UỶ BAN ĐỐI NGOẠI NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ

Phần thứ ba

HỒI ỨC CỦA MỘT SỐ THÀNH VIÊN UỶ BAN ĐỐI NGOẠI

CỦA QUỐC HỘI VÀ CÁN BỘ VỤ ĐỐI NGOẠI


 

15 NĂM HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NGHỊ VIỆN

KỶ NIỆM VÀ SUY NGHĨ

Nguyễn Ngọc Trân

Phó chủ nhiệm UBĐN Quốc hội (khoá X, XI)

 

Tôi tham gia Quốc hội khóa IX, tháng 7 năm 1992, sau 18 năm công tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và giảng dạy đại học, tại Pháp và tại Việt Nam (1962-1980) và 12 năm là Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước (1980-1992) kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Việt kiều Trung ương.

Đến cuối khóa XI, tôi sẽ có tròn 15 năm là đại biểu Quốc hội. Trong suốt thời gian này, tôi là thành viên của Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, ủy viên kiêm nhiệm khóa IX, và Phó Chủ nhiệm chuyên trách khóa X và XI.

Trong khóa IX, tôi đảm nhiệm công tác Trưởng Ban Việt Kiều Trung ương[1] (1992-1996), rồi Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban Quốc gia Tổ chức Hội nghị cấp cao VII Cộng đồng các nước cùng sử dụng tiếng Pháp (1996-1997).

 Cũng trong khóa này, về phía Quốc hội tôi được phân công làm Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong Liên mịnh nghị viện Pháp ngữ (lúc bấy giờ là Hiệp hội quốc tế các nghị sĩ các nước nước có sử dụng tiếng Pháp, AIPLF), mà người tiền nhiệm là Bà Nguyễn Thị Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội Khóa VIII, và Phó Chủ tịch Nước khóa IX.

Trong khóa X, tôi là Phó Chủ nhiệm chuyên trách thường trực tại phía Nam và tiếp tục là Chủ tịch Phân Ban Việt Nam trong Liên minh nghị viện Pháp ngữ (APF).

Trong khóa XI, tôi thường trực tại Hà Nội, được phân công Trưởng Tiểu ban Kinh tế đối ngoại, tiếp tục là Chủ tịch Phân Ban Việt Nam trong Liên minh Nghị viện Pháp ngữ, và phụ trách ba khu vực địa lý Trung Đông, Châu Phi và Mỹ la-tinh.

 

I. NHỮNG KỶ NIỆM ĐÁNG GHI NHỚ

Tôi đến với công tác đối ngoại, đối ngoại nghị viện nói riêng, với một hành trang tích lũy được qua công tác thực tiễn. Đó là những năm tháng mà phong trào Việt kiều yêu nước ở Pháp có một nhiệm vụ trọng tâm là ra sức giải thích với nhân dân Pháp và các nước Tây Âu, đặc biệt trong giới trí thức, về chính nghĩa của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước; vận động bè bạn gần xa của các nước ủng hộ nhân dân ta dưới nhiều hình thức cần cho Việt Nam và phù hợp với từng đối tượng vận động. Đó còn là những kinh nghiệm mà tôi tiếp thu được trong những năm tháng được phân công hỗ trợ hai đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris về Việt Nam.

1. Trong Liên minh nghị viện Cộng đồng Pháp ngữ

Năm 1987 đã để lại dấu ấn sâu sắc lên hoạt động đối ngoại của tôi.

Trước tiên, Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước tổ chức một hội nghị tổng kết giữa các bộ ngành, viện trường và các nhà khoa học Việt Nam với các đối tác Pháp, bao gồm chính quyền, các trường viện, các hội đoàn của các nhà khoa học Pháp, nhằm đánh giá 12 năm hợp tác giữa hai nước, tính từ lúc hai nươc ký kết Hiệp định hợp tác liên Chính phủ về văn hóa, khoa học và kỹ thuật[2]. Thời điểm được lựa chọn là năm từ đó đến đầu thiên niên kỷ mới cũng đúng 12 năm. Hội nghị được các đại biểu tham dự đánh giá là bổ ích và thiết thực vì những mặt làm được và những mặt làm chưa tốt được phân tích rất khách quan, thẳng thắn trong tinh thần xây dựng.

Sau Hội nghị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch triệu tập tôi đến và thông báo quyết định Việt Nam tham gia trở lại Tổ chức hợp tác văn hóa và kỹ thuật (ACCT). Tôi được cử tham gia các cuộc họp Hội đồng quản trị và Hội nghị cấp Bộ trưởng của Tổ chức này với tư cách đại diện cho Chính phủ Việt Nam[3].

Vài ngày sau, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng cho gọi tôi lên và chỉ đạo thêm về công tác mới này. Chủ tịch nhấn mạnh ý nghĩa phá thế bao vây cấm vận Việt Nam lúc bấy giờ, và sự cần thiết đẩy mạnh hợp tác về khoa học và kỹ thuật trong Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp. Đồng chí còn dặn dò tôi mấy ý: (1) Trong ACCT, có nước giàu, có nước nghèo. Cần tranh thủ hợp tác với các nước đã phát triển, nhưng không được quên các nước Châu Phi, vì nghĩa vụ và vì tương lai; (2) Cần kết hợp hợp tác đa phương (ACCT) với hợp tác song phương với các nước; (3) Việt Nam và các nước Châu Phi đều là những nước nghèo, đang phát triển, hợp tác cần chọn nội dung thiết thựccụ thể, và thực hiện cho có hiệu quả.

Ba lời dặn dò vô cùng quý báu này, về tinh thần trách nhiệm và tình nghĩa với bè bạn, đã luôn hướng dẫn công tác đối ngoại nói chung của tôi trong suốt hai mươi năm qua, trong Cộng đồng Pháp ngữ và Liên minh nghị viện Pháp ngữ nói riêng.

Năm 1993, tôi được phân công làm Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong AIPLF, thay Bà Nguyễn Thị Bình sang nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch Nước. Đây vừa là một vinh dự, vừa là một áp lực lớn đối với tôi bởi lẽ phải hoạt động để tiếp nối xứng đáng với người tiền nhiệm mà uy tín trong Cộng đồng Pháp ngữ rất cao, và để thực hiện những lời căn dặn của Chủ tịch Phạm Văn Đồng.

Qua hoạt động của mình, Phân ban Việt Nam được bầu vào Ban Chấp hành AIPLF liên tục từ năm 1995, và vào cương vị Phó Chủ tịch, ủy viên Ban Thường vụ Ban Chấp hành, liên tục từ 1997 cho đến hết nhiệm kỳ 2005-2007.

Những hoạt động đáng ghi nhớ nhất đã để lại những kỷ niệm tốt đẹp trong lòng bạn bè các Phân ban là các cuộc họp của Ban Chấp hành APF mà chúng ta đã tiếp đón tại Hà Nội năm 1996 và tại Huế năm 2005.

Cuộc họp tháng 2 năm 1996 tại Hà Nội, ngoài tính chất là một hoạt động đầu tay của Phân ban, còn là một thí điểm cho việc tổ chức Hội nghị cấp cao 7 của Cộng đồng Pháp ngữ năm sau tại Hà Nội. Cuộc họp đạt được các mục tiêu mà Ban Chấp hành đề ra; đã giúp cho các cơ quan và dư luận trong nước hiểu thêm về Cộng đồng Pháp ngữ. Các đại biểu tham dự cũng đã giữ lại những hình ảnh mà mãi sau này họ vẫn nhắc đến về đất nước và con người Việt Nam.

Cuộc họp tháng 1 năm 2005 đã giới thiệu với các ủy viên Ban Chấp hành APF Cố đô Huế và hầm Đèo Hải Vân. Tại cuộc họp này, Ban Chấp hành APF đã ra quyết định thành lập Vùng Châu Á-Thái Bình Dương của APF, một yêu cầu chính đáng mà các Phân Ban Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia đã đề đạt suốt 10 năm. Chuyến đi thăm đường hầm Đèo Hải Vân rất được các đại biểu hoan nghênh vì qua dự án này, họ hiểu biết được cách Việt Nam tiếp nhận và sử dụng vốn ODA, từ lựa chọn dự án và tiếp thu khoa học công nghệ mới.

APF có bốn ủy ban thường trực: Ủy ban chính trị, Ủy ban các vấn đề nghị viện, Ủy ban văn hóa, giáo dục và truyền thông, và Ủy ban Hợp tác và Phát triển. Trong APF, mọi sinh hoạt đều sử dụng trực tiếp tiếng Pháp, và việc tham gia các ủy ban phải thường xuyên để đảm bảo hiệu quả. Một khó khăn của Phân ban Việt Nam là chúng ta có không nhiều đại biểu Quốc hội thoa đươc cac điêu kiên nay. Tuy vậy, tham gia của Phân ban Việt Nam đã bám sát phương châm thiết thực và hiệu quả, với tinh thần co nhận và co cho, phù hợp với điều kiện thực tế của ta, và được các Phân ban ghi nhân. Xem Phụ lục danh sách các tham luận và báo cáo của Phân ban Việt Nam.

2. Từ giám sát về kinh tế đối ngoại

Năm 1997, khi được biết dự kiến phân công đối với tôi trong Quốc hội khóa X, trước cuộc họp đầu tiên của khóa, tôi xin gặp Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt để được hiểu rõ ý nghĩa của sự phân công tôi về chuyên trách tại Uỷ ban Đối ngoại. Bằng một giọng nói ôn tồn, động viên, đồng chí nói rằng lãnh đạo Đảng biết quá trình công tác của tôi và chính vì vậy mới phân công tôi về Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội. Đồng chí phân tích thêm, hiện nay trong công tác đối ngoại, rất cần cán bộ, ngoài yêu cầu vững vàng về chính trị, còn phải có hiểu biết, càng sâu càng tốt, về khoa học, công nghệ, kinh tế, và sử dụng thành thạo ngoại ngữ. Sau đó, tôi về công tác tại Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội khóa X, rồi khóa XI.

Trong đối ngoại, có mảng kinh tế đối ngoại. Nhận thấy lĩnh vực này chưa được ủy ban nào của Quốc hội quan tâm và được phân công, nên ngay từ đầu khóa X, tôi đã đề xuất với Chủ nhiệm, đồng chí Đỗ văn Tài, Uỷ ban Đối ngoại nên dành thời gian và công sức cho lĩnh vực quan trọng này.

Được sự chấp thuận, Ủy ban đã tiến hành giám sát lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngay từ cuối năm 1997 và đầu năm 1998. Báo cáo Kết quả đợt giám sát về đầu tư trực tiếp nước ngoài, số 68/UBĐN ngày 28 tháng 2 năm 1998, là báo cáo giam sat FDI đầu tiên của Quốc hội đúng 10 năm sau khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành.

Trong các tháng 8, 9, 10 năm 1998 và tháng 4 năm 1999, Uỷ ban Đối ngoại đã triển khai chương trình giám sát đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công, phối hợp với các ủy ban khác có liên quan, giám sát việc giao lưu kinh tế qua biên giới và an ninh biên giới có liên quan đến đối ngoại, suốt dọc ba tuyên biên giới Việt-Trung, Việt-Lào và Việt Nam-Campuchia.

Chính nhờ thực tế triển khai công tác giám sát mà Uỷ ban Đối ngoại đã có thể góp ý với Ban Kinh tế Trung ương Đảng trong Tổng kết tình hình giao lưu kinh tế với bên ngoài qua các cửa khẩu và phương hướng phát triển quan hệ kinh tế với các nước láng giềng”, cũng như tham luận Về công tác biên giới qua giám sát về kinh tế đối ngoại, về Công tác giám sát về kinh tế đối ngoại”, “Về xuất khẩu lao động”, về Hoạt đông giám sát trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại, những vấn đề đặt ra và những khó khăn cần giải quyêt”, và Đại biểu Quốc hội trong việc quyết định các vấn đề đối ngoại và hội nhập kinh tế[4].

Hỗ trợ chính thức phát triển (ODA) la nguôn vôn có đến 85% vay của các nhà tài trợ đa phương và song phương. Không thế hệ này thì cũng là các thế hệ sau sẽ phải trả, do vây cần sử dụng cho thật có hiệu quả. Với nhận thức đó, Uỷ ban Đối ngoại đã quan tâm khá sớm và một cách nghiêm túc đến lĩnh vực này qua hai lần giám sát. Lần thứ nhất, trong hai tháng 9, 10 năm 1999[5]; lần thứ hai, từ trung tuần tháng 7 đến cuối tháng 10 năm 2003[6], vào các thời điểm đúng 5 năm và 10 năm sau khi các nhà tài trợ nối lại viện trợ ODA với nước ta.

Rất tiếc, hai báo cáo giám sát trên về ODA đã không nhận được quan tâm đúng mức của Quốc hội (mặc dù các đoàn giám sát được cấu tạo liên ủy ban) cũng như của Chính phủ, cho đến khi vụ PMU 18 vỡ ra ánh sáng. Được phép của Chủ tịch Quốc hội, Uỷ ban Đối ngoại đã biên tập lại tài liệu Những nhận xét và kiến nghị về việc huy động, sử dụng, và quản lý vốn hỗ trợ chính thức phát triển (ODA) qua hai lần giám sát 1999 và 2003 để gửi đến các đại biểu Quốc hội ngay tại kỳ họp thứ 10, ngày 25/5/2006.

3.  ... Đến giám sát việc thực hiện các điều ước đã ký

 Nhờ có theo dõi liên tục mảng kinh tế đối ngoại nên Uỷ ban Đối ngoại khóa X đã được phân công chủ trì việc thẩm tra tờ trình của Chính phủ để Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại song phương (BTA) Việt Nam-Hoa Kỳ[7].

Nghị quyết phê chuẩn của Quốc hội[8] đã nói rõ những thời cơ và thách thức hàm chứa trong Hiệp định, những việc cần triển khai để thực hiện thành công Hiệp định; đã nhắc lại những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ giữa hai nước, khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá, sẵn sàng phát triển sự hợp tác bình đẳng cùng với tất cả các quốc gia trên thế giới, vì hòa bình và phát triển. Nghị quyết cũng đặt ra yêu cầu với hành pháp kịp thời báo cáo để Quốc hôi có những quyết định thích hợp khi có những yếu tố mới nảy sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định..

Trong quá trình thẩm tra, rà soát các điều khoản, Ủy ban đã nhận thấy có một số cam kết không đúng với quy định của luật pháp hiện hành mà Quốc hội đã không được thông báo kịp thời. Một số điều khoản khác lại ở mức cao hơn những quy định hiện hành của WTO. Những phát hiện này chỉ ra rằng cần co quy định chặt chẽ hơn quá trình đàm phán cac văn kiên, đảm bảo được vừa tính kịp thời trong đàm phán, vừa phát huy được sức mạnh tổng hợp từ sự phối hợp đồng bộ giữa hành pháp với lập pháp. Điều này đã được thể chế hóa trong Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (14/6/2005) và Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế (30/4/2007).

Ngoài các điều ước đa phương đã ký kết và gia nhập, nước ta đã ký kết với các nước khá nhiều điều ước và thỏa thuận song phương. Trong các chuyến đi thăm chính thức, thành công thường được đánh giá bằng số văn kiện (và tầm quan trọng của chúng) được ký kết nhân chuyến đi. Điều này là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, các văn kiện này còn phải được thực hiện và thực hiện có hiệu quả. Bằng không, uy tín của Việt Nam có nguy cơ bị tổn thương.

Từ suy nghĩ đó, Uỷ ban Đối ngoại đã lấy giám sát việc thực hiện các điều ước song phương mà Việt Nam đã ký với các nước làm một nội dung trong hợp tác liên nghị viện để Quốc hội góp phần thúc đẩy hợp tác giữa nước ta với các nước.

Cách làm này đã được Quốc hội Lào hoan nghênh. Trong cac chuyên thăm chinh thưc cua Chu tich Quốc hội Nguyễn Văn An đến các nước An-giê-ri, Ma-rốc và Tuy-ni-di (cuối năm 2005) và các nước Bra-xin, Ác-hen-ti-na, Vê-nê-du-ê-la (đầu năm 2006), Nghị viện các nước nay nói rằng cách làm này rất cần thiết. Điều quan trọng là cách làm đó đã được thể chế hóa trong Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế và trong Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế.

Cũng với tinh thần giám sát các điều ước đã ký kết, tháng 3 năm 2003, được sự đồng ý của Chủ tịch Quốc hội, Uỷ ban Đối ngoại đã tổ chức cuộc hội thảo Nhìn lại năm đầu tiên thực hiện Hiệp định Thương mại Việt Nam  Hoa Kỳ. Hội thảo đã được đánh giá là chuẩn bị công phu[9], và bổ ích[10].

Có hai kỷ niệm nhỏ chung quanh hội thảo này. Thứ nhất, vì được tổ chức ngay ngày hôm sau khi Hoa Kỳ tấn công I-rắc, nên sau khi các phương án được cân nhắc kỹ, hội thảo vẫn được tiến hành nhưng không đưa tin và tường thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thứ hai, cũng vì bối cảnh rất đặc biệt nói trên, cho nên báo cáo tổng hợp đã có phần bổ sung, trong đó có một đoạn, xin được trích:

“Chiến tranh (…) sẽ tác động trên rất nhiều mặt chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, cả đạo đức và luật pháp quốc tế.

(…) Chỉ nói về những lĩnh vực liên quan đến hội thảo của chúng ta, về mặt kinh tế, cuộc chiến tranh mà Mỹ đã phát động (…), bất kể kết thúc mau hay kéo dài, sẽ làm phức tạp tình hình kinh tế Hoa Kỳ và làm tăng mức độ bất trắc đang treo lơ lửng trên nền kinh tế thế giới.

Về mặt chính trị, () ý đồ thực hiện chủ nghĩa cường quyền một cực của Hoa Kỳ bộc lộ càng rõ. Nhưng liệu nhân dân thế giới sẽ chấp nhận thế giới một cực? Chắc chắn là không!

Về mặt đạo đức và luật pháp quốc tế, chà đạp lên chủ quyền một đất nước khác, dựng lên ở đó một chính quyền dưới sự bảo hộ của mình, chiếm đoạt tài nguyên của quốc gia đó, đúng là đã ở thế kỷ XXI rồi mà còn có thế lực đang muốn dựng lại chủ nghĩa thực dân của những thế kỷ trước. Một điều chắc chắn là nhân loại sẽ không chấp nhận chủ nghĩa thực dân, bất cứ dưới dạng nào, sau thế kỷ XX.

Trong khói lửa ở Irak, phải chăng đã manh nha một cơ hội để Liên hiệp quốc tự khẳng định và tự đổi mới trong hướng đáp ứng ngày càng tích cực nguyện vọng của nhân loại trong bối cảnh toàn cầu hoá kinh tế, một toàn cầu hoá phải đi vào một quỹ đạo công bằng và nhân văn hơn vì sự phát triển bền vững của tất cả các dân tộc?   

4. ... và hội nhập kinh tế quốc tế

Cũng phải nói thêm rằng khi tổ chức hội thảo về BTA nói trên, chúng tôi còn nhằm tự trang bị thêm những hiểu biết cần thiết cho một điểm hẹn khác: gia nhập WTO.

Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong quá trình hội nhập với nền kinh tế thế giới ngày càng được toàn cầu hóa. Việc gia nhập là tất yếu, xét dưới góc độ phát triển không ngừng của lực lượng sản xuất, va nó bao hàm các thời cơ và thách thức đan quyện vào nhau.

Bên cạnh nỗ lực lớn lao trong gần hai năm của Quốc hội đê xây dựng một môi trường pháp lý thuận lợi cho quá trình đàm phán đa phương và song phương việc kết nạp[11], Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong nghị quyết về chương trình giám sát năm 2004, đã giao cho Uỷ ban Đối ngoại, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội có liên quan, tiến hành giám sát quá trình đàm phán việc gia nhập WTO.

Được sự cộng tác nhiệt thanh của các Bộ ngành và Ủy ban hợp tác kinh tế quốc tế của Chính phủ, tháng 1 năm 2005, một báo cáo đã được trình với lãnh đạo Quốc hội, và theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, đã được gửi đến một số đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Báo cáo đã được chuẩn bị rất công phu () và xin chân thành cảm ơn anh chị bên vuốc hội quan tâm tới công việc hết sức hệ trọng và cực kỳ phức tạp này[12].

Một lần nữa, đối với các điều ước quốc tế quan trọng, Chủ tịch Nước đề nghị Quốc hội xem xét việc phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Báo cáo thẩm tra số 2410/UBĐN ngày 27/11/2006, do Uỷ ban Đối ngoại trình Quốc hội, đã nhấn mạnh sự cần thiết hiểu rõ các cam kết, các thuận lợi và khó khăn, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và cần được tổ chức thực hiện chẳng những, và trước hết, trong bộ máy nhà nước, mà còn trong cả hệ thống chính trị, trong cả xã hội.

Trong bai viêt tham gia vào báo cáo thẩm tra, ngoài nhiệm vụ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tôi đã nhấn mạnh đến ba nhiệm vụ sau WTO”, vừa cơ bản, vừa cấp bách, là giải quyết tốt mối quan hệ nông nghiệp - nông dân - nông thôn, vấn đề nguồn nhân lực có tay nghề, và sự phân hoá giàu nghèo với sự gắn kết và đoàn kết dân tộc.

Tôi cũng đã kiến nghị Nhà nước sớm phê chuẩn Công ướccủa UNESCO tháng 10/2005 về việc Bảo vệ và phát huy sự đa dạng các cách thể hiện văn hoá.

5. Về chính sách đối với kiều bào

Năm 1993, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 08 và Ban Bí thư, Chỉ thị 55 về chính sách và công tác đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Từ thời điểm này, Quốc hội luôn thể hiện sự quan tâm đến bộ phận không tách rời này của dân tộc. Bên cạnh Luật đầu tư nước ngoài, Quốc hội đã ban hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước, trong đó có khuyến khích kiều bào đầu tư về nước. Các Luật đất đai, Luật Quốc tịch, Bộ Luật dân sự, Luật giáo dục, Luật khoa học và công nghệ, Luật chuyển giao công nghệ, v.v. đều có những điều khoản dành cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Tuy nhiên, nếu nhận thức Cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận tách rời của dân tộc Viêt Nam đạt được sự thống nhất cao trong các cuộc họp, thì khi xây dựng các chính sách cụ thể, thể chế hóa thành luật, rồi từ điều khoản của Luật đến quy định trong các nghị định, thông tư hướng dẫn của các Bộ ngành, các địa phương, các cự ly hiện dần ra. Đó là điều mà tôi đã trực tiếp chứng kiến khi tham gia thảo luận các dự thảo luật, hoặc khi đối chiếu luật với không ít nghị định của Chính phủ và thông tư của các Bộ đã ban hành.

Chính vì vậy, một nghị quyết mới, Nghị quyết 36-NQ/TW, ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị, trong Phần IV. Tổ chức thực hiện, ở điểm 3, giao cho Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, căn cứ vào nội dung Nghị quyết, xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp quy có liên quan đến người Việt nam ở nước ngoài.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao cho Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội dự thảo Kế hoạch của Ủy ban thường vụ Quốc hội triển khai Nghị Quyêt 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài”. Tôi được đồng chí Vũ Mão, Chủ nhiệm Ủy ban, phân công soạn dự thảo.

Trong dự thảo, tôi nêu rõ các chính sách đối với kiều bào cần được xác định cụ thể và thể chế hóa vào các văn bản pháp quy, ngay từ gốc là luật và các bộ luật. Các chính sách cần mang tính cộng đồng nhằm góp phần xây dựng cộng đồng người Việt ở nước ngoài đoàn kết, tương thân tương ái; cần có mối tương quan hợp lý giữa chính sách đối với kiều bào và đồng bào trong nước; khen thưởng, ưu đãi những người thực sự có công, có tài, nhằm tạo sự gắn kết trong và ngoài nước, đồng thời bảo đảm an  ninh và ổn định chính trị, xã hội. Mặt khác, bằng những kênh thích hợp, tham khảo ý kiến của kiều bào về những dự thảo văn bản pháp quy có liên quan, và khai thác hiểu biết, kinh nghiệm của các chuyên gia người Việt ở nước ngoài về luật pháp quốc tế.

 Theo tinh thần của Nghị quyết 36, sáu lĩnh vực đã được dự thảo Kế hoạch nêu lên, có phân công cho các cơ quan của Quốc hội Nghiên cứu việc thể chế hoá các chủ trương chính sách của Đảng đối với người Việt Nam ở nước ngoài, và ban hành mới, sửa đỏi bổ sung các văn bản pháp quy hiện hành[13]. Kế hoạch đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 5/10/2004, mang số 262/UBTVQH11.

6. Vê Châu Phi, và Mỹ la -tinh

Những chuyến công tac trong đoàn của Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Trần Đức Lương, của các Phó chủ tịch Nguyễn Thị Bình, Trương Mỹ Hoa, tham dự các hội nghị cấp cao Pháp ngữ, cũng như trong đoàn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An thăm chính thức ba nước Bắc Phi, An-giê-ri, Ma-rốc, Tuy-ni-di (12/2005) và ba nước Mỹ la-tinh, Bra-xin, Ác-hen-ti-na, Vê-nê -du-ê-la (3/2006) [14] đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm vừa sâu sắc vừa thân thiết.

Giữa Châu Phi, Mỹ la tinh và Việt  Nam, tuy cách xa về địa lý nhưng rất gần nhau về hoàn cảnh lịch sử và trên thực tế đã hỗ trợ cho nhau rất nhiều trong cuộc đấu tranh của mỗi nước giành lại độc lập, tự do, vì công lý và tiến bộ xã hội trên thế giới. Đó là điểm tương đồng mà tôi đã cảm nhận được trong công tác được phân công với hai khu vực địa lý này.

“Điên Biên Phủ đã làm cho chủ nghĩa thực dân sụp đổ từng mảng tại châu Phi và tạo điều kiện cho chúng tôi giành lại độc lập”. “Chiến thắng 30/4/1975 đãtiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi”. Các nhà lãnh đạo và nghị sĩ của nhiều nước châu Phi, của Angola, Nicaragua, Chi-lê, Panama, ... đều khẳng định như thế.

Nhưng tôi cho rằng chúng ta cũng phải biết ơn các thế hệ thanh niên hai châu lục này đã xuống đường ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của chúng ta, “đã rưởng thành với cách mạng Việt Nam” như các bạn đó (mà bây giờ một phần không nhỏ là các nhà lãnh đạo) hãnh diện nói. Thật không nói sao cho hết những cảm xúc không chỉ của riêng tôi, mà còn của chị Nguyễn Thị Hoài Thu, của các anh Vũ Mão, Tráng A Pao và các thành viên khác trong đoàn của chủ tịch Nguyễn Văn An... khi chúng tôi gặp hai du kích quân Vê-nê -du- ê-la đã tham gia bắt cóc một viên tình báo Mỹ, trung tá Smolen, tại thủ đô Caracas để đổi lấy tự do cho anh Nguyễn Văn Trỗi[15].

Tham dự Hội nghị thượng đỉnh về phát triển bền vững tại Johannesburg (Nam Phi) tháng 8 năm 2002, cũng như Hội nghị nghị sĩ về Tổ chức Thương mại thế giới tại Cancun (Mê-hi-cô), tháng 9 năm 2003, tôi khẳng định rằng sự đồng thuận không phải chỉ liên quan đến quá khứ mà rất đương thời trước những vấn đề toàn cầu hiện nay. Vang lên từ các diễn đàn này, và từ nhiều diễn đàn khác nữa như Diễn đàn xã hội thế giới (WEF) khởi phát từ Porto Allegre (Bra-xin) các yêu sách hợp tình hợp lý: Tự do hóa thương mại không thể chỉ chạy theo lợi nhuận và vì sự phồn vinh của một giai tầng thiểu số, mà phải vì sự phát triển bền vững của cả cộng đồng các dân tộc trên thế giới; không thể chỉ có một con đường dẫn đến dân chủ áp đặt cho tất cả các quốc gia bất luận những đặc thù văn hóa, lịch sử và trình độ phát triển;  và một nhận định: chủ nghĩa tư bản, cho dù mang tên một học thuyết mới, chủ nghĩa tự do mới, không che dấu được bản chất bóc lột của nó và không thể là tương lai của nhân loại.

Tôi càng thấy chiều sâu của cụm từ vì nghĩa vụ và vì tương lai trong lời dặn cua Thu tương Pham văn Đồng và càng suy ngẫm tại sao hơn hai trăm năm sau câu nói “Ngọn cờ của chúng tôi là độc lập và tự do của Xi-mông Bô-li-va[16], Hồ Chí Minh đã phải khẳng định lại, khái quát hơn, mạnh mẽ hơn Không có gì quý hơn độc lập, tự do”!

 

II. NHÌN VỀ TƯƠNG LAI

Là đại biểu Quốc hội trong giai đoạn lịch sử hiện nay là một vinh dự lớn đồng thời là một thử thách lớn, đặc biệt trong lĩnh vực đối ngoại nghị viện.

Hội nhập kinh tế toàn cầu càng khẳng định kinh tế đối ngoại cũng là chính trị. Các nền kinh tế sẽ phụ thuộc lẫn nhau hay là sẽ quay lại theo xoắn ốc về sự lệ thuộc của những nền kinh tế nhỏ, của những nước nhỏ, tiềntri thức bị tư hữu hóa sẽ thay và bổ sung thêm cho kho vũ khí? Câu trả lời tùy thuộc vào bản lĩnh của mỗi nước và của nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới.

Nhiều hình ảnh khá hay và mang nhiều ý nghĩa đã được đưa ra trên các phương tiện thông tin đại chúng khi Việt Nam chính thức được kết nạp là thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới. Có ý ví nền kinh tế nước ta như con thuyền trước chỉ đi trong sông, giờ đây đã ra đến biển cả.

Tôi tin rằng bản lĩnh của dân tộc sẽ giúp chúng ta không để sóng dập gió dồi, mà biết dùng gió để căng buồm, đưa thuyền vượt sóng ra khơi; định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời cũng là động lực, “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh sẽ được giữ vững và phát huy.

Trên bình diện quốc tế, tôi cũng mong rằng bản lĩnh Việt Nam sẽ góp phần tích cực vào việc hình thành một trật tự kinh tế thế giới công bằng và nhân văn hơn, một toàn cầu hóa kinh tế vì sự phát triển bền vững của tất cả các nước, vì hòa bình và hạnh phúc của nhân loại.

Chúc Quốc hội khóa XII và các khóa tiếp theo góp phần xứng đáng vào sự nghiệp của dân tộc và mục tiêu quốc tế cao cả này.

Hà Nội, ngày 18 tháng 6 năm 2007


 

 

 

Một lần đến báo cáo công tác với Thủ tướng Phạm Văn Đồng 

Tiếp xúc với trí thức kiều bào 12/2003


 

THAM LUẬN VÀ BÁO CÁO CỦA PHÂN BAN VIỆT NAM

TRONG LIÊN MINH NGHỊ VIỆN PHÁP NGỮ

(1992 - 2007)

 

Các tham luận tại Đại hội đồng APF của Phân ban Việt Nam:

Hợp tác kinh tế trong Cộng đồng Pháp ngữ, Antananarivo (Madagascar), 8/1996.

Tăng cường hợp tác và đoàn kết vì hòa bình và phát triển”, Abidjan (Côte d’Ivoire), 7/1998.

Chức năng lập pháp và giám sát của nghị viện”, Viêng-chăn, 12/1998.

Ý kiến của AIPLF” do GS.TS. Nguyễn Ngọc Trân, thay mặt AIPLF, trình bày tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế và Thương mại Cộng đồng Pháp ngữ, Monaco, 4/1999.

Dân chủ, các quyền và tự do trong không gian Pháp ngữ”, Bamako (Mali), 11/2000.

Cộng đồng Pháp ngữ, Dân chủ và Phát triển”, ĐHĐ 27, Québec (Canada), 7/2001.

Nghị viện trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế”, ĐHĐ 28, Berne (Thụy Sĩ), 7/2002.

Về mối quan hệ giữa công dân và đời sống chính trị”, ĐHĐ 30, Charlottetown (Canada), 7/2004.

Văn hóa, toàn cầu hóa và Cộng đồng Pháp ngữ”, ĐHĐ 31, Bruxelles (Vương quốc Bĩ), 7/2005.

Di dân và chính sách nhập cư”, ĐHĐ 33, Libreville (Gabon), 7/2007.

Các báo cáo của Phân ban Việt Nam:

Chuyển giao công nghệ. Trường hợp Việt Nam tại Ủy ban Hợp tác và Phát triển, Genève, 3/1998.

Hợp tác Nam - Nam tại Ủy ban Hợp tác và Phát triển, TP. Hồ Chí Minh.3/1999. Ủy ban và Đại hội đồng thông qua báo cáo và nghị quyết, Ottawa, (Canada), 7/1999.

Dự thảo Hiệp định đầu tư đa phương của OECD tại Ủy ban Hợp tác và Phát triển, Bamako (Mali) 2/2000. Báo cáo được Ủy ban thông qua và Đại hội đồng thông qua nghị quyết, Yaounde (Cameroun), 7/2000.

Toàn cầu hóa và các nước đang phát triển tại Ủy ban Hợp tác và Phát triển, Val dAoste 3/2001. Báo cáo được Ủy ban thông qua và Đại hội đồng thông qua nghị quyết, Québec (Canada), 7/2001.

Quyền sở hữu trí tuệ và các diễn biến gần đây tại Ủy ban Hợp tác và Phát triển, Monaco, 3/2001. Báo cáo được Ủy ban thông qua và Đại hội đồng thông qua nghị quyết, Berne (Thụy Sĩ), 7/2002.

Xóa đói giảm nghèo, Đóng góp của Nghị viện”, và Đầu tư trực tiếp nước ngoài, từ luật pháp đến triển khai”, Họp Vùng Châu Á-Thái Bình Dương lần 1, Huế, 3/2006.

Góp ý với Ủy Ban Chính trị về đánh giá sai lệch tình hình Cam-pu-chia trong báo cáo của Ủy Ban này. Yêu cầu Ủy ban tham khảo Phân ban Cam-pu-chia và có những sửa chữa cho khách quan, 5/2006.

Phát triển du lịch và Xóa đói giảm nghèo”, và Môi trường và phát triển bền vững”, Họp Vùng Châu Á-Thái bình dương lần 2, Xiêm-Rệp, 26-28/2/2007. 


 

[1] Sau Nghị quyết 08/TW của Bộ Chính trị (1993), Ban trơ thanh Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Chính phủ.

[2] Tôi là đồng Chủ tịch Ủy ban hợp tác văn hóa, khoa học và kỹ thuật liên chính phủ Việt Nam - Pháp từ năm 1982 đến năm 1992.

[3] Tôi đã đảm đương nhiệm vụ này từ  1987 đến năm 1992 khi thôi công tác tại Ủy Ban Khoa học Nhà nước.

[4] Trình bày tại Hội nghị chuyên đề Tăng cường xây dựng, quản lý nhà nước về biên giới”, tại Hội thảo về công tác giám sát và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của Quốc hội, do Văn phòng Quốc hội tổ chức, Vũng Tàu 3/2004, và tại Hội thảo nâng cao kỹ năng của nữ ĐBQH trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước do Ủy ban các Vấn đề xã hội tổ chức, Phan Thiết, 12/2004.

[5] Báo cáo Kết quả giám sát về việc thu hút và sử dụng vốn hỗ trợ chính thức phát triển (ODA)”, số 319/UBĐN, ngày 17/11/1999

[6]10 năm ODA, báo cáo kết quả giám sát việc thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)”, báo cáo của Uỷ ban Đối ngoại, tháng 10/2003. (Báo cáo sơ khởi số 393/UBĐN ngày 29/8/2003).

[7] Việc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định này là để đáp ứng đề nghị của Chủ tịch Nước Trần Đức Lương.

[8] Nghị quyết số 48/2001/QH10, ngày 28/11/2001, tại kỳ họp thứ 10 khoá X.

[9] Trong bài phát biểu với hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Bí thư trung ương Đảng, đã đánh giá: “Trong khi các đồng chí bận trăm công ngàn việc mà lại để mắt đến việc thực hiện Hiệp định Thương mại Việt -Mỹ (BTA), chuẩn bị một báo cáo rất công phu, rất phong phú thì thật đáng quý. Đây là sự giúp đỡ rất nhiều cho các cơ quan hành pháp. Tôi xin chân thành cám ơn các đồng chi ́.”

[10] Những tham luận và ý kiến thảo luận đã được tập hợp trong Kỷ yếu “Nhìn lại năm đầu tiên thực hiện Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ” được Uỷ ban Đối ngoại phát hành theo chế độ lưu hành nội bộ, tháng 5/2003.

[11] Theo hiểu biết của chúng tôi, Từ ngày Tổ chức Thương mại thế giới được thành lập, Việt Nam là nước có môi trường pháp lý đầy đủ nhất phù hợp với hệ thống các quy định của tổ chức này. 

[12] Trích thư trả lời của Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Bí thư trung ương Đảng.

[13] Sáu lĩnh vực là: (1) Tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống, hội nhập vào đời sống xã hội nước sở tại; (2) Tạo điều kiện cho kiều bào gắn bó hơn nữa với đất nước; (3) Phát huy tiềm năng trí thức của kiều bào; (4) Phát huy tiềm năng của kiều bào trong hợp tác kinh tế, chuyển giao công nghệ, đầu tư và kinh doanh; (5) Tăng cường công tác thông tin - văn hoá với kiều bào, việc dạy và học tiếng Việt tại nước ngoài; (6) Chính sách khen thưởng đối với kiều bào.

[14] Đây là những chuyến thăm đầu tiên của một vị Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đến các nước này.

[15] Rất tiếng là sự trao đổi không thành do sự bội ước của chính quyền Hoa Kỳ. Anh Trỗi đã hy sinh. Các du kích Vê-nê-du-ê-la đã bị bắt và bị tù vì hành động dũng cảm và cao cả của mình

[16] Simon Bolivar, người đã lãnh đạo cuộc chiến giành độc lâp cho Vê-nê-du-ê-la  đầu thế kỷ 19.