Đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực khí tượng thủy văn

28/04/2015

Ngày 27/4, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức phiên họp Thưởng trực Ủy ban mở rộng thẩm tra sơ bộ Dự án Luật khí tượng thủy văn. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp còn có đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường - cơ quan chủ trì soạn thảo, đại diện các Ủy ban của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.

Dự án Luật khí tượng thủy văn được xây dựng nhằm khắc phục những hạn chế của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thủy văn, ban hành từ năm 1994 và một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc một số lĩnh vực liên quan như phòng chống thiên tai, quản lý tài nguyên nước, giao thông vận tải, xây dựng, thủy điện… Các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay về khí tượng thủy văn chưa đầy đủ và không có hệ thống nên đã không bao quát được các hoạt động khí tượng thủy văn đang ngày càng phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc xây dựng và ban hành Luật khí tượng thủy văn là rất cần thiết nhằm tạo ra bước thay đổi quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn; bảo đảm phục vụ hiệu quả cho công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh quốc gia.

Dự án Luật khí tượng thủy văn khẳng định vai trò của nhà nước trong việc thống nhất quản lý các hoạt động khí tượng thủy văn, quy định hành lang pháp lý, chính sách phát triển hạ tầng khí tượng thủy văn, đào tạo phát triển nguồn nhân lực khí tượng thủy văn, trao đổi thông tin, dữ liệu quốc tế. Dự án Luật khẳng định sự cần thiết phải có một cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia chịu trách nhiệm về các hoạt động thủy văn mang tính chất phục vụ lợi ích chung, phòng, chống thiên tai, quốc phòng, an ninh quốc gia góp phần bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân và toàn xã hội. Đồng thời, Luật cũng khuyến khích các ngành, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khí tượng thủy văn theo chủ trương xã hội hóa, đáp ứng các yêu cầu đa dạng của kinh tế xã hội.

Thảo luận tại phiên họp các đại biểu đều tán thành với các nội dung về sự cần thiết phải ban hành Luật khí tượng thủy văn, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và các nội dung chính của dự thảo Luật. Tuy nhiên, trong quá trình thẩm tra dự thảo Luật vẫn còn một số nội dung cần phải được xem xét, thảo luận để hoàn thiện dự thảo như xã hội hóa trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, bảo đảm an toàn hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Về đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, nội dung xã hội hóa trong lĩnh vực khí tượng thủy văn là một nội dung mới, tuy không được quy định thành một chương, mục riêng trong dự thảo Luật nhưng các quy định liên quan đến xã hội hóa hoạt động khí tượng thủy văn đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển ngành, lĩnh vực.

Báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chỉ ra rằng dự thảo Luật đã có nhiều điều khoản liên quan đến xã hội hóa trong lĩnh vực khí tượng thủy văn. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu quy định cụ thể và rõ hơn nữa nội dung này để bảo đảm tính khả thi của Luật, phát huy được mọi nguồn lực trong nước và quốc tế, góp phần hiện đại hóa, bảo đảm tính thống nhất chính xác, kịp thời trong hoạt động khí tượng thủy văn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh quốc gia.

 ​Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp

Thảo luận về nội dung này, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, Ban soạn thảo cần xem xét hoàn thiện quy định về xã hội hóa trong lĩnh vực khí tượng thủy văn bảo đảm tính thống nhất với Luật đầu tư 2014 và Luật giá 2012. Cụ thể, hoạt động kinh doanh cung cấp dịch vụ khí tượng thủy văn cần được dự thảo Luật quy định là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện song ngành nghề này lại không nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư 2014. Đồng thời, việc định giá dịch vụ khí tượng thủy văn trong trường hợp dịch vụ do tổ chức, cá nhân thực hiện cũng chưa được quy định cụ thể. Trong khí đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng, dự thảo Luật cần bổ sung quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ khí tượng thủy văn để việc thực hiện và quản lý vấn đề này được hiệu quả.

Về bảo đảm an toàn hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn, nhiều đại biểu đã chỉ ra thực trạng hiện nay các vi phạm hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn đang trở nên phổ biến, công tác thanh tra, kiểm tra không được thực hiện, xử lý một cách triệt để. Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Hữu Đức cho rằng, cần bố sung quy định về trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ công trình khí tượng thủy văn. Đồng thời, dự thảo Luật cần quy định rõ chế tài xử lý vi phạm nhằm tăng cường tính răn đe trong bảo vệ hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn.

Cũng tại phiên họp, một số đại biểu nhận định dự thảo Luật được xây dựng công phu, các nội dung tương đối hoàn thiện song vấn đề quan trong là tăng cường hiệu quả thực thi của Luật trong thực tiễn. Do đó, các quy định về điều khoản thi hành, tổ chức quản lý, chế tài xử lý vi phạm cần được quy định rõ ràng, cụ thể, hạn chế bớt các nội dung đưa Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thi hành.

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nhất trí cao với các ý kiến đóng góp của các vị đại biểu. Các ý kiến đều tương đối thống nhất đánh giá cao công tác chuẩn bị, xây dựng dự án Luật và đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 38 tới. Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các vị đại biểu quốc hội để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật để có thể trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp gần nhất.

Bảo Yến