UỶ BAN ĐỐI NGOẠI GIÁM SÁT TẠI TP HỒ CHÍ MINH, BÌNH DƯƠNG VÀ KIÊN GIANG

03/03/2019

Thực hiện kế hoạch giám sát của Ủy ban Đối ngoại về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam, từ ngày 25/02- 02/3, Đoàn giám sát số 1 do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến làm Trưởng đoàn đã giám sát thực tế tại Tp. Hồ Chí Minh và hai tỉnh Bình Dương, Kiên Giang.

Đoàn đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quản lý người nước ngoài tại 3 địa phương trong các lĩnh vực nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú; việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh, an ninh, nhà ở, lao động, giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch, tôn giáo... để tìm hiểu, đánh giá những thuận lợi, khó khăn và những nguyên nhân của hạn chế trong công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam nói chung và tại từng địa phương nói riêng; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và các kiến nghị nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách trong công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam.

Đoàn giám sát làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương

Tại Bình Dương, trong 2 ngày 25 -26.2, Đoàn đã làm việc với UBND tỉnh và khảo sát thực tế tại Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP1 và VSIP2). Đại diện UBND tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay, trên địa bàn có 16.523 người nước ngoài đăng ký tạm trú, 67 người thường trú, có 28 khu dân cư, làng chuyên gia tập trung người nước ngoài cư trú. Về đầu tư và lao động, Bình Dương là địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài đứng thứ 3 trong cả nước. Đến nay, toàn tỉnh có 3.523 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với 14.000 lao động người nước ngoài.

Đoàn giám sát làm việc với Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP)

Đoàn giám sát đã làm việc với đại diện Ban quản lý khu công nghiệp VSIP, công ty… về các văn bản pháp luật, công tác quản ly của địa phương trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật đối với người nước ngoài đang hoạt động kinh doanh tại địa bàn Bình Dương và khu công nghiệp; đánh giá khó khăn, vướng mắc và ghi nhận các kiến nghị cụ thể của doah nghiệp với địa phương và các cơ quan trung ương trong công tác ban hành văn bản pháp luật và quản lý người nước ngoài.

Đoàn giám sát làm việc với Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh

+ Tại TP Hồ Chí Minh, tại cuộc làm việc chiều 26.2, Báo cáo của UBND TP cho biết, hiện nay, có khoảng 118 nghìn người nước ngoài đang sinh sống, kinh doanh và lao động, tạm trú trên địa bàn. Đoàn giám sát đã nghe đại diện UBND TP báo cáo về những thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật về công tác quản lý người nước ngoài thời gian qua; các kiến nghị về việc sửa đổi và bổ sung các nội dung cần thiết vào các văn bản pháp luật hiện hành cũng như các nội dung có yếu tố người nước ngoài trong các văn bản pháp luật sắp sửa đổi  trong thời gian tới.

Đoàn giám sát làm việc với Ủy ban nhân dân Quận 7, thành phố Hồ Chí Minh

Đoàn giám sát đã làm việc, khảo sát tại Quận 7 và nghe báo cáo của của đại diện Công ty Phát triển Phú Mỹ Hưng, Khu chế xuất Tân Thuận với vai trò là 2 đơn vị điển hình có nhiều người nước ngoài làm ăn, sinh sống. Theo báo cáo của UBND quận, hiện có khoảng 20 nghìn người nước ngoài đến sinh sống và làm việc; số người được cấp thẻ tạm trú, thường trú trên địa bàn khoảng 3 nghìn người.   

Đoàn giám sát làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang

+ Ngày 28.2, tại Kiên Giang, theo báo cáo của UBND tỉnh, từ 2015 đến nay, có 18 dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy phép, giấy chứng nhận đầu tư, 896.441 lượt người nước ngoài khai báo tạm trú qua internet (chiếm khoảng 93% tổng số trường hợp khai báo tạm trú), 91.713 thị thực được cấp cho người nước ngoài. Về lao động, trên địa bàn toàn tỉnh có 313 người lao động nước ngoài làm việc tại 115 doanh nghiệp, tổ chức và nhà thầu và có xu hướng gia tăng trong thời gian tới.

Qua công tác quản lý người nước ngoài, chính quyền địa phương đã phát hiện và xử lý hành chính đối với 357 trường hợp người nước ngoài vi phạm các quy định trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, phát hiện 36 trường hợp chưa có giấy phép lao động. Bên cạnh đó, Kiên Giang cũng như một số tỉnh thành khác thu hút số lượng lớn người nước ngoài đến tham quan, du lịch, nên cũng đặt ra một số thực tiễn đặc thù trong quản lý khách du lịch nước ngoài như tình trạng xung đột văn hóa của các đoàn khách di lịch.  Thực trạng này đã phần nào ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của địa phương, lượng khách quốc tế đến từ các quốc gia khác.

Đoàn giám sát làm việc với Ủy ban nhân dân huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang

Đoàn giám sát đã làm việc với UBND huyện Phú Quốc và tiến hành khảo sát tại một số dự án, cơ sở có nhiều người nước ngoài cư trú, lao động, du lịch. Đại diện huyện Phú Quốc cho biết, đa số người nước ngoài đến Phú Quốc để tham quan, du lịch chấp hành tốt các quy định pháp luật Việt Nam. Trên địa bàn huyện hiện nay có 50 doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài với tổng số 239 lao động. Tuy nhiên, thực tế qua công tác quản lý cho thấy còn một số trường hợp doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài chưa có giấy phép lao động, visa hết hạn, làm việc sai mục đích nhập cảnh…

Đoàn giám sát ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác quản lý người nước ngoài tại Phú Quốc với vai trò là huyện đảo tiền tiêu phía Tây Nam của Tổ quốc, đồng thời, nêu một số câu hỏi, kiến nghị đối với địa phương như cơ chế phối hợp, kết nối dữ liệu quản lý xuất nhập cảnh giữa 2 cơ quan quản lý xuất nhập cảnh là Công an cửa khẩu Phú Quốc và Bộ đội Biên phòng huyện; phân công trách nhiệm quản lý lao động nước ngoài của chính quyền địa phương với ban quản lý khu kinh tế Phú Quốc.

Nhìn chung, qua giám sát cho thấy, với đặc thù là các địa phương có nhiều doanh nghiệp và người nước ngoài đến làm việc, cư trú, UBND TP Hồ Chí Minh và hai tỉnh Bình Dương, Kiên Giang đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; ban hành quy chế, quy định phối hợp và luôn quan tâm, chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương chấp hành các quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài; đảm bảo về an ninh, trật tự và tạo thuận lợi cho người nước ngoài yên tâm đầu tư kinh doanh, làm việc và cư trú trên địa bàn. Tình hình quản lý người nước ngoài được các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện hiệu quả; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người nước ngoài, đồng thời, chủ động phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các ngành chức năng trong công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài được tiến hành thường xuyên, chặt chẽ, kịp thời; nhất là trao đổi, thống nhất xử lý vi phạm có liên quan đến người nước ngoài và bảo hộ công dân.

Qua giám sát bước đầu cho thấy, hệ thống chính sách, pháp luật về công tác quản lý người tại các đia phương còn một só nội dung chưa phù hợp thiếu cụ thể nhưng chưa được điều chỉnh và có hướng dân kịp thời của các bộ, ngành có liên quan và của các cấp chính quyền địa phương, đã dẫn đến những vấn đề pháp lý phát sinh (quy định về xuất nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, quy định về xử lý vi phạm của người nước ngoài, quy định liên quan người nước ngoài trong Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, quy định về hoạt động tôn giáo tập thể trong Luật Tín ngưỡng tôn giáo, quy định về hôn nhân gia đình và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, quy định người lao động nước ngoài phải tham gia BHYT bắt buộc …); công tác hướng dẫn thi hành luật có lúc chưa thống nhất, kịp thời (xác định khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng làm căn cứ xác định khu vực được bán nhà và cấp giấy chứng nhận cho người nước ngoài); hạn chế trong kết nối hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu giữa các cơ sở, doanh nghiệp với cơ quan quản lý người nước ngoài (thủ tục đăng ký tạm trú online kết nối giữa cơ sở với cơ quan quản lý nhân khẩu địa phương); hạn chế trong việc thúc đẩy thực hiện các thủ tục hành chính điện tử nhằm giảm thiểu chi phí doanh nghiệp; hạn chế về năng lực quản lý, kỹ năng ngoại ngữ, công tác nghiệp vụ của cán bộ phụ trách công tác quản lý người nước ngoài tại các sở, ngành, địa phương có lúc còn lúng túng, bị động; những mặt hạn chế trong triển khai cơ chế phân cấp quản lý người nước ngoài cho cho các cơ quan đơn vị, ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế …

Qua các buổi làm việc, Đoàn giám sát đã ghi nhận những kiến nghị của chính quyền địa phương, các ban quản lý khu công nghiệp, doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị có liên quan với QH, Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ trong việc.

Thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến đánh giá cao kết quả đạt được của UBND các địa phương trong công tác quản lý người nước ngoài tại địa phương. Đoàn giám sát đề nghị các địa phương tăng cường công tác quản lý người nước ngoài trên địa bàn, tổ chức phân công đầu mối quản lý người nước ngoài cùng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người nước ngoài, đồng thời xây dựng các mô hình quản lý xã hội, đảm bảo an ninh trật tự tại các khu chung cư có đông người nước ngoài sinh sống, xây dựng các văn bản nội bộ của doanh nghiệp hướng dẫn người lao động nước ngoài tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam…, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài khi đến đầu tư, tham quan, du lịch, học tập, lao động tại địa phương.

 

(Theo báo Người đại biểu)