Hội thảo góp ý kiến cho dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi)

11/08/2017

Sáng 11/8, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo góp ý kiến cho dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi).

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phùng Đức Tiến; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đồng chủ trì Hội thảo.

Hội thảo góp ý kiến cho dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi)

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, đến nay, việc xây dựng Dự thảo Luật đã đi được hơn nửa chặng đường, Dự thảo Luật đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ Ba (5/2017), sau đó được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến tại các hội nghị, hội thảo.

Việc sửa đổi Luật Bảo vệ và phát triển rừng lần này là mốc đổi mới quan trọng trong công tác lâm nghiệp, nhằm mục tiêu thể chế hóa quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước về lâm nghiệp trong tình hình và bối cảnh mới, tập trung vào các mục tiêu: Bảo vệ tốt vốn rừng hiện có; Phát triển kinh tế lâm nghiệp; Đẩy mạnh khai thác giá trị môi trường rừng ngoài giá trị lâm sản; Tăng cường hợp tác quốc tế trong lâm nghiệp và thực hiện tốt cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; Xã hội hóa công tác quản lý lâm nghiệp.

Từ yêu cầu trên, Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) lần này cần có quy định đổi mới căn bản trong nội dung, phương thức quản lý rừng theo hướng bền vững, xác định rõ quyền, trách nhiệm chủ rừng, cơ quan quản lý nhà nước; nâng cao giá trị của rừng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và phát triển bền vững đất nước.

Dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) gồm 12 chương, 108 điều, quy định về về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản.

Tại Hội thảo, các đại biểu cùng tham gia góp ý kiến cho các nội dung của Dự thảo Luật cả về quan điểm, định hướng quản lý cũng như các nội dung cụ thể của từng điều khoản trong Dự thảo Luật để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp; khắc phục những tồn tại, bất cập trong thời gian qua. Các ý kiến thảo luận tập trung vào phạm vi điều chỉnh và tên gọi của Luật; chính sách phát triển lâm nghiệp; các vấn đề về sở hữu rừng, giao đất, giao rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng; quyền nghĩa vụ chủ rừng; các vấn đề về tổ chức quản lý rừng, đặc biệt là rừng đặc dụng, phòng hộ; khai thác, sử dụng rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng; vấn đề trách nhiệm quản lý nhà nước trong lâm nghiệp.

Về tên gọi của dự thảo Luật, nhiều đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu đổi tên Luật thành Luật Lâm nghiệp, vì khái niệm Lâm nghiệp bao hàm được đầy đủ  các nội dung đề cập trong luật chứ không chỉ giới hạn trong hai nội dung là phát triển và bảo vệ rừng như tên cũ.

Về một số nội dung cụ thể, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ các quy định về vai trò của cộng đồng dân cư nơi có rừng, theo hướng mở rộng vai trò của cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ và phát triển rừng.

Trong giải thích từ ngữ về cộng đồng dân cư, khoản 7, Điều 2 Dự thảo Luật quy định: “Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán”, các đại biểu cho rằng, cách giải thích từ ngữ như vậy có phần hạn chế nội hàm cộng đồng dân cư chỉ trong phạm vi một thôn bản mà không bao hàm được cộng đồng dân cư rộng hơn, như cộng đồng dân cư của cả xã hay gồm nhiều thôn bản. Có ý kiến đề nghị sửa đổi khoản này bằng việc bỏ địa bàn thôn bản cụ thể và thêm điều kiện là một cộng đồng dân cư khi có cùng lợi ích và mối quan tâm đến khu rừng.

Các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu lại quy định về xã hội hóa hoạt động lâm nghiệp, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của nhà nước với lợi ích của chủ rừng, cộng đồng dân cư địa phương và các tổ chức, cá nhân hoạt động lâm nghiệp. Có ý kiến đề nghị, nếu được, trong luật nên có một điều về chia sẻ lợi ích với cộng đồng dân cư địa phương ở những nơi có rừng hoặc chương về chính sách nhà nước về rừng để khuyến khích cộng đồng dân cư khu vực có rừng trong việc bảo vệ và phát triển rừng.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cần xem lại cách giải thích từ ngữ về sở hữu rừng, rừng tự nhiên, về chủ rừng… nhằm cụ thể hóa các quy định này, đảm bảo tính khả thi và tránh gây khó hiểu trong thực tế khi Luật đi vào thực thi.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu kết luận Hội thảo

Về các hình thức sở hữu rừng, khoản 2, Điều 6, quy định: “Rừng sản xuất là rừng trồng do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đầu tư; nhận chuyển nhượng, tặng cho, nhận thừa kế rừng từ chủ rừng khác theo quy định của pháp luật.” Các đại biểu cho biết, trong thực tiễn, hàng nghìn ha rừng được các cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân tự phục hồi và quản lý từ nhiều năm nay và được cộng đồng cư dân công nhận tính sở hữu đương nhiên của họ. Tuy nhiên, Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) đã không công nhận việc sở hữu này vì coi rừng này là rừng tự nhiên. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến diện tích rừng tự nhiên bị suy giảm. Vì vậy, các đại biểu đề nghị nên thêm loại rừng tự nhiên do các hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư phục hồi vào loại rừng thuộc sở hữu ngoài Nhà nước để phù hợp với thực tiễn và đáp ứng nhu cầu phát triển rừng tự nhiên.

Về quy định rừng phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ nguồn nước; rừng phòng hộ biên giới quy định tại khoản 2, điểm a, Điều 4 về phân loại rừng, có ý kiến đại biểu đề nghị nên tách rừng phòng hộ biên giới ra thành một tiểu khoản riêng, cho phù hợp với tính chất và cơ chế quản lý riêng với khu rừng phòng hộ biên giới.

Phát biểu kết luận Hội thảo, đánh giá cao các ý kiến thảo luận, góp ý xây dựng dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng khẳng định, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu đầy đủ các ý kiến, xây dựng Báo cáo thẩm tra và tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào phiên họp tháng 8/2017.

Tin và ảnh: Đặng Mai