Quy định cụ thể về bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng

24/06/2015

Sáng 24/6, thảo luận tại hội trường về dự án Luật an toàn thông tin, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại mặt trái của phát triển công nghệ thông tin trong việc xâm phạm các thông tin cá nhân gây ra tác hại lớn đến đời sống người dân. Tuy nhiên, các quy định điều chỉnh về vấn đề này trong dự thảo Luật an toàn thông tin còn hời hợt. Do đó, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu làm rõ thêm các nội dung về bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng trong dự thảo Luật.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải-Hòa Bình                                                                                                   Ảnh: Văn Bình

Nội dung bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng được quy định tại Chương 3 của dự thảo Luật gồm 5 điều với các nội dung về nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng; thu thập và sử dụng thông tin cá nhân; cập nhật, sửa đổi và hủy bỏ thông tin cá nhân; bảo đảm an toàn thông tin cá nhân; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong bảo vệ thông tin cá nhân.

Theo các đại biểu, thông tin cá nhân người dùng kê khai trước khi sử dụng dịch vụ nếu không được bảo mật hợp lý sẽ là mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng khai thác trái phép.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường-Hà Nội, Đỗ Mạnh Hùng-Thái Nguyên, Nguyễn Thanh Phương-Cần ThơMa Thị Thúy-Tuyên Quang bày tỏ sự bất an khi truy cập mạng internet bởi cùng với xu thế phát triển internet và mạng viễn thông, hiện tượng mất an toàn thông tin diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi và khó ứng biến. Tình hình mất an toàn thông tin số đã gây ra tổn thất lớn cho các cá nhân và tổ chức, thậm chí gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế, chính trị và xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương- TP Cần Thơ                                                                                                             

Các đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần quy định nhà cung cấp dịch vụ phải công khai, minh bạch các ứng dụng cung cấp cho người sử dụng dịch vụ. Trong các hành vi bị nghiêm cấm, cần bổ sung hành vi xử lý thông tin riêng, thông tin cá nhân trái pháp luật. Bên cạnh đó, tổ chức cá nhân phải có trách nhiệm cách ly hệ thống của mình khi phát hiện phần mềm độc hại trên hệ thống; việc ứng cứu thông tin phải có quy trình, kịch bản xử lý sự cố an toàn thông tin.

Đánh giá về dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thanh Hải-Hòa Bình cho rằng, việc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng chỉ thể hiện ở 5 điều luật là chưa thật sự đầy đủ, chưa bao quát hết, đặc biệt việc bảo vệ thông tin riêng và những thông tin khác liên quan tới thông tin riêng còn chưa được quy định rõ ràng. Đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo cần bổ sung thêm quy định bảo vệ thông tin riêng trên mạng vào Chương 3 của dự thảo luật, đổi tên Chương 3 thành: Bảo vệ thông tin cá nhân, thông tin riêng trên mạng. Đồng thời bổ sung thêm vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật tại điều 1: Hoạt động về an toàn thông tin gồm an ninh thông tin trên mạng, bảo vệ thông tin cá nhân, thông tin riêng trên mạng.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thanh Phương- TP Cần Thơ cho rằng, quy định tại Điều 31 của dự thảo Luật về đảm bảo an toàn thông tin cá nhân về các điều kiện đối với tổ chức, cá nhân xử lý thông tin, cá nhân và các biện pháp xử lý khi xảy ra hay có nguy cơ xảy ra sự cố kỹ thuật dẫn đến mất an toàn thông tin là chưa đủ các điều kiện ràng buộc để đảm bảo an toàn thông tin. Vì thế, cần có một khoản quy định đối với các cá nhân, tổ chức có yêu cầu thu thập thông tin cá nhân phải được kiểm tra và chứng nhận điều kiện đảm bảo an toàn thông tin trước khi tiến hành thu thập thông tin cá nhân.

Đại biểu Chu Đức Quang-Lạng Sơn                                                                                                                            

Đại biểu Chu Đức Quang-Lạng Sơn nhận xét, dự thảo Luật chưa có các quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong việc thu thập sử dụng thông tin cá nhân, cũng như chế tài xử lý đối với các hành vi, vi phạm trong lĩnh vực này. Các quy định liên quan trong dự thảo Luật mới tập trung vào việc bảo vệ các thông tin cá nhân trên mạng được nắm giữ và xử lý bởi các tổ chức cá nhân với mục đích thương mại, kinh doanh. Do vậy, chưa thể hiện được một cách toàn diện trách nhiệm của tất cả các bên liên quan trong việc bảo vệ, bảo đảm an toàn đối với từng loại thông tin này.

Bày tỏ lo ngại trước cảm giác bất an khi truy cập mạng cũng như nguy cơ truy cập của mình bị người khác kiểm soát, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng-Thái Nguyên kiến nghị dự thảo Luật cần nghiên cứu, bổ sung nội dung các nhà cung cấp dịch vụ phải công khai minh bạch những ứng dụng, những liên kết trong thông tin mạng cho người sử dụng dịch vụ; cũng như tập trung điều chỉnh vào những hành vi thu thập, sử dụng, lưu trữ thông tin cá nhân trên mạng, kể cả mục đích thương mại và phi thương mại nhằm hạn chế những việc truy cập sử dụng trái phép thông tin của người khác.

Bảo Yến