ôn hoà, lúc gay gắt, ông giãi bày tâm sự với chúng tôi: "Các bạn xem, ở nước Mỹ này còn bao nhiêu điều bất công, phân biệt chủng tộc, vi phạm quyền con người, mà chính chúng tôi và họ hàng, gia đình mình là nạn nhân của tình trạng đó, thế mà họ dám nhân danh công lý, lớn tiếng lên án các dân tộc khác vi phạm nhân quyền. Sao họ không nhìn vào nhân dân họ đang chịu đựng thế nào? Thật là vô liêm sỉ, không biết hổ thẹn khi họ làm việc ấy! Chúng tôi rất thông cảm và chia sẻ với các bạn Việt Nam. Chúng tôi cực lực lên án "Đạo luật Nhân quyền Việt Nam" được Hạ viện Mỹ thông qua.

... Chúng tôi không phải là nghị sĩ nhưng chúng tôi sẽ vận động các nghị sĩ Mỹ bác bỏ dự luật này. Mong các bạn tin ở điều đó...!".

Ông đại diện Hội đồng không nói nhiều. Phát biểu của ông về tình trạng nhân quyền ở Mỹ không phải điều gì mà chúng tôi chưa hề biết, thực ra qua sách và báo chí, chúng tôi càng hiểu ít nhiều về thực trạng đời sống xã hội Mỹ, nhất là cuộc sống của những người da đen. Nhưng qua trao đổi ý kiến với các vị thành viên Hội đồng, đặc biệt nghe lời tâm sự của vị chủ trì buổi gặp gỡ hôm ấy đã giúp tôi khẳng định thêm những hiểu biết của mình về nước Mỹ qua tiếng nói, qua những lời tố cáo đích thực của nhân dân Mỹ, những người đã xuống đường bất chấp sự đàn áp của nhà cầm quyền, để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam gây biết bao tội ác, thực sự đó mới là vụ vi phạm nhân quyền lớn nhất, tàn bạo nhất. Cuộc gặp gỡ thật chân tình, thân thiết cảu các thành viên Hội đồng Thành phố hôm ấy đã để lại trong tôi những ấn tượng khó quên về tình cảm hữu nghị mà nhân dân hai nước Việt Nam - Mỹ cần phải cùng nhau vun đắp và phát triển.

Chia tay những con người của thành phố nơi có những trung tâm tài chính, thương mại lớn nhất thế giới, cũng là nơi có những vành đai nghèo khổ, cùng cực ít nơi sánh bằng, chúng tôi đáp máy bay về thăm Bang Oklahama, ở đây Phòng thương mại Bang là đầu mối phối hợp tích cực với Đại sứ quán ta tổ chức các hoạt động của đoàn, đặc biệt thu xếp để đoàn gặp hầu hết các vị lãnh đạo cao cấp của c hính quyền, quốc hội và giới doanh nghiệp của Bang. Bà Chủ tịch Hạ viện Bang cùng nhiều thượng nghị sĩ Bang là người đầu tiên tiếp chúng tôi tại trụ sở Quốc hội. Bà tỏ ý vui mừng được đón đoàn ta và mong muốn được thông báo về tình hình Việt Nam, về quan hệ hai nước, nêu nhiều câu hỏi về công cuộc đổi mới ở Việt Nam. Cũng như Bà chủ tịch Hạ viện, các vị lãnh đạo cấp cao khác của Bang cũng đều có mong muốn như vậy. Họ lắng nghe những thông báo của ta về tình hình Việt Nam và quan hệ hai nước, trình bày của ta về mục đích và yêu cầu của chuyến đi lần này của Đoàn.

Các vị sau khi được ta thông báo, đều bày tỏ chia xẻ và ủng hộ Việt Nam phát triển, ủng hộ quan điểm của Việt Nam về vấn đề nhân quyền. Họ cũng không ngần ngại khi nói với chúng tôi sẽ làm hết sức mình để "Đạo luật Nhân quyền Việt Nam" không được đưa ra xem xét tại Thượng nghị viện Mỹ.

Tiếp sau những buổi làm việc và chính giới, ban tổ chức cho chúng tôi đi thăm Trường đại học Oplahama, nơi đang đào tạo hơn 50 sinh viên Việt Nam do Tổng công ty dầu khí Việt Nam cấp học bổng. Ông Giám độc từng là một cựu thượng nghị sĩ tiếp chúng tôi rất say sưa, khi ông kể về cuộc đời nghị sĩ của ông. Năm nay ông đã già nhưng vẫn tiếp tục sự nghiệp giáo dục. Ông rất hồ hởi khi thông báo với chúng tôi về các cháu sinh viên Việt Nam và trực tiếp dẫn chúng tôi đi thăm các lớp học của các cháu. Hôm ấy, các cháu được nghỉ học để có thời gian đón đoàn, một số cháu được chọn để ra sân bay đón đoàn. Các thầy cô hàng ngày chăm sóc và dạy bảo các cháu hôm ấy đều có mặt và giới thiệu với đoàn về tình hình học tập, ý thức kỷ luật và tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng sinh viên Việt Nam. Tôi rất mừng thấy không chỉ ông hiệu trưởng mà tất cả các thầy cô đều phát biểu khen ngợi sinh viên ta. Trò chuyện, gặp gỡ các cháu quây quần xung quanh các thành viên trong đoàn ta, chúng tôi thấy cháu nào cũng khoẻ mạnh, hớn hở và xúc động, có cháu không cầm được nước mắt khi tay bắt mặt mừng gặp các cô chú từ trong nước sang.

Nhưng cuộc gặp dù có vui đến đâu cũng không thể kéo dài, các cô chú lại phải lên đường, chỉ biết ôm hôn các cháu, chúc các cháu ở lại thật khoẻ, học tập thật giỏi, thương yêu nhau, kính trọng các thầy cô đã dày công chăm sóc dạy bảo mình, vun đắp cho tình hữu nghị Việt - Mỹ ngày càng phát triển... Chia tay các cháu và các bạn Trường đại học Oklahame, chúng tôi khỏi bùi ngùi, bịn rịn khi lên máy bay bay về thành phố Sal Lake city mở đầu chuyến thăm bang Swashington, một Bang trù phú ở miền Bắc nước Mỹ, có biên giới với Canada, với những thành phố Seattle, olimyi xinh đẹp, thanh bình, với những trung tâm tin học vào bậc nhất thế giới, những hãng máy bay Boeing nổi tiếng.

Ở đây, chúng tôi đã được các vị lãnh đạo cao nhất của Quốc hội Bang, những vị đứng đầu chính quyền Bang và các thành phố, các vị lãnh đạo Microsoft, Boeing và cảng Seattlé tiếp rất trọng thị, thân tình, không một chút xã giao. Các vị đều hoan nghênh chuyến thăm của Đoàn và đều bày tỏ mong muốn phát triển quan hệ của Bang Washington với Việt Nam, chia xẻ với đoàn về vấn đề nhân quyền và hứa sẽ làm hết khả năng của mình để góp phần ngăn chặn việc đưa ra Thượng viện thảo luận về Đạo luật Nhân quyền Việt Nam.

Chúng tôi được biết hãng Boeing là đầu mối hỗ trợ cho chuyến đi đến thăm Bang Washington của đoàn trong cuộc gặp các nhà doanh nghiệp Mỹ do Hội đồng Thương mại Việt Mỹ tổ chức tại thủ đô, tôi cũng đã nói chuyện với đại diện văn phòng của Hãng này tại Washington DC. Họ đã nhiệt tình cùng Đại sứ quán xây dựng chương trình làm việc của đoàn ở Bang. Một số việt kiều làm ăn sinh sống tại đây cũng hộ trợ thêm. Đoàn cũng đã đến thăm một vài gia đình Việt Kiều và dự bữa ăn tối và giao lưu với bà con ở Seattle đậm đà tình nghĩa đồng bào và quê hương.

Đến thăm Hãng Boeing dự bữa cơm thân mật với lãnh đạo của Hãng, nghe bạn giới thiệu tình hình kinh doanh của công ty và dẫn đoàn đi thăm quan cơ xưởng của Hãng. Được biết khi nguyên phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm Hoa Kỳ đã đặt mua máy bay Boeing 777. Bạn đã dẫn chúng tôi đi thăm dây chuyền sản xuất loại máy bay này, đặc biệt vào thăm nơi bạn đã huấn luyện cho phi công ta để chuẩn bị tiếp thu và điều hành loại Boeing 777. Tôi được bạn mời vào buồng lái và cho điều khiển thử một số máy móc ở đó. Đó thực sự là một buồng lái với tất cả các thiết bị cần thiết phục vụ cho yêu cầu huấn luyện.

Ngồi vào đây, tôi thấy hoa cả mắt, vì máy móc quá phức tạp, nhưng dù sao cũng là ít giây phút thư giãn.

Tại tập đoàn Microsoft, lãnh đạo tập đoàn giới thiệu những nét khái quát về Trung tâm và dẫn đoàn đi thăm một vài đơn vị của tập đoàn. Tuy thăm trong thời gian ngắn nhưng chúng tôi cũng biết thêm về quá trình hình thành và phát triển của tập đoàn. Các vị lãnh đạo tập đoàn bày tỏ mong muốn được phát triển quan hệ lâu dài với Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Rồi Microsoft chúng tôi đến thăm cảng Seattle - Ban lãnh đạo cảng và công đoàn cảng đã chuẩn bị một buổi gặp gỡ giao lưu giữa Đoàn ta và đại diện một số tổ chức NGO, lãnh đạo cảng và công đoàn với sự tham gia đông đảo của anh chị em công nhân cảng. Một cuộc gặp có tính quần chúng. Xen giữa bữa cơm thân mật là những tiết mục văn nghệ do anh chị em công nhân trình diễn, những tiết mục cây nhà lá vườn nhưng đậm tình bạn bè thân thiết. Trong trò chuyện họ tỏ ra khá hiểu về Việt Nam, về cảng Hải Phòng, về cảng Đà Nẵng. Lãnh đạo Cảng đều bày tỏ mong muốn phát triển quan hệ với các cảng biển Việt Nam.

Đêm cảng Seattle để lại trong tôi những ấn tượng sâu đậm về tình cảm hữu nghị hồn nhiên giữa nhân dân và giai cấp công nhân hai nước. Một chi tiết diễn ra đêm ấy khiến tôi nhớ mãi: Trong lúc mọi người đang giao lưu vui vẻ, bỗng nhiên tôi thấy một lãnh đạo công đoàn Cảng đi sắp lại bàn ăn có một người Việt và mấy người Mỹ. Ông tỏ vẻ lịch sự mời người Việt Nam đó đứng dậy và yêu cầu anh ta đi ra ngoài. Tôi hỏi một vị lãnh đạo công đoàn khác cùng ngồi ăn với tôi về hiện tượng này thì được ông giải thích là "chúng tôi thấy ngờ ngợ, người Việt này không có trong danh sách được mời mà lại có mặt tại đây, để đề phòng những chuyện không hay, chúng tôi mời anh ta ra ngoài, không cho dự đêm vui, để đảm bảo an ninh cho Đoàn.

Do sử lý việc này rất lặng lẽ, nhẹ nhàng, nên cũng ít ai để ý đến. Tôi nghĩ, qua việc này cách xử lý của bạn thể hiện thực hiện rất coi trọng yếu tố an toàn cho Đoàn ta, đã bố trí công tác bảo vệ an ninh cho đêm giao thừa thật hoàn hảo, không để xảy ra điều gì đáng tiếc. Cảm ơn sự quan tâm của các bạn Cảng Seattle đối với chúng tôi. Một chi tiết nhỏ, nhưng để lại trong tôi ấn tượng đẹp về tình cảm của những người công nhân Cảng đối với Việt Nam.

Ngày hôm sau, từ sớm chúng tôi đã phải ra sân bay quốc tế Seattle để bay về Los Angeles, kết thúc chuyến đi gần hai tuần trên đất Mỹ. Tạm biệt Seattle, tạm biệt Bang Washington với những kỷ niệm thật êm đềm, đây cũng là địa phương cuối cùng chúng tôi thăm. Phải chăng các bạn ở Seattle và Bang Washington là những người thay mặt nhân dân và bạn bè nước Mỹ, tiễn chân chúng tôi tôi rời Hoa Kỳ để về đất nước quê hương mình. Thật lưu luyến buổi chia tay buồn vui, lẫn lộn, chỉ biết nói vài lời "Chào tạm biệt, hẹn gặp lại".

Trên máy bay từ Los Angeles về Hà Nội, có lẽ đây là những giây phút thực sự thư giãn để thả tâm hồn minh nghĩ về những ngày đã qua. Bao nhiêu nhân vật, chính khách, nhà doanh nghiệp, học giả và bạn bè Mỹ và các nước, bao nhiêu địa phương của Hoa Kỳ cứ lần lượt hiện lên trong tâm trí tôi. Họ là những đối tượng mà chúng tôi phải vận động với phương châm vừa hợp tác vừa đấu tranh để làm soa cuộc vận động đạt kết quả như lời dặn của lãnh đạo ta trước khi đoàn lên đường. Còn biết bao công sức của anh chị em ta đang công tác trong các cơ quan đại diện ta ở Mỹ, nhưng đ/c mà tôi không bao giờ quên đã hợp tác giúp đỡ đoàn rất nhiệt tình, chu đáo tạo nên thành công của chuyến đi của Đoàn. Anh Lê Bàng, Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên đại sứ lâu năm ở Mỹ, người hiểu rất rõ tình hình chính trị và các nhân vật Mỹ. Anh Nguyễn Tâm Chiến, đại sứ ta tại Hoa Kỳ cùng các anh Bình Minh, anh Dũng, những người đã đi cùng chúng tôi một chuyến thăm qua nhiều chặng đường và nhiều anh chị em khác công tác ở sứ quán ta ở Washington DC, anh Nguyễn Thành Châu, đại sứ Trưởng đoàn đại diện Việt Nam tại Liên Hiệp quốc ở New York; Anh Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco và rất nhiều đ/c anh chị em của Đại sứ quán và hai cơ quan đại diện ta. Tất cả, tất cả họ đều là những người hiểu biết rất sâu về địa bạn, về nhân vật, về những ngóc ngách trong quan hệ chính trị của hai nước, nắm chắc vấn đề và công tác rất đắc lực phối hợp với đoàn chúng tôi.

Xin chân thành cảm ơn các anh chị đã không tiếc sức lực và hiểu biết của mình, tạo mọi điều kiện thuận lợi phục vụ cho hoạt động và sinh hoạt của đoàn, đã công tác rất nhiệt tình với các đ/c và anh chị em trong đoàn nhất là với các đ/c Vụ Châu Mỹ Bộ ngoại giao và Vụ đối ngoại Văn phòng Quốc hội. Anh Quế, Phó vụ trưởng Vụ Châu Mỹ, chị Bích Vân, chuyên viên Vụ Châu Mỹ và chị Thu Hà, chuyên viên Vụ đối ngoại văn phòng Quốc hội, những người đã ngày đêm làm việc không mệt mỏi, phối hợp với các đ/c trong Đại sứ quán và các cơ quan đại diện lo sao cho trọn vẹn và hoàn hảo từng buổi tiếp xúc, từng động tác lễ tân, từng bữa ăn và giấc ngủ của Đoàn.

Về nước, tôi đã báo cáo trực tiếp về chuyến đi với đ/c Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hôm ấy anh Vũ Khoan, bí thư Trung ương Đảng, Phó thủ tướng, cùng dự. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã đánh giá rất tốt về kết quả chuyến đi của Đoàn. Tan họp, anh Vũ Khoan tới vỗ vai tôi, bắt tay chúc mừng và nói: "Kết quả chuyến đi thật không ngờ, ngoài tưởng tượng của mình".

Cảm ơn nhận xét và đánh giá của lãnh đạo Đảng và Quốc hội. Nhờ có chủ trương đúng đắn và chỉ đạo sát sao của các đ/c mà Đoàn đã có kết quả như mong đợi.

Gần đây, Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội khoá XI có ra cuốn sách "Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội, những chặng đường lịch sử", đ/c Vũ Mão có yêu cầu các đ/c thành viên lãnh đạo Ủy ban qua các thời kỳ viết lại những kỷ niệm, cảm tưởng, hồi ký của mình. Một hôm, Thu Hà, thành viên trong đoàn Quốc hội - Ngoại giao đứng nói chuyện với tôi trong buổi họp tổng kết nhiệm kỳ khoá XI của Uỷ ban Đối ngoại, Thu Hà nói "Chú phải viết lại chuyến đi của chúng ta, dù sao đây cũng là cuộc vận động ngoại giao chính thức đầu tiên qua con đường Quốc hội đối với chính quyền và Quốc hội Mỹ. Cuốn sách "Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội, những chặng đường lịch sử" không thể không có bài của chú.

Tôi về nhà suy nghĩ, cố lục lại trong ký ức nhưng kỷ niệm của chuyến đi vì cũng đã hơn năm năm rồi và cố gắng viết. Vốn không phải là nhà văn, nhà báo, nhà thơ, chắc chắn viết không hay đâu, nhưng thôi cứ viết để góp một phần nho nhỏ vào cuốn sách mà Ủy ban yêu cầu.