Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 5

27/04/2017

Sáng 27/4, tại thành phố Đà Nẵng, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 5, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng. Cùng tham dự phiên họp có Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp, Phát triển và Nông thôn Hà Công Tuấn, đại diện Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, trong phiên họp này, các đại biểu sẽ cho ý kiến để thẩm tra về các dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Nghe báo cáo về quá trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Thủy lợi, Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), Luật Đường sắt (sửa đổi) và nghe báo cáo tình hình thực hiện giám sát chuyên đề “Về chính sách pháp luật về An toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016”.

Hai dự án Luật Thủy sản (sửa đổi) và Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) đã được Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra sơ bộ để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 3 vừa qua. Nghiên cứu ý kiến của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra, Ban soạn thảo đã có ý kiến giải trình, tiếp thu và sẽ báo cáo với Ủy ban tại phiên họp này. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ thẩm tra và có báo cáo chính thức để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3.

Đối với 03 dự án luật trình Quốc hội thông qua là Luật Thủy lợi, Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), Luật Đường sắt (sửa đổi). Sau Kỳ họp thứ 2, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2. Dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý đã được báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội. Tại Phiên họp toàn thể Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường lần này, Thường trực Ủy ban và Ban soạn thảo sẽ báo cáo với Ủy ban những nội dung chính tiếp thu và chỉnh lý dự thảo để các vị đại biểu Quốc hội có thêm thông tin, tiếp tục nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật tại Kỳ họp thứ 3 sắp tới. Trên cơ sở đó, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật để trình Quốc hội thông qua.

Đối với giám sát chuyên đề về an toàn thực phẩm, đây là giám sát chuyên đề tối cao đầu tiên của Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XIV. Trưởng đoàn giám sát là Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, bộ phận Thường trực cho Đoàn giám sát là Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, trong 5 tháng qua đã thực hiện giám sát tại các bộ ngành liên quan, làm việc với Chính phủ và các bộ Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đi khảo sát tại 210 cơ sở thuộc 08 loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm của 21/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Đoàn giám sát đã hoàn thành Báo cáo kết quả giám sát và báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4 vừa qua, hiện nay đang tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện báo cáo ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3. Tại phiên họp lần này, đại diện Thường trực Ủy ban, thành viên của Đoàn giám sát sẽ báo cáo những nội dung chính, quan trọng của hoạt động giám sát để các đại biểu Quốc hội có thêm thông tin, phục vụ cho việc tham gia thảo luận tại Kỳ họp Quốc hội.

Nhiệm vụ đặt ra của phiên họp là làm rõ được những vấn đề trọng tâm, cốt lõi của các dự án Luật, cũng như những nội dung cần thiết nhất để đưa vào Nghị quyết giám sát về an toàn thực phẩm, để có được bước đổi mới căn bản về chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực này, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, thực hiện thành công công cuộc Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước.

Phiên họp diễn ra trong hai ngày, 27-28/4.

Đặng Mai