Thiếu chuyên nghiệp của doanh nghiệp cơ khí xây dựng gây hạn chế khi gia nhập TPP

26/02/2016

Chiều ngày 26/2, tại Hà Nội, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Bộ xây dựng về “Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công nghiệp hóa, giai đoạn 2005 – 2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo”. Qua giám sát bước đầu cho thấy ứng dụng khoa học công nghệ ngành xây dựng đã góp phần thay đổi diện mạo đất nước theo hướng tích cực. Tuy nhiên vẫn tồn tại những hạn chế trong ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào sản xuất sản phẩm cơ khí xây dựng.

Đại diện Bộ Xây dựng báo cáo với Đoàn giám sát của UBTVQH

Báo cáo với đoàn giám sát, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Xây dựng cho biết trong thời gian qua, hoạt động khoa học công nghệ đã được Bộ quan tâm và xem là động lực để phát triển. Bộ cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý phục vụ hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng. Các văn bản pháp lý, đã ban hành là cơ sở để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu ứng dụng và khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh. Bộ Xây dựng cũng đã hoàn thiện các chiến lược khoa học công nghệ trong từng lĩnh vực của ngành, các dự báo chiến lược về quy hoạch kiến trúc, kỹ thuật hạ tầng, xây lắp, vật liệu xây dựng... Nhiều chính sách huy động vốn đầu tư, khuyến khích đầu tư, đổi mới trang thiết bị, đào tạo công nhân cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý đáp ứng các yêu cầu trong nước và tham gia vào thị trường quốc tế. Thực hiện xã hội hóa trong đào tạo, có chính sách khuyến khích các đơn vị và nhân dân cùng nhà nước bỏ vốn đào tạo cán bộ khoa học; có chính sách bảo đảm quyền lợi  vật chất, kích thích các tài năng nghiên cứu, cá nhân, đơn vị mong muốn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tạo động lực thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ.

Khoa học và công nghệ ngành xây dựng đã thực sự đóng góp quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việt Nam đã tự lực xây dựng  nhà máy thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á, là 1 trong 3 nước châu Á và 1 trong 10 nước thế giới làm chủ thiết kế và chế tạo giàn khoan dầu khí tự nâng... Đồng thời, làm chủ công nghệ tiên tiến trong thiết kế, thi công các công trình giao thông, xây dựng có trình độ công nghệ cao, nhiều đô thị mới được xây dựng với kỹ thuật tiên tiến.

Đánh giá chung về đóng góp của hoạt động khoa học công nghệ đối với phát triển công nghệ hỗ trợ và chế tạo, Bộ Xây dựng cho biết, doanh nghiệp cơ khí xây dựng đã nỗ lực tham gia và đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển cơ khí xây dựng, số lượng dự án thực hiện nhiều, khối lượng công việc thực hiện tương đối lớn, tuy nhiên trên thực tế giá trị thực hiện thấp, hiệu quả mang lại cho doanh nghiệp không cao. Nguyên nhân do hầu hết các doanh nghiệp cơ khí đều hạn chế về năng lực tài chính, dẫn tới sức cạnh tranh không mạnh trong quá trình tham gia đấu thầu.

Cũng theo báo cáo từ Bộ Xây dựng, hạn chế lớn nhất của các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam khi gia nhập TPP chính là thiếu sự chuyên nghiệp. Tính ổn định của chất lượng sản phẩm không đồng đều, nguồn nguyên liệu không có sẵn. Hiện nay Việt Nam chưa có nhà máy sản xuất phôi thép làm đầu vào của cơ khí.

Về các vấn đề này, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các nhà đầu tư các dự án có gói thầu về công nghệ, thiết bị cơ khí cần phân chia gói thầu hợp lý để có thể giao thầu, chỉ định thầu cho doanh nghiệp cơ khí. Đồng thời đề nghị Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cơ khí nói chung và cơ khí xây dựng nói riêng tiếp cận chính sách ưu đãi của Nhà nước trong chiến lược phát triển cơ khí.

Đánh giá cao những kết quả mà Bộ Xây dựng đã đạt được trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học công nghệ phục vụ mục tiêu phát triển, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Phó trưởng đoàn giám sát Lê Bộ Lĩnh cho rằng, thời gian tới Bộ Xây dựng cần đặc biệt quan tâm đến công tác ứng dụng khoa học công nghệ trong việc quy hoạch xây dựng, trong đó cần chú trọng đến quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.

Về vấn đề xây dựng phát triển tiềm lực khoa học công nghệ để thực hiện các hoạt động khoa học công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực xây dựng, một số thành viên đoàn giám sát đề nghị quan tâm đến các nguồn lực xã hội hóa. Đồng thời, Bộ Xây dựng cần quan tâm đến việc huy động nhân lực nghiên cứu, ứng dụng triển khai tham gia từ phía cán bộ tại các Tổng công ty, Tập đoàn bên cạnh các nhà khoa học.

Tin và ảnh: Bảo Yến