Việt Nam là một nước văn hiến từ ngàn xưa. Nhân dân Việt Nam vốn có truyền thống đấu tranh anh hùng bất khuất vì độc lập tự do của dân tộc. Từ giữa thế kỷ XIX trở đi, nhân dân Việt Nam đã không ngừng đứng dậy đấu tranh chống lại ách thống trị của thực dân Pháp. Trong cao trào giải phóng dân tộc ngày 16-8-1945 Đại hội đại biểu quốc dân họp tại Tân Trào. Đại hội là hình ảnh tiêu biểu của khối đoàn kết dân tộc, đã hiệu triệu toàn dân nổi dậy giành chính quyền dẫn đến thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945. Ngày 2-9, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngày 3-9, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị với Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Ngày 6-1-1946, tất cả công dân Việt Nam không phân biệt nam nữa giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, chính kiến, v.v.. từ 18 tuổi trở lên đã tham gia cuộc Tổng tuyển cử tự do lựa chọn người đại diện cho mình vào Quốc hội: cơ quan "quyền lực tối cao để ấn định cho nước Việt Nam một Hiến pháp dân chủ cộng hòa.
Sự ra đời của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và Quốc hội đã lập ra Chính phủ liên hiệp kháng chiến, thông qua bản Hiến pháp (1946) là thành quả của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam gần 9 thập kỷ, trực tiếp là 15 năm đấu tranh dưới ngọn cờ Độc lập Tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) lãnh đạo, là hiện thực sinh động về thể chế Nhà nước, cộng hòa dân chủ, một loại hình Nhà nước pháp quyền cách mạng của nhân dân Việt Nam.
Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1946) vốn là một Quốc hội lập hiến. Song do hoàn cảnh cách mạng và kháng chiến nên Hiến pháp năm 1946 chưa được ban hành. Quốc hội đã giao cho Chính phủ và Ban Thường trực Quốc hội căn cứ vào các nguyên tắc đã định của Hiến pháp để thực thi việc lập pháp. Với tư cách là cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Quốc hội đã giải quyết mọi vấn đề của toàn quốc, lập hiến và lập pháp, biểu quyết ngân sách, chuẩn y các hiệp ước mà Chính phủ ký với nước ngoài, Quốc hội khóa I đã hoàn thành trách nhiệm của mình đối với một giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước.
Mười bốn năm hoạt động trong hoàn cảnh kháng chiến cực kỳ khó khăn gian khổ (1946-1960) là quá trình rèn luyện Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (khóa I), Quốc hội vì dân, vì nước. Quốc hội thống nhất toàn quốc, Quốc hội kháng chiến và kiến quốc, Quốc hội dân tộc dân chủ theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là bản chất và là đặc điểm độc đáo xuyên suốt của Quốc hội, hàm chứa nhiều bài học quý về tổ chức và hoạt động của cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân Việt Nam.
Hiện nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đang tiến hành sự nghiệp đổi mới toàn diện để đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, phát triển kinh tế, văn hóa, cải thiện đời sống nhân dân, từng bước hoàn thiện nền dân chủ, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh. Trong sự nghiệp đổi mới, Quốc hội đang phát huy vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, từng bước hoàn thiện việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân, do dân và vì dân, tăng cường pháp chế và hiệu lực quản lý của bộ máy Nhà nước. Truyền thống yêu nước, cách mạng và những kinh nghiệm hoạt động của Quốc hội khóa I dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh đang tiếp tục khơi nguồn sáng tạo và soi sáng con đường cho Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vươn lên tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền mạng đậm bản sắc Việt Nam và dấu ấn của thời đại.
Cuốn LỊCH SỬ QUỐC HỘI VIỆT NAM (1946-1960) do Văn phòng Quốc hội tổ chức nghiên cứu, biên soạn, đã được nhiều đại biểu Quốc hội khóa I, các giáo sư sử học, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia cùng các cơ quan nghiên cứu lịch sử đóng góp ý kiến. Đây là một công trình khoa học lịch sử về Quốc hội được biên soạn nghiêm túc và xuất bản lần đầu tiên ở Việt Nam.