HÌNH ẢNH TẠI HỘI THẢO ĐỊNH HƯỚNG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG HIỆU QUẢ TÀI NGUYÊN, BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, ỨNG PHÓ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU 2021-2030

20/09/2019

Để phục vụ cho công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách, đề xuất với Tiểu ban Kinh tế - xã hội chuẩn bị Đại hội Đảng khóa XIII, chiều 19/9, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức hội thảo “Định hướng quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030”. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo còn có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh/thành phố Hải Phòng, Gia Lai, Đắk Lắk, Cần Thơ…đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe và thảo luận về tham luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá việc thực hiện các mục tiêu về tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của chiến lược 10 năm 2011-2020, nguyên nhân và mục tiêu của giai đoạn 10 năm 2021-2030 và kế hoạch 5 năm 2021 – 2025; bên cạnh đó, các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông – Vận tải, Xây dựng cũng có báo cáo đánh giá việc thực hiện các mục tiêu về tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong các lĩnh vực quản lý của mình.

Dưới đây là một số hình ảnh tại hội thảo:

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu khai mạc hội thảo

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Minh điều hành nội dung thảo luận tại hội thảo

Báo cáo việc thực hiện các mục tiêu về tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của chiến lược 10 năm 2011-2020, kế hoạch 5 năm 2016-2020; mục tiêu của giai đoạn 10 năm 2021-2030, kế hoạch 5 năm 2021-2025, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nêu rõ quan điểm phát triển bền vững phải dựa trên 3 trụ cột là kinh tế - xã hội – môi trường; thực sự xem 3 nhiệm vụ kinh tế, xã hội và môi trường là nhiệm vụ trọng tâm để có những giải pháp thực hiện phù hợp, đột phá.

Trình bày tham luận "Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi tường biển ở Việt Nam", Trưởng Ban Chính sách Tổng hội Địa chất Việt Nam - TS. Phạm Ngọc Sơn, cho rằng cần sớm xây dựng và ban hành Chiến lược, khai thác sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo theo quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Quy hoạch không gian biển quốc gia theo Luật Quy hoạch để có cơ sở điều phối các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội TS.Nguyễn Đình Quyền cho rằng định hướng thời gian tới cần hạn chế giảm thiểu thấp nhất cơ chế xin cho trong cấp phép và phân bổ nhiềm vụ quyền hạn giữa trung ương và địa phương; tập trung cho công tác cán bộ nguồn nhân lực và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý.

Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương cho rằng việc đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu tài nguyên, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2011-2020 chưa đi sâu làm rõ thực trạng theo từng vùng miền, do đó cần phân tích làm rõ hơn; bày tỏ nhất trí với quan điểm khai thác hợp lý, tiết kiệm gắn với giải quyết các vấn đề xã hội, đồng thời đề nghị định hướng trong giai đoạn 10 năm tiếp theo cần thể hiện được trọng tâm là chính sách con người, nhân lực thực hiện cũng như có sự lồng ghép các chính sách với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nghiêm Vũ Khải cho rằng các định hướng quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng hiện vẫn còn nguyên tính thời sự. Do đó trong giai đoạn 10 năm tới nên đặt ra yêu cầu mới ở phương pháp, giải pháp tổ chức thực hiện.

Nêu rõ chưa có lĩnh vực nào có hệ thống văn bản chính sách pháp luật đồ sộ như lĩnh vực này bên cạnh nghị quyết của Đảng, luật của Quốc hội đến Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững rồi các chương trình hành động kế hoạch …nhưng tại sao chương trình kế hoạch đề ra tốt như vậy mà vẫn tồn tại nhiều vấn đề, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Bộ Lĩnh cho rằng vấn đề ở đây là mô hình phát triển, cốt lõi là chuyển đổi mô hình tăng trưởng phát triển, bên cạnh đó phải  phối hợp giữa trung ương địa phương, tập trung nguồn lực và thời gian tới cần xác định vai trò của Quốc hội trong thể chế hóa, quyết định nguồn lực và giám sát trong văn kiện.

Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thanh Phương cho rằng trong chiến lược 10 năm tới cần phải lưu ý không thể vì chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng mà quên đi tác động của việc thực hiện các mục tiêu đó đến môi trường. Do đó, thời gian tới cần có giải pháp đột pháp về môi trường, xây dựng quy hoạch khai thác sử dụng tài nguyên, xác định tài nguyên nào khai thác, tài nguyên nào cần dự trữ, giải quyết bài toán tài nguyên nước; chuyển đổi đổi hệ thống sản xuất, đào tạo nguồn lực cho cán bộ trong lĩnh vực tài nguyên môi trường cũng cần làm nổi bật.

Phát biểu bế mạc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, các tham luận cùng với các ý kiến thảo luận tại Hội thảo sẽ là nguồn thông tin quý báu để Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nghiên cứu, tham mưu, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật về tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Bảo Yến