Tham dự Hội nghị còn có đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các Bộ ngành, các chuyên gia nhà khoa học, bác sỹ trong nước và quốc tế; đại diện các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết amiăng trắng tồn tại trong tự nhiên trên 2/3 bề mặt vỏ trái đất từ hàng nghìn, hàng triệu năm qua, được ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp và xây dựng khác nhau. Với những tính năng ưu việt vượt trội amiăng trắng được coi là loại nguyên liệu đầu vào hữu ích cho hơn 3000 sản phẩm. Tuy nhiên, cũng như một số nước trên thế giới, Việt Nam tồn tại một số quan điểm trái chiều liên quan đến việc có nên tiếp tục cho phép sử dụng amiang trắng một cách an toàn và có kiểm soát hay cấm sử dụng loại sợi này do lo ngại khả năng amiăng trắng gây ung thư cho con người khi tiếp xúc.
Những tranh cãi về việc sử dụng amiăng trắng đã bắt đầu được đề cập cách đây 20 năm và tiếp tục kéo dài đến nay tạo nên sự hoang mang trong dư luận. Trước tình hình như vậy, các doanh nghiệp có sử dụng sợi amiăng trắng trong sản xuất vật liệu xây dựng, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất tấm lợp fibro xi măng có truyền thống tới hàng chục năm nay đang hoạt động trong bế tắc, lo lắng, cầm chừng.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đặt vấn đề, vậy việc sử dụng loại sợi này như thế nào trong đời sống xã hội Việt Nam, thực tế những nghiên cứu khoa học về ảnh hưởng của sợi đến sức khỏe con người ra sao? Đề xuất ban hành cấm sử dụng hay sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam như thế nào là hợp lý, khả thi, khách quan và minh bạch?
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, với quan điểm bảo vệ sức khỏe con người là quan trọng nhất, chúng ta cần tập trung thảo luận, đánh giá một cách khoa học, toàn diện những tác động của amiăng trắng đối với sức khỏe con người và môi trường. Trên cơ sở đó, sẽ đề nghị xây dựng các chính sách quản lý và chương trình hành động quốc gia sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, người lao đông, sản xuất, bảo đảm ổn định chính trị, xã hội, bảo đảm niềm tin của người dân vào chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước và cam kết của Việt Nam với quốc tế. Vì vậy, những ý kiến góp ý có cơ sở khoa học, kinh nghiệm của các nhà khoa học, các nhà quản lý tại Hội nghị sẽ là cơ sở để kiến nghị xây dựng chính sách, pháp luật về việc sử dụng amiăng trong thời gian tới.
Đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng chính sách đối với amiăng trắng tại Việt Nam
Trước đó, một số hiệp hội, doanh nghiệp và chuyên gia đã có kiến nghị về việc sử dụng amiang trắng tại Việt Nam. Tại Hội nghị lần này, đại diện Hội vật liệu xây dựng Việt Nam, Hiệp hội tấm lợp Việt Nam và một số doanh nghiệp tiếp tục đề nghị chưa phê duyệt lộ trình cấm sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam vào năm 2020 như đề xuất của Bộ Y tế trong Tờ trình và Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Kế hoạch Hành động Quốc gia loại trừ các bệnh có liên quan đến amiăng giai đoạn 2020 và định hướng đến năm 2030”. Kiến nghị, trên cơ sở căn cứ vào điều kiện khí hậu, điều kiện kinh tế, mức sống của người dân, thực trạng sử dụng amiăng trắng của các nước trên thế giới, trong khu vực và Việt Nam, cân nhắc kỹ lưỡng, tiếp tục chấp thuận đề xuất của các Bộ, ngành về các chính sách đối với amiăng trắng đã được quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Điều 7 của Luật đầu tư; Điều 32, Nghị định 24a/2016/NĐ-CP về quản lý vật liệu xây dựng và Quyết định của Thủ tướng số 1469/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Đồng thời đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu về ảnh hưởng của amiăng trắng đến sức khỏe con người; về vật liệu thay thế và công nghệ sản xuất tấm lợp không amiăng để có được cách tiếp cận xử lý chính xác, đáp ứng đúng tinh thần quy định của Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư và các văn bản có liên quan. Căn cứ vào kết quả nghiên cứu với sự tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng để xây dựng chính sách sử dụng amiăng trắng hợp lý, an toàn, hiệu quả.
Cần có đánh giá toàn diện quy định pháp luật và thực tiễn
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Hồng Tịnh cho biết, qua khảo sát thực tế của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Ủy ban Về các vấn đề xã hội tại các tỉnh Nam Định, Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Yên Bái… và nghiên cứu thực tế cho thấy tại Việt Nam, amiăng trắng được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp ứng dụng như sản xuất vật liệu chống ma sát; sản xuất phân lân nung chảy làm phân NPK, nồi hơi, đóng và sửa chữa tàu thủy, các sản phẩm cho quân đội, an ninh quốc phòng. Đặc biệt ngành sản xuất tấm lớp fibro xi măng trong nước đáp ứng 62% nhu cầu tấm lớp hàng năm cho bà con thu nhập thấp. Loại tấm lợp này đã góp phần hiệu quả vào các chương trình xóa đói giảm nghèo của Chính phủ. Vì vậy, nhóm khảo sát của hai Ủy ban cho rằng đề xuất cấm sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam vào năm 2020 cần được xem xét một cách thấu đáo dựa trên các hiệp ước quốc tế và pháp luật hiện hành của Việt Nam. Việc cấm sử dụng amiăng trắng có thể giúp bảo vệ tốt hơn trước những rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên các quy định cấm cũng sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến các bên liên quan khác trong xã hội, đặc biệt là gánh nặng kinh tế. Theo đó, Việt Nam đi sau các nước trong việc sản xuất các sản phẩm chứa amiăng trắng do vậy có thể tiếp thu được kinh nghiệm trong việc quy định điều kiện trong sản xuất amiăng trắng cũng như các công nghệ, quy trình để bảo đảm việc sản xuất an toàn. Chính phủ cần bảo đảm sao cho việc sử dụng amiăng trắng an toàn và có kiểm soát.
Bày tỏ quan điểm của Ủy ban Về các vấn đề xã hội liên quan đến an sinh xã hội trong sử dụng và sản xuất amiăng trắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi cho biết về quan điểm chính sách trong việc sử dụng amiăng trắng cần vì người dân và sức khỏe người dân, của cộng đồng, nhìn xa trông rộng tránh hậu quả lâu dài và gắn với phát triển tiến bộ của khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Việc loại bỏ amiăng trắng cần được nhìn tổng thể cả về góc độ y tế, sức khỏe, kinh tế những cũng phải hài hòa khi nhìn từ góc độ nhà đầu tư, sản xuất và người lao động liên quan; phải có lộ trình rõ ràng và có bước chuyển tiếp để công khai và tất cả các bên đồng thuận. Bên cạnh đó, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đề nghị cần triển khai ngay các công việc như các cơ quan, tổ chức có liên quan cần ngồi lại với nhau để trao đổi, tìm ra phương án đồng thuận, các ý kiến phải khách quan và có trách nhiệm với xã hội, người dân và lợi ích quốc gia; đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước và các hiệp hội, doanh nghiệp và chính quyền địa phương phải có báo cáo đầy đủ về vấn đề này; đề nghị Chính phủ lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; cần thiết hai Ủy ban của Quốc hội sẽ tổ chức giám sát chuyên đề đề quyết định.