LẤY Ý KIẾN GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ LUẬT ĐÊ ĐIỀU

29/08/2019

Ngày 28/8, tại Tp.Hồ Chí Minh, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức lấy ý kiến cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, đối với các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Chủ nhiệm Uỷ ban Phan Xuân Dũng chủ trì hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo 

Đánh giá kỳ góp ý sửa đổi Luật lần này, đa số các đại biểu, các nhà quản lý, nhà khoa học tham gia hội thảo đều nhận định là rất cần thiết. Các đại biểu đều cho rằng hội thảo góp ý dự thảo Luật lần thứ 5 đã có nhiều tiến bộ khi nhiều ý kiến từ lần góp ý trước đã được ban soạn thảo tiếp thu và đưa vào văn bản kịp thời. Tuy nhiên, các đại biểu vẫn tiếp tục nêu lên một số vấn đề chung cần xem xét của dự thảo này, như: Cần quy định cơ chế thu - chi, hoạt động rõ ràng đối với Quỹ Phòng, chống thiên tai tại các tỉnh; Bổ sung thêm quy định về "công tác ứng biến với tình trạng thiên tai khẩn cấp" để đảm bảo tính nhanh chóng khi có thiên tai xảy ra; Cần quan tâm, bổ sung mức đãi ngộ cho các cán bộ kiêm nhiệm vai trò trong Ban chỉ đạo Phòng, chống thiên tai tại địa phương vào luật; Tăng cường công tác di dời, tái định cư hậu thiên tai cho người dân; Cần phân loại, phân cấp thiên tai để có sự chỉ đạo, hỗ trợ xử lý kịp thời từ các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương ...

Ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc Hội tỉnh Bến Tre – phát biểu: “Phòng, chống thiên tai phải quán triệt từ trên xuống dưới, phải quán triệt rõ ràng, hiện tại chỉ mới dừng ở mức chủ động phòng ngừa, chưa mang tinh thần quản lý công việc này như thế nào. Phải xác định việc quản trị công việc Phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ của mỗi quốc gia. Phòng, chống thiên tai khi có cháy người ta chữa, chữa xong người ta tìm ra nguyên nhân, truy tố. Bây giờ lũ lụt cũng gây ra thiệt hại, khi tìm ra nguyên nhân rồi thì phải xử lý, không thấy điều tra gì cả mặc dù luật chúng ta có rồi. Nếu không làm được thì xem như luật đang thiếu, chúng ta cần phải đưa vào bổ sung đợt này ... Mà phạt thì phạt như thế nào? Nếu mức thiệt hại lớn bao nhiêu thì sẽ phạt tương tự bao nhiêu phần trăm...”

Về Luật Đê điều, đa số đại biểu đồng tình với các nội dung sửa đổi trong dự thảo. Tuy nhiên, lại có ý kiến cho rằng chưa cần thiết góp ý Luật Đê điều trong thời điểm này và chỉ cần tập trung vào Luật Phòng, chống thiên tai. Ông Trịnh Công Vấn - Viện Đổi mới công nghệ Thủy lợi Mekong – nêu ý kiến: “Không nên đưa Luật Đê điều vào sửa thời điểm này, hãy làm tốt Luật Phòng, chống thiên tai, điều chỉnh sửa chữa cho thật tốt để Luật Phòng, chống thiên tai hoạt động có hiệu quả trong cuộc sống. Vì Luật Đê điều từ năm 2007 đến giờ thì có rất nhiều điều không còn phù hợp nữa, đặc biệt là Đồng bằng song Cửu Long. Theo tôi nên tách ra, chỉ cần điều chỉnh những gì liên quan đến Luật Phòng, chống thiên tai cho thật hiệu quả.”

Qua 4 bài tham luận và 7 ý kiến tham luận tại buổi hội thảo, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội Phan Xuân Dũng đánh giá cao những đóng góp thiết thực, có chiều sâu của các đại biểu cho dự án luật sửa đổi của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều. Hứa hẹn góp phần giúp bộ luật được điều chỉnh cụ thể và phù hợp thực tế hơn trong thời gian tới. Các đóng góp ý kiến của các đại biểu tham gia hội thảo sẽ được Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường ghi nhận và trình Quốc hội trong phiên họp tới./.

Vũ Thạch