ỦY BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG QUỐC HỘI GIÁM SÁT THỰC HIỆN CÔNG ƯỚC CITES TẠI AN GIANG

18/04/2019

Chiều ngày 17/4, Đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Vinh Hà làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh An Giang về việc giám sát thực hiện chính sách pháp luật, thực thi Công ước về buôn bán, vận chuyển các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) trên địa bàn tỉnh An Giang.

Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang Lữ Cẩm Khường cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh An Giang có 123 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã được cấp giấy chứng nhận gây nuôi (giảm 25 cơ sở so với cùng kỳ năm 2017) với 149.019 cá thể, gồm 38 loài gây nuôi. Trong đó quản lý theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP về các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm có 23 loài (3 loài thuộc nhóm I B: 31 cá thể; 20 loài thuộc nhóm  II B: 125.994) và 55 cơ sở gây nuôi cá sấu nước ngọt, trong đó 2 cơ sở gây nuôi được cơ quan quản lý CITES Việt Nam cấp giấy chứng nhận cơ sở gây nuôi thuộc CITES, được phép xuất khẩu cá sấu nước ngọt. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường Nguyễn Vinh Hà phát biểu tại buổi làm việc

Về trồng cấy nhân tạo cây Trầm hương, đến nay toàn tỉnh An Giang có khoảng 263 ha với 305 hộ gia đình và tổ chức tự gây trồng và cấy nhân tạo trầm hương, bình quân 0,75 ha/hộ, chưa tính số lượng trồng phân tán. Từ năm năm 2016  đến nay tỉnh đã cấp giấy chứng nhận trồng cấy nhân tạo cây Dó bầu (Trầm hương) cho 20 hộ (gồm 01 tổ chức; 19 hộ dân). Để làm cơ sở quản lý, xác nhận nguồn gốc lâm sản khi có yêu cầu. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang Lữ Cẩm Khường, phần đông những hộ gây trồng Dó bầu (Trầm hương) là những hộ nghèo, quy mô trồng nhỏ lẻ trên các đồi núi, nên thực hiện cấp giấy chứng nhận cũng rất khó khăn. 

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang Lữ Cẩm Khường cho biết, hàng năm tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra định kỳ tại các cơ sở gây nuôi động vật rừng vào tháng 4 và tháng 10 hàng năm. Ngoài ra, tỉnh còn thành lập đoàn kiểm tra đột xuất 2 đợt/ năm (mỗi đợt 4 ngày) ở các huyện có cơ sở gây nuôi nhiều loài, số lượng lớn. Bên cạnh đó, tiến hành kiểm tra đột xuất một vài trường hợp có số lượng nhập vào trại có nghi vấn vi phạm pháp luật; qua đó, đã phát hiện 73 vụ vi phạm, đã xử phạt vi phạm hành chính 68 vụ, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách 267,6 triệu đồng. Đồng thời, ban hành các quyết định tịch thu các tang vật, xử lý theo quy định của pháp luật. 

Bên cạnh đó, thông qua công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, nhiều người dân đã tự nguyện giao, các loài động vật hoang dã nuôi nhốt, bị săn bắt trái phép để thả về môi trường tự nhiên hoặc chuyển giao về cho các trung tâm cứu hộ với số lượng 64 cá thể, (gồm Gấu ngựa, trăn, mèo rừng,các loại  khỉ, rùa các loại...) và 236,5 kg rắn các loại.

Là tỉnh có đường biên giới dài tiếp giáp với nước bạn Campuchia nên việc theo dõi, giám sát, tuần tra, kiểm tra, xử lý các hành vi buôn bán, vận chuyển các loài động thực vật hoang dã nguy cấp trên địa bàn tỉnh An Giang gặp rất nhiều khó khăn, theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Trần Anh Thư, hiện nay việc áp dụng theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buốn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp là rất chặt chẽ, tuy nhiên vẫn chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền xử lý của lực lượng cảnh sát môi trường nhất là vấn đề quản lý, chăm sóc động vật hoang dã sau khi bắt giữ trong các vụ vi phạm; hay vấn đề thả động vật hoang dã về với môi trường tự nhiên...

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, động vật hoang dã vào An Giang chủ yếu từ Campuchia, thông qua đường tiểu ngạch, do đó, việc phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật về vận chuyển, mua, bán động vật hoang dã qua biên giới hiện nay rất khó phát hiện. Do đó, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đề xuất, thời gian tới cần có quy chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa các tỉnh giáp biên giới phía nước bạn Campuchia trong đấu tranh với tội phạm liên quan đến hoạt động mua bán, vận chuyển các loài động vật hoang dã nguy cấp, quí, hiếm.

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam cần có chính sách trang bị các công cụ, dụng cụ cho các lực lượng chuyên ngành để đảm bảo an toàn khi bắt, xử lý các loài động vật hoang dã hung dữ gây nguy hại đến cộng đồng; có hướng dẫn cụ thể cho địa phương hơn về việc quản lý các cơ sở mua bán các cá, chim, thú kiểng...

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường Quốc hội, Nguyễn Vinh Hà, đánh giá cao việc ban hành chính sách, văn bản thực thi Công ước về buôn bán, vận chuyển các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) của tỉnh An Giang. Đặc biệt, An Giang đã thực hiện tốt công tác quản lý việc gây nuôi, buôn bán, vận chuyển, chế biến, xuất nhập khẩu các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các phụ lục của CITES trên địa bàn tỉnh An Giang.

Đoàn công tác khảo sát thực tế mô hình nuôi Cầy Vòi hương

Trước đó, vào sáng cùng ngày, Đoàn công tác đã có chuyến khảo sát thực tế mô hình nuôi cua đinh (còn gọi là ba ba Nam Bộ, tên khoa học là Amyda cartilaginea), rùa răng (tên khác là Càng đước, tên khoa học Heosemys annandalii), rùa đất lớn (tên khoa học là Heosemys grandis), Cầy Vòi hương (tên khoa học là Paradoxurus hermaphroditus) của ông Thiệu Văn Đoàn, tại ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang và trại cá sấu Út Tuyết- cơ sở gây nuôi CITES tại khóm Hòa Bình, phường Vĩnh Mỹ, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang./.

(Theo Cổng Thông tin điện tử tỉnh An Giang)