Tham dự có: Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Đoàn ĐBQH và UBND TP Hà Nội; đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính...
Trình bày báo cáo của UBND TP Hà Nội, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lê Ngọc Anh cho biết, từ năm 2010 - 2018, thành phố đã ban hành trên 30 văn bản pháp quy, qua đó, đã tạo môi trường và điều kiện để phát huy tiềm lực khoa học, công nghệ trên địa bàn, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô. Hà Nội đã ban hành Chiến lược Phát triển khoa học và công nghệ của thành phố đến năm 2020. Để triển khai Chiến lược này, UBND thành phố đã xây dựng chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm trên cơ sở lựa chọn các sản phẩm có khả năng thương mại, sử dụng công nghệ tiên tiến, có sức cạnh ranh, giá trị gia tăng cao. Sau đó, đặt hàng nghiên cứu với các nhà khoa học, và khi có kết quả nghiên cứu tổ chức triển khai sản xuất.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng chủ trì cuộc làm việc
Báo cáo của UBND TP Hà Nội cũng nhấn mạnh, Luật Khoa học và Công nghệ đã tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế có quyền thành lập các tổ chức khoa học và công nghệ, đến nay đã có hơn 300 tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập đăng ký hoạt động. Cũng theo báo cáo, để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu khoa học, phát triển và đổi mới công nghệ, thành phố đã triển khai thực hiện 11 cơ chế, chính sách. Việc triển khai các cơ chế, chính sách này, Hà Nội đã trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước về phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Đến nay, thành phố đã cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho 43/330 doanh nghiệp khoa học và công nghệ của cả nước. Bên cạnh đó, thành phố đã quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ, hiện đã đưa vào sử dụng một dự án trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ, khu làm việc của một số đơn vị, đang triển khai một số dự án quan trọng khác.
Để Nghị quyết của UBTVQH được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, UBND TP Hà Nội đề xuất, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến đầu tư, kinh doanh, quản lý tài sản công, thuế, bảo đảm đồng bộ với Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ. Chính phủ sớm xây dựng, ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, xây dựng cơ chế hợp tác công - tư đồng tài trợ đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ quy mô lớn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn đăng ký kinh doanh của tổ chức khoa học, công nghệ công lập; nghiên cứu xây dựng cơ chế đầu tư của nhà nước vào hoạt động ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp. UBND TP Hà Nội cũng có một số đề xuất khác đối với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương.
Đoàn công tác đánh giá cao kết quả thực hiện Nghị quyết UBTVQH của TP Hà Nội cũng như sự quan tâm giúp đỡ của các sở, ngành liên quan trong việc giúp các đơn vị hoàn thành quy trình, thủ tục công nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Thực tế cho thấy, nếu mỗi đơn vị đơn độc thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục được Nghị định 80 của Chính phủ, thì không biết bao giờ mới được cấp giấy chứng nhận. Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Khoa học và Công nghệ nên xem xét, nhân rộng mô hình của TP Hà Nội để các địa phương khác học tập, qua đó giúp tăng số lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ, góp phần bảo đảm hiệu quả đầu tư cho lĩnh vực này.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng ghi nhận các kiến nghị của TP Hà Nội về việc sửa đổi, bổ sung các luật liên quan, cũng như với Chính phủ, một số bộ ngành. Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng nêu rõ, tại nhiều quốc gia trên thế giới, đầu tư của doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị chiếm 80% đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, nên các sở, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ, để thống kê chính xác số vốn đầu tư cho khoa học và công nghệ trên địa bàn.
Nhấn mạnh Hà Nội có thuận lợi lớn trong phát triển khoa học và công nghệ, là nơi tập trung phần lớn số viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm trọng điểm của cả nước, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng đề nghị, UBND TP Hà Nội cần nỗ lực hơn nữa trong huy động nguồn lực nghiên cứu dồi dào trên địa bàn. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đề nghị, UBND TP và các sở, ngành liên quan cần tiếp tục bổ sung thông tin liên quan, tạo cơ sở để hoàn thiện Báo cáo giám sát Việc thực hiện Nghị quyết số 297 của UBTVQH về nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học và công nghệ.
Trước đó, Đoàn công tác đã khảo sát thực tế tại Công ty Cổ phần Dược phẩm CPC1 Hà Nội và Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương 5.