ĐOÀN GIÁM SÁT “VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG GIAI ĐOẠN 2016-2021” LÀM VIỆC VỚI CHÍNH PHỦ
RÀ SOÁT VÀ THÁO GỠ NHỮNG TỒN TẠI, VƯỚNG MẮC TRONG PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG
Toàn cảnh cuộc làm việc của Đoàn giám sát với Chính phủ.
Chiều 10/8, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” làm việc với Chính phủ. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát chỉ đạo tại cuộc làm việc.
Tham dự cuộc làm việc có Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát và các thành viên Đoàn giám sát; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và đại diện lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan, Bộ ngàn liên quan.
Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát yêu cầu Chính làm rõ hơn những nhiệm vụ để thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 16 về giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, phân tích về giá điện, tác động của việc tăng giá điện đến đời sống Nhân dân, các lĩnh vực và sự phát triển kinh tế-xã hội; đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng; thực hiện Quy hoạch điện VIII; lộ trình chuyển đổi năng lượng hóa thạch sang phát triển năng lượng tái tạo. Ngoài ra, các thành viên Đoàn giám sát cũng yêu cầu Chính phủ làm rõ hơn về nguồn lực, kinh phí, hạ tầng trong phát triển năng lượng…
Giải trình, làm rõ các ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát, Chính phủ đã làm rõ những nội dung trên; đồng thời đề xuất với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm rà soát, bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về quản lý quy hoạch, khoáng sản, đất đai, năng lượng, điện lực, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả… tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất. Việc làm này nhằm phát triển đột phá và triển khai hiệu quả các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển năng lượng đảm bảo các mục tiêu đề ra tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị và của Chính phủ trong lĩnh vực năng lượng, điện lực.
Bên cạnh đó là triển khai đồng bộ, hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, Quy hoạch điện VIII và các quy hoạch liên quan trong lĩnh vực năng lượng đã được phê duyệt. Ngoài ra, Chính phủ cũng đề xuất với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng cơ chế rõ ràng, tạo thuận lợi, đồng thời làm rõ trách nhiệm trong việc triển khai các dự án thí điểm về chuyển đổi năng lượng nhằm tiến tới mục tiêu giảm mức phát thải ròng bằng 0 theo cam kết tại Hội nghị COP 26.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát.
Phát biểu kết luận tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát đánh giá cao sự chuẩn bị báo cáo của Chính phủ phục vụ cho cuộc làm việc với Đoàn giám sát. Chính phủ cũng đã có báo cáo cập nhật, bổ sung và làm rõ hơn một số nội dung cụ thể theo yêu cầu của Đoàn giám sát. Các báo cáo cơ bản đáp ứng các nội dung yêu cầu.
Các ý kiến phát biểu, nêu câu hỏi, trao đổi, thảo luận hết sức thẳng thắn, có tính xây dựng, tâm huyết, trách nhiệm và đúng vào trọng tâm các vấn đề Đoàn giám sát đề ra. Ý kiến tiếp thu, giải trình của đại diện Chính phủ và các cơ quan liên quan cơ bản rõ ràng, cụ thể.
Có thể thấy, trong thời gian qua Chính phủ đã rất cố gắng, nỗ lực trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng và tổ chức thực hiện theo quy định, góp phần phát triển năng lượng quốc gia, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước.
Đoàn giám sát ghi nhận các ý kiến góp ý trách nhiệm, tâm huyết, thẳng thắn đối với các báo cáo của Chính phủ. Các ý kiến của đã được ghi chép đầy đủ; Đoàn giám sát sẽ chỉ đạo nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo báo cáo kết quả giám sát. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến của thành viên Đoàn giám sát tại cuộc làm việc, có báo cáo bổ sung gửi Đoàn giám sát trước ngày 15/8/2023. Trong đó, lưu ý một số vấn đề sau đây:
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại cuộc làm việc với Chính phủ.
Thứ nhất: Bổ sung những nội dung mà Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Phó trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát phát biểu tổng hợp, yêu cầu Chính phủ báo cáo bổ sung, làm sâu sắc, rõ trách nhiệm đối với các tồn tại, hạn chế, vi phạm, khuyết điểm về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn và kiến nghị xử lý hoặc xử lý theo thẩm quyền trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan. Kiến nghị với Đoàn giám sát các nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trước mắt và lâu dài trong lĩnh vực năng lượng.
Thứ hai: Chính phủ phải coi đây là cơ hội để nhìn nhận, đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trong thời gian qua, đặc biệt là kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Từ đó, để chúng ta có những giải pháp căn cơ trong trước mắt, cũng như lâu dài để thể chế hóa, cụ thể hóa và triển khai kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển năng lượng. Quốc hội sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ trong việc thực hiện chủ trương lớn này.
Thứ ba: Đề nghị Chính phủ cần bổ sung, làm sâu sắc hơn nội dung đánh giá việc thực hiện trách nhiệm của Chính phủ trong lĩnh vực năng lượng theo luật định, nhất là đối với những hạn chế, yếu kém, thậm chí sai phạm hiện nay; kiến nghị với Đoàn giám sát về việc xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan; các nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trước mắt và lâu dài trong lĩnh vực năng lượng nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, tầm nhìn đề ra trong Nghị quyết số 55-NQ/TW.
Thứ tư: Một trong những nội dung quan trọng nhất là Đoàn giám sát báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chuyên đề giám sát. Theo tinh thần chỉ đạo của Đồng chí Chủ tịch Quốc hội thì ngoài những nội dung về nhiệm vụ, giải pháp, thì cần phải có 02 Phụ lục kèm theo Nghị quyết, cụ thể (1) Danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới (tên văn bản; nội dung sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới; lý do sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới; thời hạn thực hiện, cơ quan chủ trì); (2) Danh mục các dự án năng lượng trọng điểm chậm tiến độ, có khó khăn, vướng mắc, sai phạm (nếu có) (tên dự án, nội dung cơ bản về dự án (cơ quan chủ trì, mục tiêu, thời hạn thực hiện, tiến độ,…), nội dung khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp tháo gỡ). Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà hết sức quan tâm nội dung này và chỉ đạo các cơ quan phối hợp với Đoàn giám sát để đề xuất các nội dung phù hợp.
Thứ năm: Đề nghị các đồng chí thành viên Đoàn giám sát cần quan tâm và dành nhiều thời gian, hoàn thiện Dự thảo Báo cáo giám sát, Nghị quyết giám sát để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9/2023. Đoàn giám sát cần phối hợp, tham gia tích cực trong thời gian tới để giúp Đoàn giám sát nhận diện các vấn đề và đề xuất được các giải pháp khả thi đối với lĩnh vực hệ trọng này của đất nước.
Một số hình ảnh tại cuộc làm việc với Chính phủ:
Toàn cảnh cuộc làm việc của Đoàn giám sát với Chính phủ.
Đại diện các Bộ tham dự cuộc làm việc.
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên báo cáo về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị Chính phủ làm rõ các nhiệm vụ để thực hiện cam kết của Việt Nam về giảm phát thải ròng, có đánh giá tác động khi điều chỉnh giá điện.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Ủy viên Đoàn giám sát Lê Thanh Vân.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trần Đức Thuận.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải cho ý kiến về một số nội dung giám sát.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy viên Đoàn giám sát Nguyễn Ngọc Bảo.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát.
Phát biểu kết luận tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát nhấn mạnh: Quốc hội sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ trong việc thực hiện chủ trương phát triển năng lượng.