Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Cục sở hữu trí tuệ và Tổng cục tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng

17/06/2016

Ngày 17/6, tại Hà Nội, Đoàn giám sát về “Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2005- 2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo” do Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng làm Trưởng đoàn làm việc với Cục sở hữu trí tuệ và Tổng cục tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.

Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT phát biểu tại buổi làm việc

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết,  tại Cục sở hữu trí tuệ, Đoàn giám sát tập trung tìm hiểu, làm rõ về hiệu quả hoạt động sở hữu trí tuệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong đó có chương trình hỗ trợ phát triển tài sản sở hữu trí tuệ. Đối với buổi làm việc cùng Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Đoàn giám sát nghe báo cáo và thảo luận về kết quả hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và kết quả thực hiện chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam”.

Lĩnh vực sở hữu trí tuệ vừa là động lực thúc đẩy vừa là tấm gương phản chiếu tình hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Báo cáo về hoạt động sở hữu trí tuệ giai đoạn 2005- 2015, Phó Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ Phan Ngân Sơn cho biết, nhìn chung các đạo luật cơ bản về sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sở hữu trí tuệ được ban hành mới và sửa đổi kịp thời, phần nào đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Với khung pháp luật tương đối đầy đủ và đồng bộ về bảo hộ sở hữu trí tuệ, trong những năm qua số lượng sáng chế đăng ký ở Việt Nam liên tục tăng, mang lại nhiều thông tin sáng chế, công nghệ cho các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp Việt Nam.

Từ năm 2005 đến năm 2015, đã có 445 văn bằng sáng chế cấp cho người Việt Nam trong tổng số 10.284 sáng chế được Cục sở hữu trí tuệ cấp văn bằng. Ngoài ra, Cục sở hữu trí tuệ còn cấp tổng số 892 văn bằng bảo hộ cho giải pháp hữu ích; 13.644 văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và 197.060 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu. Số lượng đơn đăng ký sáng chế và bằng sáng chế cấp cho người Việt Nam tăng trong thời gian qua cho thấy việc được thừa nhận và bảo đảm quyền bằng các công cụ pháp luật, các cá nhân, tổ chức của Việt Nam cũng mạnh dạn hơn trong đầu tư nghiên cứu, phát triển khoa học.

Đối với kết quả thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, giai đoạn 2005- 2010 đã có 119 dự án được phê duyệt và giai đoạn 2011- 2015, chương trình đã thực hiện hỗ trợ đăng ký bảo hộ sáng chế cho 61 giải pháp kỹ thuật của người Việt Nam, phê duyệt để hỗ trợ triển khai cho 215 dự án. Đặc biệt, tại các địa phương, chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011- 2015 đã và đang phát huy hiệu quả đối với đời sống kinh tế, xã hội. Hầu hết các địa phương đều tích cực xây dựng các dự án tham gia chương trình. Một số dự án được đánh giá cao như “Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Mộc Châu dùng cho sản phẩm chè shan tuyết của huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La”; dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Nếp cái hoa vàng Kinh Môn dùng cho sản phẩm nếp cái hoa vàng của huyện Kinh Môn tỉnh Hải Dương”; hay dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Hoa Đà Lạt dùng cho sản phẩm hóa địa lan của thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng”...

Trao đổi tại buổi làm việc, làm rõ một số tồn tại, hạn chế trong quy định và thực thi chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ, định hướng phát triển trong giai đoạn tiếp theo, các đại biểu cho rằng chính sách bảo hộ sở hữu trí tuệ của Việt Nam được xây dựng trên cơ sở yêu cầu hội nhập và nhu cầu phát triển khoa học- công nghệ trong nước. Vì vậy, chính sách bảo hộ sở hữu trí tuệ cần trở thành công cụ để khuyến khích sáng tạo, đổi mới, chống cạnh tranh không lành mạnh, đưa các sản phẩm sáng tạo ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh; đồng thời chú trọng cân bằng lợi ích của chủ sở hữu trí tuệ và lợi ích xã hội, coi trọng thành quả đầu tư cho hoạt động sáng tạo nhưng vẫn đảm bảo chăm lo lợi ích, khả năng tiếp cận sản phẩm mới, công nghệ mới của người dân.

Phấn đấu 60% tiêu chuẩn Việt Nam hài hòa tiêu chuẩn quốc tế vào năm 2020

Tại buổi làm việc cùng Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Đoàn giám sát đã nghe báo cáo về tình hình thi hành chính sách pháp luật trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng thuộc trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ. Tổng Cục trưởng Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Trần Văn Vinh cho biết, tính đến năm 2015, đã có 8.625 tiêu chuẩn Quốc gia đã được Bộ Khoa học- Công nghệ công bố, sử dụng rộng rãi trong các hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh. Trong đó 45% tiêu chuẩn Việt Nam được đánh giá hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, mục tiêu đến năm 2020 là 60% nhằm bảo đảm cho vị trí của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế.

Tổng Cục trưởng Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Trần Văn Vinh báo cáo với Đoàn giám sát

Trước băn khoăn của Đoàn giám sát về mục tiêu 60% tiêu chuẩn Việt Nam hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, đại diện lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho biết, việc xác định tỷ lệ hài hòa giữa các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế không khó bởi hoàn toàn có thể nhập khẩu 100% các tiêu chuẩn quốc tế để quy định trong nước. Vấn đề đặt ra, cần có lộ trình nâng cao tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam sao cho trình độ, công nghệ sản xuất, năng suất chất lượng của doanh nghiệp trong nước cũng đáp ứng được những quy định đặt ra.

Hệ thống quy chuẩn Việt Nam được hình thành và phát triển trên cơ sở Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật để quản lý đối với sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, quá trình; môi trường có khả năng gây mất an toàn, bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khỏe con người; bảo vệ động thực vật, môi trường sinh thái; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác. Hiện có 632 quy chuẩn Việt Nam do 13 Bộ quản lý chuyên ngành xây dựng, ban hành với sự thẩm định của Bộ Khoa học- Công nghệ.

Về tổ chức triển khai thi hành Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Tổng Cục trưởng Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Trần Văn Vinh khẳng định, trách nhiệm quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa giữa các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực đã được phân công rõ ràng. Sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn phần lớn đã được quản lý chặt chẽ thông qua quy chuẩn Việt Nam do các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành. Việc cung cấp dịch vụ chứng nhận, thử nghiệm đáp ứng yêu cầu hoạt động công bố hợp chuẩn, quy chuẩn của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa thực hiện xã hội hóa tương đối hiệu quả với mạng lưới các tổ chức đánh giá sự phù hợp được hình thành trên tất cả các lĩnh vực. Có 278 tổ chức đánh giá sự phù hợp được đăng ký thực hiện chứng nhận, thử nghiệm và 54 tổ chức đánh giá sự phù hợp được Bộ Khoa học- Công nghệ chỉ định phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước đối với sản phẩm, hàng hóa  có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học- Công nghệ.

Đối với thực thi pháp luật về đo lường, đã hình thành được hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về đo lường từ Trung ương đến 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; hình thành mạng lưới kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường lên đến 304 tổ chức; chứng nhận 5.500 chuẩn đo lường dùng để kiểm định. Khắc phục được tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” giữa đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm với đơn vị kinh doanh hàng hóa dịch vụ liên quan; đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm với cơ quan quản lý nhà nước về đo lường.

Tuy nhiên, Tổng Cục trưởng Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Trần Văn Vinh cũng cho biết, một trong những vướng mắc lớn trong lĩnh vực đánh giá sự phù hợp và công bố hợp quy sản phẩm hàng hóa là sự không thống nhất giữa Luật đầu tư 2014 với Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và Luật đo lường. Cùng một đối tượng điều chỉnh là tổ chức đánh giá sự phù hợp sẽ do nhiều Bộ, ngành xây dựng văn bản trình Chính phủ điều chỉnh. Điều này dẫn đến sự không thống nhất trong quản lý nhà nước, không phù hợp với các quy định của pháp luật chuyên ngành về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng cũng như không phù hợp với  mục tiêu cải cách thủ tục hành chính.

Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nêu rõ: lĩnh vực sở hữu trí tuệ và lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng là hai lĩnh vực quan trọng, liên quan trực tiếp đến sản xuất, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, tiêu chuẩn đo lường chất lượng cần đi trước một bước các lĩnh vực khác nhằm tạo ra tiêu chuẩn cho sự cải tiến, đổi mới.

Đánh giá báo cáo của các đơn vị được chuẩn bị công phu, chi tiết, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng ghi nhận những nỗ lực, trách nhiệm trong công việc của cán bộ, công chức, người lao động tại hai đơn vị này; mong muốn sau chương trình giám sát sẽ có những giải pháp thiết thực thúc đẩy phát triển lĩnh vực này, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tin và ảnh: Bảo Yến