NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG, CHẤT THẢI TỪ HOẠT ĐỘNG CHĂN NUÔI

30/03/2018

Chiều 30/03, tại Hội thảo dự án Luật Chăn nuôi do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức, vấn đề về giải pháp xử lý chất thải từ hoạt động chăn nuôi là nội dung được nhiều đại biểu tham gia cho ý kiến.

Toàn cảnh hội thảo

Hiện nay, xu hướng phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp hoá và chuyên môn hoá đang ngày càng tăng, quá trình đô thị hóa từ nông thôn lên đô thị cũng khiến khu vực sản xuất, trước kia xa khu dân cư thì nay, lại đến gần hơn với người tiêu dùng.Nhiều chuyên gia đã dự báo, ngành chăn nuôi đang trở thành một đối thủ không kém cạnh trong cuộc chạy đua về tiêu tốn về đất đai, nước và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác so với các ngành công nghiệp, dịch vụ. Ngoài việc phát thải trực tiếp khí gây hiệu ứng nhà kính thì hầu hết những hệ thống chăn thả gia súc thường gây ra tình trạng thoái hóa đất và nạn phá rừng còn những hệ thống chăn nuôi thâm canh, công nghiệp và vỗ béo thường làm ô nhiễm môi trường ở khâu xử lý chất thải. Các chất ô nhiễm từ chăn nuôi có thể gây ảnh hưởng đến không khí, nước mặt và nước ngầm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phùng Đức Tiến phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết, hiện lượng chất thải từ khu vực chăn nuôi tập trung khá lớn, trên 85 triệu tấn/năm nhưng chỉ có 20% được sử dụng vào mục đích khí sinh học, phân bón, thức ăn cho thủy sản... số còn lại chưa có giải pháp xử lý. Qua khảo sát cho thấy, các cơ sở chăn nuôi đều không tuân thủ quy định về xử lý chất thải chăn nuôi do giá thành xử lý quá cao. Việc xử lý chất thải chăn nuôi cũng chưa được quy định trong rõ Luật. Bên cạnh đó, việc xác tiêu chí quản lý môi trường chăn nuôi giữa ngành nông nghiệp và tài nguyên môi trường còn chưa đồng nhất (một ngành tính theo đầu cob, một ngành tính theo diện tích chuồng nuôi).

Trưởng Bộ môn Môi trường chăn nuôi, Viện Chăn nuôi Nguyễn Thành Trung phát biểu

Trưởng Bộ môn Môi trường chăn nuôi, Viện Chăn nuôi Nguyễn Thành Trung cũng cho biết, hoạt động chăn nuôi hàng năm tạo ra khoảng 13 tỷ tấn chất thải mỗi năm. Trong khi đó, một phần trong số này được tái sử dụng, số chất thải còn lại được thải ra ngoài môi trường nên có thể gây ra các vấn đề môi trường rất lớn. Phân động vật là một mối nguy hiểm cho môi trường do chứa nồng độ cao các chất gây ô nhiễm như: nitrate, phosphate, kali và amoniac. Thức ăn chăn nuôi có thể chứa các kim loại nặng để kích thích tăng trưởng như đồng và kẽm, khi thải ra ngoài môi trường, chúng bị lưu giữ vào đất nên cũng có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe của con người và động vật. Quá trình phân hủy của phân có thể phát thải trực tiếp một số thành phần gây ô nhiễm vào nguồn nước bề mặt thông qua quá trình rửa trôi hoặc có thể được lọc qua đất để nhiễm vào nước ngầm qua quá trình thẩm thấu. Những quá trình này dẫn đến hiện tượng phú dưỡng ở hệ sinh thái nước ngọt, ven biển và làm ô nhiễm nguồn nước ngầm, đe dọa đến chất lượng nước và gây thiệt hại cho các hệ sinh thái thủy sinh và đất ngập nước. Trưởng Bộ môn Môi trường chăn nuôi, Viện Chăn nuôi cũng cho biết, các quốc gia trên thế giới hiện nay đều đã có những quy định hay luật liên quan đến vấn đề xử lý chất thải chăn nuôi, bảo vệ môi trường từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng.

Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Công nghệ môi trường Nguyễn Hoài Châu phát biểu

Nhằm giảm thiểu nguy cơ và ảnh hưởng của chất thải chăn nuôi tới sức khỏe con người và nâng cao hiệu quả quản lý môi trường chăn nuôi, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, cần thiết phải đưa ra các quy định để quản lý môi trường chăn nuôi cũng như xử lý chất thải từ hoạt động chăn nuôi vào trong dự thảo Luật Chăn nuôi. Đặc biệt, điều chỉnh các loại phí tài nguyên và phí xử lý chất thải sao cho sao hợp lý cả về mặt kinh tế và môi trường; xoá bỏ các hình thức trợ cấp phi lý trong ngành chăn nuôi, thanh toán các dịch vụ môi trường, đặc biệt là các dịch vụ liên quan đến hệ thống chăn thả quảng canh như phục hồi đất, khôi phục cảnh quan thiên nhiên và môi trường sống cho các loài hoang dã, cố định cacbon, trồng rừng... Đồng thời, cần tăng cường hiểu biết và kiến thức về những rủi ro môi trường có thể xảy ra do hoạt động của ngành chăn nuôi cho các nhà hoạch định chính sách, các cán bộ quản lý, những người chủ trang trại cũng như những người chăn nuôi ở quy mô hộ gia đình.

 

Thu Phương