Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Phó Trưởng Đoàn giám sát Lê Bộ Lĩnh và Phùng Đức Tiến đồng chủ trì buổi làm việc. Tham gia phiên họp có Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh, đại diện Hội đồng Chính sách và Khoa học Quốc gia, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Ban kinh tế Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương… cùng các thành viên Đoàn giám sát.
Báo cáo về hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học và công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa và hiện đại hóa giai đoạn 2005- 2015, đại diện Bộ Công Thương, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Phú Cường cho biết, Bộ Công Thương đã khẩn trương tổ chức quán triệt, chỉ đạo triển khai công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức đến toàn thể cán bộ công nhân viên về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển khoa học- công nghệ phù hợp với Chiến lược thúc đẩy công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Trong giai đoạn 2005- 2015, Bộ Công Thương đã thực hiện được nhiều nhiệm vụ cấp quốc gia gồm các chiến lược, chương trình nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các chương trình, đề án khoa học và công nghệ cấp nhà nước. Ngoài ra, hàng năm, Bộ Công thương đã xem xét, phê duyệt các nhiệm vụ khoa học cấp Bộ, gồm nhiều đề tài, dự án, nhiệm vụ tăng cường năng lực nghiên cứu cho các Viện nghiên cứu thuộc Bộ, các nhiệm vụ thông tin, hợp tác quốc tế…
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, trong giai đoạn 2005- 2015, Bộ Công Thương đã phối hợp với các tổ chức, đơn vị, cá nhân triển khai công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn phục vụ thực hiện các nhiệm vụ khoa học- công nghệ. Bên cạnh đó, công tác quản lý hoạt động khoa học- công nghệ ngành Công thương đã thực hiện đúng theo chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ; bám sát chủ chương, chính sách của nhà nước và có chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời cho các đơn vị trong ngành.
Nhờ có sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, hiện nay, Bộ Công Thương đã có mạng lưới quản lý, nghiên cứu khoa học lớn mạnh, gồm 24 Viện nghiên cứu trong đó có 22 Viện chuyên ngành, 02 Viện nghiên cứu về chính sách; 48 trường Đại học, Cao đẳng, Cao đẳng nghề, Trung cấp chuyên nghiệp, Trung cấp nghề, Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; lực lượng nghiên cứu tại các tập đoàn, Tổng công y, Công ty thuộc Bộ.
Sau 10 năm thực hiện, hoạt động khoa học- công nghệ của ngành Công Thương đã có những chuyển biến tích cực, phù hợp với tình hình mới. Các nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của ngành trong những năm qua luôn gắn với sản xuất, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả sản xuất trong cơ chế thị trường, hướng tới việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng; phát triển nguồn nhiên liệu trong nước thay thế nhập ngoại, đem lại hiệu quả kinh tế cho ngành.
Thời gian qua, nhiều công nghệ mới, các sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã được áp dụng hiệu quả vào sản xuất kinh doanh. Trong đó, nhiều công nghệ đã nhận chuyển giao và đang sử dụng tại các đơn vị, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí, điện lực… được đánh giá là những công nghệ thuộc loại tiên tiến hiện nay; trình độ công nghệ trong một số ngành sản xuất, dịch vụ đã được nâng lên đáng kể, nhiều sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh cao.
Trong giai đoạn 2005- 2015, cơ chế quản lý khoa học và công nghệ của ngành cũng từng bước được đổi mới. Bộ Công thương đã xây dựng và vận hành cơ chế tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ được thực hiện theo nguyên tắc dân chủ, công khai. Bên cạnh đó, hoạt động của các tổ chức khoa học- công nghệ đã được mở rộng từ nghiên cứu, phát triển đến sản xuất và dịch vụ khoa học- công nghệ. Ngoài ra, quyền tự chủ trong hoạt động khoa học- công nghệ, cũng như hợp tác trong lĩnh vực này của các tổ chức, cá nhân bước đầu được tăng cường, mở rộng.
Đại diện Bộ Công thương cho biết, chỉ tính riêng nhiệm vụ cấp Bộ, trong giai đoạn 2011- 2015, Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp và Viện Nghiên cứu Thương mại đã được giao thực hiên 100 đề tài với tổng kinh phí là 22.460 triệu đồng trong lĩnh vực chiến lược, chính sách phát triển công nghiệp và thương mại.
Cũng trong giai đoạn này, Bộ Công thương đã phân bổ 43.710 triệu đồng để thực hiện 143 đề tài cấp Bộ cho các đơn vị trong lĩnh vực cơ khí điện tử, thiết bị điện, điện tử và tự động hóa. Đồng thời, phê duyệt 146 nhiệm vụ cấp Bộ với tổng kinh phí là 33.580 triệu đồng để thúc đẩy các đơn vị tham gia nghiên cứu trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, hóa chất, công nghệ vật liệu; phê duyệt 382 đề tài cấp Bộ với tổng kinh phí 82.910 triệu đồng cho lĩnh vực lĩnh vực công nghiệp nhẹ và công nghệ sinh học.
Ngoài ra, hàng năm Bộ Công thương đã phê duyệt nhiều đề tài, nhiệm vụ thuộc các lĩnh vực năng lượng, môi trường, truyền thông, hợp tác quốc tế…
Mặc dù đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng nhìn chung khoa học- công nghệ ngành Công thương vẫn còn mặt hạn chế, còn có khoảng cách so với thế giới và khu vực, chưa đáp ứng được yêu cầu là nền tảng và động lực phát triển kinh tế- xã hội. Tình trạng thiếu hụt cán bộ nghiên cứu có trình độ, kinh nghiệm và thông thạo ngoại ngữ khá trầm trọng; vốn đầu tư cho nghiên cứu khoa học- công nghệ còn rất thấp, đặc biệt là đầu tư từ doanh nghiệp; trang thiết bị của các Viện nghiên cứu, trường đại học nhìn chung còn rất thiếu, không đồng bộ, xuống cấp, lạc hậu về công nghệ, cũ về kỹ thuật không theo kịp sự phát triển của thực tiễn; liên kết hữu cơ giữa nghiên cứu khoa học- công nghệ, giáo dục- đào tạo và sản xuất- kinh doanh còn kém; hoạt động nghiên cứu khoa học còn rời rạc, thiếu đầu mối chỉ đạo…
Riêng về ngành cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, đại diện Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam vẫn chưa làm chủ được công tác thiết kế, các nhóm thiết bị máy động lực, cơ khí xây dựng, thiết bị kỹ thuật điện, điện tử, cơ khí ô tô… chưa được cập nhật kịp thời, dẫn đến chất lượng sản phẩm còn thấp, tính cạnh tranh kém; hệ thống giáo dục và đào đạo của ngành cơ khí còn nặng lý thuyết, thiếu kinh nghiệm thực hành; chưa kích thích thị trường trong nước tạo điều kiện cho sản xuất cơ khí phát triển. Bên cạnh đó, trình độ công nghệ chế tạo, năng lực quản lý doanh nghiệp, nhân lực trong ngành công nghiệp hỗ trợ cũng còn yếu kém, chưa đủ khả năng tham gia sâu vào chuối giá trị gia tăng của các nhà sản xuất lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh…
Thảo luận tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao báo cáo của Bộ Công Thương được chuẩn bị kỹ lưỡng với nhiều thông tin, hình thức đã bám sát đề cương yêu cầu của Đoàn giám sát. Tuy nhiên, các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, nội dung của Báo cáo Bộ Công thương trình bày còn quá dàn trải, trùng lặp, chưa có trọng tâm, chưa bao quát được toàn bộ giai đoạn 10 năm, mà chỉ tập trung vào giai đoạn 2011- 2015. Đoàn giám sát đề nghị, báo cáo cần tập trung bổ sung số liệu làm rõ chi phí đầu tư cho khoa học- công nghệ và hiệu quả ứng dụng bằng việc đánh giá chi tiết 24 Viện nghiên cứu, cùng 48 trường Đại học, cơ sở đào tạo của Bộ đã có những đóng góp cụ thể gì trong phát triển khoa học- công nghệ của ngành; đồng thời, yêu cầu Bộ minh họa bằng số liệu đầy đủ, bao quát toàn bộ giai đoạn 2005- 2015.
Ngoài ra, các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị Bộ Công thương làm rõ thêm một số vấn đề trong hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến phát triển khoa học công nghệ áp dụng trong công nghiệp và thương mại để thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa có còn gì vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung hay không?
Cũng tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát cũng trao đổi và đề nghị Bộ Công thương làm rõ các lý do khách quan, chủ quan dẫn đến các chương trình phát triển cơ khí không thành công; chỉ rõ những vấn đề thuận lợi và khó khăn khi các đơn vị nghiên cứu, cơ sở đào tạo của Bộ chuyển đổi sang cơ chế, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, những đơn vị này có đạt được những kết quả tích cực trong hoạt động thực tế so với các đơn vị chưa thực hiện cơ chế này hay không
+ Theo chương trình, sau buổi làm việc với Công thương, chiều nay, 25/2, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về nội dung này.