Huy động nguồn lực xã hội đầu tư công nghệ hiện đại cho khí tượng thủy văn

10/06/2015

Chiều 10/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật khí tượng thủy văn.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang                                                                  Ảnh: Đình Nam

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật khí tượng thủy văn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết, qua tổng kết, đánh giá việc thi hành pháp luật về khí tượng thủy văn giai đoạn 1994 - 2014 cho thấy, các văn bản quy phạm pháp luật về khí tượng thủy văn hiện tại chưa đầy đủ và không có hệ thống nên đã không bao quát được các hoạt động khí tượng thủy văn đang ngày càng phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình khí tượng thủy văn ban hành đã quá lâu, một số quy định của Pháp lệnh không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay như quy định về “Hành lang an toàn kỹ thuật công trình khí tượng thuỷ văn”. Điều đó dẫn đến thực tế việc vi phạm hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thuỷ văn rất phổ biến, công tác thanh tra, kiểm tra không thể xử lý được triệt để.

Bên cạnh đó, hiện nay chưa có đủ cơ sở pháp lý để quản lý thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn như một loại hàng hóa; dịch vụ khí tượng thủy văn chưa phát triển, chưa tương xứng với tiềm năng, giá trị mà hoạt động khí tượng thủy văn đem lại; chưa có cơ chế huy động sự tham gia của khu vực tư nhân, doanh nghiệp đầu tư, tham gia một số khâu hoạt động của lĩnh vực khí tượng thủy văn... Đây là những vấn đề cần sớm được văn bản luật điều chỉnh.

Do đó, việc xây dựng và ban hành Luật khí tượng thủy văn là cần thiết. Luật sẽ tạo ra bước thay đổi quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về khí tượng thuỷ văn; bảo đảm điều kiện cho hoạt động khí tượng thuỷ văn phát triển, cung cấp và sử dụng thông tin khí tượng thuỷ văn trong các lĩnh vực kinh tế xã hội có hiệu quả.

Luật khí tượng thủy văn được ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khí tượng thủy văn trong công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.

Dự thảo Luật khí tượng thủy văn trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 gồm 11 chương và 61 Điều quy định về hoạt động khí tượng thủy văn gồm: quan trắc; dự báo, cảnh báo; thông tin, dữ liệu; phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn; giám sát biến đổi khí hậu; tác động vào thời tiết và quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khí tượng thủy văn.

Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN và MT Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật                                                           

Tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật khí tượng thủy văn, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội do Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng trình bày cho rằng, việc ban hành Luật khí tượng thủy văn sẽ tạo ra những thay đổi cơ bản trong công tác quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn; huy động được nhiều nguồn lực từ xã hội đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại cho khí tượng thủy văn.

Tuy nhiên, dự thảo Luật có quá nhiều các điều khoản giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ tài nguyên và môi trường các bộ ngành hữu quan hướng dẫn chi tiết thi hành. Vì vậy, cần nghiên cứu, cụ thể hóa hơn nữa những điều khoản này trong luật.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng cho biết, một số nội dung cần xin ý kiến Quốc hội như: quản lý, khai thác mạng lưới trạm khí tượng thủy văn; dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; hoạt động phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn và những nội dung xã hội hóa trong hoạt động khí tượng thủy văn; giám sát biến đổi khí hậu…

Luật khí tượng thủy vấn sẽ được Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận tổ vào ngày 16/6 và thảo luận toàn thể tại hội trường vào chiều 24/6.