Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết, Pháp lệnh giống vật nuôi được ban hành năm 2004 đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến quan trọng về năng suất, chất lượng giống, cơ cấu, chủng loại giống vật nuôi trong ngành nông nghiệp; tạo tiền đề cho phát triển ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô trang trại.
Tuy nhiên, sau 11 năm thực hiện, nhiều quy định của pháp lệnh giống vật nuôi đã bộc lộ những bất cập, không phù hợp với sự phát triển Khoa học và Công nghệ, năng lực của doanh nghiệp trong nước và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là khi Việt Nam tham gia Tổ chức thương mại thế giới, Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương.
Hiện tại, giống vật nuôi trong nước mới đảm bảo kiểm soát về nguồn gốc, phẩm cấp giống sản xuất trong nước khoảng 40%, số còn lại là giống nhập khẩu hoặc giống trôi nổi, tự sản xuất trong dân; năng suất giống tổng thể giống của nước ta còn thấp; hạ tầng kỹ thuật cho hệ thống nghiên cứu chọn tạo giống vật nuôi còn hạn chế.
Thêm vào đó, chăn nuôi nông hộ chiếm 70% nên việc lai tạo giống còn tùy tiện, trên 90 trang trại giống tư nhân không thực hiện khai báo chính quyền địa phương nên việc kiểm soát chất lượng giống vật nuôi còn gặp nhiều khó khăn…
Do vậy, việc sửa đổi pháp lệnh Giống vật nuôi là cần thiết để đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế và giống là khâu tiên quyết trong việc nâng cao hiệu quả chất lượng, hiệu quả chăn nuôi.
Hội thảo nhằm mục đích thảo luận, góp ý kiến cho dự thảo Pháp lệnh để có một văn bản pháp luật về giống bảo đảm có tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu quản lý giống vật nuôi trong bối cảnh mới với những yêu cầu và thách thức mới.
Tại Hội thảo, đa số các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Pháp lệnh giống vật nuôi là thực sự cần thiết. Tuy nhiên, cần phải xem xét kỹ để đảm bảo tính thống nhất với các văn bản pháp luật hiện hành, tính chính xác và khoa học của các thuật ngữ được giải thích, sự phù hợp và logic với các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Đồng thời, các đại biểu cũng thảo luận về việc điều chỉnh các quy định đối với giống vật nuôi là “thú cưng”, “động vật cảnh” phục vụ cho lĩnh vực vui chơi giải trí, chim yến, động vật nguy cấp quý hiếm nuôi theo công ước CITES …
Về nguyên tắc trong hoạt động giống vật nuôi, các đại biểu cho rằng, cần bổ sung nội dung phù hợp với tiến bộ Khoa học và Công nghệ và trình độ sản xuất trong nước trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài.
Những ý kiến đóng góp tại Hội thảo sẽ Ban soạn thảo ghi nhận, hoàn thiện dự án Pháp lệnh giống vật nuôi (sửa đổi); Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ sớm có báo cáo thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào phiên họp tháng 8/2016.