ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ BLOCKCHAIN TRONG NỀN KINH TẾ SỐ
KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VỀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ BLOCKCHAIN VÀ KHUYẾN NGHỊ CHO VIỆT NAM
Toàn cảnh Hội thảo “Ứng dụng công nghệ Blockchain trong nền kinh tế số”.
Sáng 29/9, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức Hội thảo “Ứng dụng công nghệ Blockchain trong nền kinh tế số”. Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn, Nguyễn Thị Lệ Thủy và các thành viên của Ủy ban; đại diện các Ủy ban của Quốc hội; Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam Hoàng Văn Huây cùng đại diện các Bộ ngành, cơ quan hữu quan.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh: Hiện nay, ứng dụng trên Blockchain ở trên thế giới rất mạnh mẽ như trong nhiều lĩnh vực với quy mô ngày càng lớn. Chiến lược đổi mới sáng tạo và công nghệ đến năm 2030 là ứng dụng khoa học mới vào trong các lĩnh vực. Để thúc đẩy kinh tế-xã hội và công nghệ sáng tạo, chủ trương của Đảng, Nhà nước cũng nêu rõ ưu tiên các ứng dụng công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Blockchain...
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại Hội thảo.
Quốc hội đánh giá cao tiềm năng của công nghệ Blockchain và đang tích cực tiếp cận theo hướng thúc đẩy sự phát triển công nghệ, làm tiền đề cho công cuộc đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế, tăng trưởng đột phá cho Việt Nam. Hiện nay, nhiều Luật, Nghị quyết đã được Quốc hội đưa ra với mục đích ứng dụng khoa học công nghệ vào các lĩnh vực của đời sống như: Dự án Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) có đề cập đến chiến lược chuyển đổi số quốc gia...
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, ngoài những thuận lợi, tiện ích của các ứng dụng công nghệ mới như Blockchain mạng lại thì việc ứng dụng những công nghệ này cũng đặt ra những khó khăn, thách thức đối với Việt Nam.
Cần nằm bắt thời cơ để triển khai hệ thống pháp lý hoàn chỉnh nhằm thúc đẩy sự phát triển của công nghệ
Tại Hội thảo, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã đề cập về các vấn đề trọng tâm của công nghệ Blockchain, các ưu thế, tiềm năng phát triển và ứng dụng thực tiễn của công nghệ này như dịch vụ tài chính, quản lý danh tính, chuỗi cung ứng và giao dịch tài chính... Đặc biệt, các đại biểu, nhà khoa học, chuyên gia đã nhấn mạnh các vấn đề liên quan đến hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy công nghệ Blockchain, kinh nghiệm tiếp cận và quản lý tài sản số từ các quốc gia, nền kinh tế lớn, đồng thời nêu rõ thách thức và cơ hội đối với các nhà lập pháp Việt Nam.
Ông Hoàng Văn Huây - Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Ông Hoàng Văn Huây - Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh: Hiện nay, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã ban hành quy định quản lý tài sản số như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore. Việc làm này nhằm tăng cường bảo vệ người dùng và nhà đầu tư, phòng chống tội phạm tài chính, thúc đẩy đổi mới và cạnh tranh công bằng....
Đưa ra khuyến nghị với Việt Nam, ông Hoàng Văn Huây cho rằng, nước ta cần gấp rút nằm bắt thời cơ hiện tại để triển khai hệ thống pháp lý hoàn chỉnh nhằm thúc đẩy sự phát triển của công nghệ nói chung và công nghệ Blockchain nói riêng.
Ông Phan Đức Trung- Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain khuyến nghị, việc thúc đẩy ứng dụng Blockchain trong đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số không chỉ cần sự hỗ trợ phát triển công nghệ mà còn cần sự ủng hộ từ góc độ pháp lý và tuân thủ, đồng thời đề xuất các nhà lập pháp tiếp cận các hình thái tài sản mới như: Tiền ảo (VA), tiền mã hoá (CA), tài sản số dưới (DA) góc độ bộ Luật Dân sự năm 2015 trong lúc nghiên cứu, soạn thảo các bộ luật mới.
Ông Phan Đức Trung- Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam.
Tại Việt Nam, tài sản số tuy chưa có hành lang pháp lý đầy đủ nhưng đã được đề cập tại một số văn bản quy phạm pháp luật, thể hiện sự chủ động tiếp cận các vấn đề mới của các cơ quan quản lý và các cơ quan lập pháp trong việc thúc đẩy tiến trình phát triển nền kinh tế số và thực hiện thành công cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 theo Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị và phát triển nền kinh tế số theo định hướng chỉ đạo Đại hội Đảng XIII.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiên cứu sửa đổi Bộ luật Dân sự để các cơ quan pháp luật, Tòa án ở các địa phương áp dụng trong việc xử lý những vi phạm khi ứng dụng công nghệ số để thực hiện các hành vi phạm pháp.
Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, ông Vũ Văn Xứng- Cục trưởng Cục Quản lý Mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm mật mã (Ban Cơ yếu Chính phủ), thông qua công nghệ Blockchain, chúng ta cần có sự nghiên cứu về việc thay đổi khung khổ pháp lý để xử lý những vi phạm về tài sản ảo, tiền ảo.
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Đồng thuận với quan điểm trên, bà Lưu Hương Ly- Trưởng phòng Pháp luật Dân sự, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) cho rằng, một số người khởi nghiệp lo ngại về tài sản ảo, tội phạm lừa đảo khi sử dụng công nghệ mới, trong đó có công nghệ Blockchain. Điều này cũng có thể ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Để giảm thiểu lo lắng trên, theo bà Lưu Hương Ly, bên cạnh những thuận tiện, lợi ích của công nghệ Blockchain, các cơ quan lập pháp cần nghiên cứu công nghệ Blockchain và các tài sản ảo, tiền ảo có những rủi ro gì để có sự chỉ đạo quản lý chặt chẽ hay thay đổi về khung khổ pháp lý một cách kịp thời.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia đóng góp cho Hội thảo.
Thông qua những ý kiến của các đại biểu, chuyên gia cung là cơ sở để Ủy ban nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan nhằm có thể thực hiện được các mục tiêu đề ra khi ứng dụng các công nghệ mới, trong đó có công nghệ Blockchain vào đời sống một cách hiệu quả. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ có báo cáo tổng hợp để lãnh đạo Quốc hội xem xét về nội dung Hội thảo nhằm có sự chỉ đạo, định hướng trong thời gian tới.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Toàn cảnh Hội thảo “Ứng dụng công nghệ Blockchain trong nền kinh tế số”.
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại Hội thảo; đồng thời khẳng định Quốc hội đánh giá cao tiềm năng của công nghệ Blockchain và đang tích cực tiếp cận theo hướng thúc đẩy sự phát triển công nghệ, làm tiền đề cho công cuộc đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế, tăng trưởng đột phá cho Việt Nam.
Ông Hoàng Văn Huây - Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Ông Phan Đức Trung- Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam giới thiệu tổng quan và cách thức hoạt động của Blockchain.
Ông Đỗ Việt Cường - Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thừa Thiên-Huế đề cập về một số ứng dụng thực tiễn của Blockchain.
Các đại biểu, chuyên gia xem video clip tổng quan về thị trường Blockchain năm 2022 và định hướng năm 2023./.