Tham dự phiên họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường; đại diện Văn phòng Chính phủ; Bộ Tư pháp; đại diện lãnh đạo các cơ quan tổ chức hữu quan cùng các thành viên Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội.
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, thực hiện chương trình công tác năm 2019 và chuẩn bị cho chương trình nghị sự của Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội XIV sẽ khai mạc vào ngày 21/10/2019, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 10 để xem xét các nội dung: thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Đồng thời, cho ý kiến về tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách năm 2019, dự kiến nhiệm vụ, ngân sách năm 2020 cho khoa học công nghệ.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Mội trường Phan Xuân Dũng, đối với 02 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều, đã được Thường trực Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra sơ bộ và báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 9/2019. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cho phép trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Tại Phiên họp toàn thể Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường lần này, Ủy ban sẽ thẩm tra chính thức để trình Quốc hội.
Đối với nội dung nghe Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách cho Khoa học và công nghệ và bảo vệ môi trường năm 2019, phương hướng, nhiệm vụ năm 2020. Đây là cơ sở để các vị Đại biểu Quốc hội thảo luận về kinh tế – xã hội tại Kỳ họp thứ 8, và cũng là đóng góp ý kiến cho Chính phủ trong công tác quản lý nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Sau Phiên họp này, Thường trực Ủy ban sẽ tiếp thu, hoàn thiện báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính và Ngân sách để tổng hợp báo cáo Quốc hội.
Tại phiên làm việc buổi sáng, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tiến hành thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.
Cổng Thông tin điện tử trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên thẩm tra:
Toàn cảnh Phiên thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều của Ủy ban khoa học, Công nghệ và Môi trường
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều. Tại Tờ trình nêu rõ, Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều và các văn bản hướng dẫn các Luật này đã tạo hành lang pháp lý trong công tác phòng chống thiên tai, công tác quản lý đê điều, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình thi hành các Luật đã phát sinh một số bất cập, vướng mắc lớn, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình hiện nay.
Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, cho rằng, mặc dù thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường nhưng hiện nay thiên tai lại là hiện tượng thường xuyên. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc định nghĩa lại về khái niệm “thiên tai” đồng thời đề xuất, đổi tên Luật là "Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng, thích ứng thiên tai" cho phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, cơ bản tán thành phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị, có một số vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu phòng chống thiên tai và quản lý đê điều như: cơ chế khai thác, sử dụng đầu tư xây dựng công trình đê điều, công trình phòng chống thiên tai cho phát triển kinh tế - xã hội; kiện toàn, nâng cao năng lực tổ chức, chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiê tai và tìm kiếm cứu nạn; vấn đề đẩy mạnh giải pháp khoa học và công nghệ trong phòng chống thiên tai;...
Đại biểu Đinh Duy Vượt, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đề điều nhằm khắc phục những bất cập, vướng mắc lớn phát sinh trong thực tiễn thi hành 02 Luật và đảm bảo phù hợp, thống nhất với một số Luật khác...
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đề nghị Ban soạn thảo cần đánh giá việc xây dựng công trình ở "bãi nổi", "cù lao" có ảnh hưởng đến an toàn đê điều hay không để quy định loại trừ như tại khoản 5 Điều 7 Luật Đê điều; làm rõ "các hoạt động khác gây cản trở dòng chảy và thoát lũ nhưng không có biện pháp xử lý khắc phục" quy định tại khoản 10 Điều 7 Luật Đê điều.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, cho rằng, tại khoản 4 Điều 8 Luật Phòng chống thiên tai, để có thêm nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cho công tác phòng chống thiên tai, Ban soạn thảo cần có điều khoản quy định cụ thể hơn về nguồn tài chính này (như từ nguồn đầu tư của tổ chức, các nhân; từ việc khai thác, sử dụng các công trình phòng chống thiên tai do nhà nước đầu tư, từ hợp tác công tư…)...
Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, cho rằng quy định về bổ sung Quỹ Phòng, chống thiên tai ở Trung ương do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông quản lý để tiếp nhận nguồn hỗ trợ nhân đạo phi Chính phủ từ quốc tế cần có lý lẽ minh chứng chặt chẽ, thuyết phục hơn về tính hiệu quả của Quỹ...
Một số Đại biểu Quốc hội là thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tham dự Phiên họp Thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.
Đại biểu Mai Sỹ Diến, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, cho rằng việc thành lập Quỹ Phòng, chống thiên tai Trung ương là cần thiết. Khi có Quỹ sẽ giúp tăng cường thêm nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, đặc biệt là nguồn lực quốc tế cho công tác phòng chống thiên tai ở Việt Nam và giúp điều phối nguồn lực giữa các Quỹ trong nước được hợp lý. Đồng thời đề nghị cần làm rõ nguồn thu của Quỹ; cơ chế sử dụng Quỹ để không trùng lặp, chồng chéo với nguồn tài trợ, hỗ trợ theo Luật Ngân sách nhà nước...
Kết luận phiên làm việc sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều trong bối cảnh hiện nay. Qua hơn 13 ý kiến phát biểu trực tiếp tại Phiên họp, các ý kiến đại biểu đã tập trung phân tích, mổ xẻ nhiều vấn đề trọng tâm của dự án Luật. Những ý kiến phát biểu tại Phiên họp cũng cho thấy, dự án Luật được chuẩn bị tương đối công phu; đã thể chế chủ trương, đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước trong phòng chống thiên tai, quản lý đê điều và nội luật hóa các cam kết, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam tham gia...