Hiện trên địa bàn khu công nghiệp Thụy Vân đã thu hút được 83 dự án trong đó có 43 dự án đã được phê duyệt, báo cáo đánh giá tác động môi trường, 09 đề án phê duyệt đề án bảo vệ môi trường, chi tiết, 31 dự án xác nhận cam kết bảo vệ môi trường. Các loại hình dự án đầu tư vào khu công nghiệp bao gồm sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, điện tử, sợi, dệt, nhuộm, may mặc, bao bì...Với tổng lượng nước nước thải hiện nay là 3.300 mét khối/ ngày đêm, trong đó nước thải công nghiệp phát sinh chủ yếu từ các cơ sở dệt nhuộm, cơ sở sản xuất tinh bột...Kết quả phân tích chất lượng mẫu nước thải sau khi được xử lý tại nhà máy xử lý nước thải qua các kỳ quan trắc môi trường định kỳ từ năm 201 đến nay đều đạt quy chuẩn 4.0.
Đối với chất thải rắn, hiện nay, khu công nghiệp có trạm trung chuyển chất thải rắn, việc quản lý chất thải rắn do các cơ sở phát sinh tự phân loại thu gom và ký hợp dồng với đơn vị chức năng để vận chuyển và xử lý theo sự hướng dẫn của ban quản lý và các cơ quan chuyên môn.
Đoàn giám sát khảo sát tại Khu Công nghiệp Thụy Vân
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát cũng yêu cầu Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ làm rõ một số nội dung liên quan đến việc tuân thủ và thực hiện chính sách pháp luật về môi trường theo quy định của luật hiện hành, cơ chế phối hợp giữa các ban quản lý và các đơn vị doanh nghiệp trong khu công nghiệp, tại sao có sự chậm trễ trong việc lập hồ sơ báo cáo vận hành các công trình bảo vệ môi trường.
Cũng tại buổi làm việc, Đoàn giám sát yêu cầu các cơ quan có liên quan rà soát, hoàn thiện các thủ tục còn thiếu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp; tích cực phối hợp và có sự trao đổi thông tin chấp hành pháp luật về bảo vệ moi trường của các doanh nghiệp thứ cấp trong khu công nghiệp giữa các cấp chính quyền và đơn vị đầu tư hạ tầng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường; có giải pháp quyết liệt hơn trong việc xử lý ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Trần Văn Minh cho rằng hiện nay việc bảo vệ môi trường tại Khu công nghiệp Thụy Vân còn hạn chế, chưa đáp ứng được các yêu cầu của pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chỉ ra một số tồn tại hạn chế tại khu công nghiệp: "Việc bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp Thụy Vân vẫn chưa đúng với các quy định của Pháp luật, giấy phép xả thải bị muộn không chỉ so với quy định của pháp luật mà còn muộn so với kết luận của Bộ tài nguyên và Môi trường... Phó Chủ nhiệm đề nghị tăng cường hệ thống thu gom nước mặt và nước thải sản xuất sinh hoạt, quan tâm chú ý kho bùn thải, tuy đã được xây dựng tốt nhưng quan sát thì hoàn toàn có khả năng nước mưa vẫn làm cho chảy tràn do cốt nền không chênh với mặt sàn".
Cũng tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm ủy ban khoa học công nghệ và môi trường Trần Văn Minh đề nghị các đơn vị tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo. Trong đó, đặc biệt là bổ sung thủ tục, thông tin về xả thải, bổ sung thêm một số thông tin xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, thông tin xử lý vi phạm đối với đơn vị kinh doanh hạ tầng và đơn vị thứ cấp, việc chấp hành kết luận thanh tra của Bộ Tài Nguyên và Môi trường.
Quang cảnh buổi giám sát tại Khu Công nghiệp và Công ty tại Yrong
Cũng trong chiều cùng ngày, Đoàn giám sát đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao. Theo báo cáo của Công ty, từ năm 2006 đến nay, công ty đã chấp hành các chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, tiến hành nghiên cứu, đầu tư hàng loạt các giải pháp dự án giải quyết vấn đề môi trường, đồng thời đầu tư ứng dụng các biện pháp công nghệ sáng kiến để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Năm 2007 công ty đã đầu tư thi công dự án cải tạo và xây dựng hệ thống cung cấp nước sản xuất và xử lý tuần hoàn nước thải 1.900 mét khối /ngày đêm. Đồng thời xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn chất lượng môi trường theo hệ thống quản lý môi trường ISO 2015. Từ ngày 01/3/2017, công ty đã hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn, 100% nước thải được tái sử dụng phục vụ sản xuất, không xả thải ra môi trường. Việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, xử lý khí thải thực hiện theo đúng quy định; hạn chế tối đa tiếng ồn và bụi phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh...
Thành viên Đoàn giám sát đã yêu cầu Công ty Cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tiếp thu, giải trình một số nội dung như: Phương án ứng phó với sự cố nước thải; việc kiểm tra, giám sát năng lực của các đơn vị đối tác trong xử lý chất thải nguy hại…
Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn Đoàn giám sát Trần Văn Minh ghi nhận những kết quả về hoạt động sản xuất kinh doanh và công tác bảo vệ môi trường của công ty, góp phần nâng cao đời sống của công nhân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Phú Thọ. Tuy nhiên bên cạnh đó, Phó Trưởng đoàn Đoàn giám sát Trần Văn Minh cũng yên cầu Công ty tiếp tục tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; sớm lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động của 5 dây chuyền còn lại./.