CẦN THIẾT PHẢI BAN HÀNH LUẬT CHĂN NUÔI

14/06/2018

Chiều 14/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Chăn nuôi. Đa số ý kiến ĐBQH đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Chăn nuôi để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất theo quy mô lớn, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Quốc hội thảo luận tại phiên họp toàn thể tại Hội trường về dự án Luật Chăn nuôi

Phát biểu đầu tiên trong phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Như So - Bắc Ninh cho rằng việc ra đời Luật Chăn nuôi không chỉ đáp ứng được sự mong đợi của các cơ quan quản lý và người chăn nuôi, với hành lang pháp lý khá đầy đủ mà còn là cơ sở tổ chức lại ngành chăn nuôi theo chuỗi liên kết hiện đại, chuyên nghiệp và gắn với thị trường.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang - Vĩnh Long chia sẻ, hiện nay ngành chăn nuôi đã thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng trong nông nghiệp, việc sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi đã có nhiều biến động và thay đổi lớn. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa điều chỉnh, bao quát hết các hành vi thực tế sản xuất, kinh doanh, nhất là ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, vấn đề quy hoạch, định hướng và xử lý chất thải, bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, v.v.. cho thấy cần thiết phải có sự điều chỉnh pháp luật tương ứng để tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc tổ chức sản xuất, phát triển bền vững trong lĩnh vực chăn nuôi.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang nhấn mạnh, Luật sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc tổ chức sản xuất, phát triển bền vững lĩnh vực chăn nuôi

Đại biểu Mai Sỹ Diến - Thanh Hoá cho hay, qua báo cáo tổng kết thực hiện pháp lệnh và các văn bản pháp quy về lĩnh vực chăn nuôi cho thấy, Pháp lệnh Giống vật nuôi hiện nay mới điều chỉnh khoảng 10% lĩnh vực chăn nuôi, còn 90% lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi khác đang cần có văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh.

Trong khi đó ngành chăn nuôi thời gian qua cũng đang có nhiều tồn tại như dịch bệnh lở mồm long móng, cúm gia cầm, dịch tai xanh. Vấn đề chăn nuôi trong khu vực dân cư, chăn nuôi tập trung gây ô nhiễm môi trường đang là nỗi bức xúc của nhân dân và khó khăn trong khâu quản lý của nhà nước, tốn kém ngân sách trong khắc phục, xử lý. Thức ăn kém chất lượng, không đảm bảo tiêu chuẩn quy định đang ngoài tầm kiểm soát đối với lĩnh vực cung ứng nhỏ lẻ. Chưa kiểm soát được việc sử dụng kháng sinh, chất cấm trong thức ăn chăn nuôi. Trong chăn nuôi có những thời kỳ phải tổ chức giải cứu bởi cung vượt quá cầu đã cho thấy tính dự báo thị trường còn hạn chế. Trong lĩnh vực giết mổ và chế biến, mặc dù đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhưng vẫn chậm phát triển, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nơi giết mổ nhỏ lẻ là nơi phát sinh dịch bệnh tiêu thụ sản phẩm chậm, người chăn nuôi thô lỗ. Do vậy, việc Chính phủ trình Quốc hội thảo luận và ban hành Luật Chăn nuôi là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển chăn nuôi trong thời gian tới.

Đại biểu Mai Sĩ Diến cho rằng, Luật chăn nuôi sẽ góp phần giải quyết những bất cập trong hoạt động chăn nuôi thời gian qua

Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Tất Thắng - Vĩnh Long cũng cho rằng hiện này khuôn khổ pháp lý cho ngành chăn nuôi là chưa đủ để điều chỉnh khi mà Việt Nam là quốc gia có nền nông nghiệp phát triển lâu đời, có nhiều thế mạnh để phát triển chăn nuôi. Nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp lớn với 51,4% tổng số lao động nông thôn trong nông, lâm, thủy sản. Việt Nam được đánh giá là tiềm năng phát triển chăn nuôi bền vững, tính đến tháng 10/2017 đàn trâu cả nước có 2,5 triệu con, đàn bò 5,7 triệu con, đàn lợn 27,4 triệu con, có 385,5 triệu con gia cầm tăng 6,6%. Quy mô chăn nuôi hiện có xu hướng mở rộng vào ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong chọn, tạo giống thức ăn chăn nuôi đã được chú trọng đầu tư.

Theo đại biểu Phạm Tất Thắng việc ban hành Luật Chăn nuôi bên cạnh việc tạo hành lang pháp lý để phát triển chăn nuôi, luật cần đảm bảo xây dựng một nền chăn nuôi bền vững trên cả 3 phương diện: Một là tăng trưởng ổn định về kinh tế; Hai là nâng cao đời sống người dân; Ba là đảm bảo giữ gìn môi trường sinh thái và phúc lợi cho vật nuôi.

Ngoài ra tại phiên họp, nhiều ý kiến các vị đại biểu Quốc hội đóng góp về phạm vi điều chỉnh của luật, khái niệm, từ ngữ, danh mục vật nuôi, quản lý giống vật nuôi, quản lý thức ăn chăn nuôi, quản lý hoạt động chăn nuôi, quản lý môi trường chăn nuôi, chất thải trong chăn nuôi và các chính sách của Nhà nước về chăn nuôi cũng như trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương.

Theo đại biểu Phạm Tất Thắng, Luật Chăn nuôi sẽ tạo hành lang pháp lý để phát triển chăn nuôi

Một số ý kiến cho rằng Dự thảo Luật quy định quá nhiều nội dung về cấp phép, cho phép; băn khoăn về tính khả thi của các quy định về khảo nghiệm giống vật nuôi, công nhận giống vật nuôi mới, xuất khẩu, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, hành nghề chăn nuôi, khảo nghiệm chế phẩm xử lý chất thải chăn nuôi... trong bối cảnh hạn chế về nguồn lực và tinh giảm biên chế hiện nay. Do đó, đề nghị nghiên cứu để Luật này điều chỉnh các hoạt động trong chăn nuôi, quy định tập trung những nội dung về quản lý nhà nước hoặc đưa vào trong điều kiện từng lĩnh vực.

Một số ý kiến cho rằng Dự thảo Luật chủ yếu tập trung ở hai khâu là chăn nuôi và sản xuất nhưng chưa đủ nội hàm của 2 khâu tiếp theo là bảo quản, chế biến và xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi nên chưa giải quyết được mối quan hệ gắn bó giữa bốn khâu này. Do đó, đề nghị bổ sung một chương hoặc một số điều quy định về chế biến, bảo quản, mua bán và tiêu dùng để phát triển chăn nuôi bền vững, theo chuỗi. Đề nghị bổ sung quy định, cơ chế chính sách để phát triển thị trường trong phần quản lý nhà nước, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu trong chăn nuôi. Đề nghị tập trung xây dựng các cơ chế thông thoáng để người chăn nuôi, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được các nguồn hỗ trợ và đặc biệt các khâu có ý nghĩa quan trọng như nghiên cứu, ứng dụng giống tốt, công nghệ nuôi tiên tiến, nghiên cứu thông tin thị trường. Đề nghị bổ sung khuyến khích việc chăn nuôi tập trung, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn, vừa đảm bảo được các điều kiện để phát triển giống.

Các đại biểu đề nghị rà soát lại dự thảo luật, nghiên cứu, hoàn chỉnh để đảm bảo bao quát tất cả những nội dung cần điều chỉnh để quy định thật đầy đủ, rõ ràng, tránh chồng chéo và mang tính khả thi cao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận nội dung thảo luận

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, các ý kiến góp ý của các vị đại biểu Quốc hội đã được Ban Thư ký Quốc hội, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo ghi chép và phản ánh đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến hoàn thiện dự thảo luật xin gửi ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 6.

Bảo Yến - Nhóm ảnh