Đoàn giám sát của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Phúc
Báo cáo với Đoàn giám sát, lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trong những năm qua, số lượng người nước ngoài đến địa bàn tỉnh để đầu tư, làm việc, du lịch ngày càng tăng với gần 22.300 lượt trong năm 2018, hiện có hơn 1.500 người nước ngoài thường xuyên làm việc tại các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Với đặc điểm này, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc chính sách, pháp luật trong công tác quản lý người nước ngoài, duy trì ổn định an ninh chính trị, kinh tế xã hội. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như: một số luật như Luật Lao động, Luật Đầu tư có một số nội dung chưa thống nhất với Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú; Chưa có chế tài để xử lý các cơ quan, doanh nghiệp sử dụng lao động là người nước ngoài nhưng không thực hiện thủ tục bảo lãnh nhập cảnh cho người nước ngoài.
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến việc thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc cho các lao động nước ngoài tại các doanh nghiệp FDI, việc ban hành quy chế phân công nhiệm vụ, phối hợp giữa các lực lượng để quản lý người nước ngoài tại địa phương. Nhận định Vĩnh Phúc là địa phương đi đầu trên cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển du lịch, Đoàn giám sát mong muốn Vĩnh Phúc chia sẻ bài học kinh nghiệm trong thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời quản lý một cách hiệu quả lượng người nước ngoài vào sinh sống, làm việc trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc báo cáo trước Đoàn giám sát
Báo cáo với Đoàn giám sát, lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tỉnh luôn chú trọng vấn đề môi trường và phát triển bền vững khi lựa chọn các dự án đầu tư nước ngoài. UBND tỉnh đã thành lập nhiều kênh để tăng cường tiếp xúc, thu thập, phản hồi ý kiến của các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn một cách nhanh chóng, kịp thời, bao gồm tiếp xúc trực tiếp cũng như thu thập thông tin qua mạng internet và hệ thống đường dây nóng. UBND tỉnh kiến nghị, cần tăng cường giao quyền tự chủ cho cơ quan quản lý, công an tại địa phương để chủ động nắm bắt và giải quyết nhanh chóng các sự vụ liên quan đến người nước ngoài tại địa bàn.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến, Trưởng Đoàn giám sát, cho biết: Vĩnh Phúc đã có cách tiếp cận nghiêm túc, bài bản trong công tác quản lý người nước ngoài. Đoàn giám sát hoan nghênh tôn chỉ của tỉnh trong việc thẩm định, tiếp nhận các dự án đầu tư nước ngoài, nhận định tư duy chú trọng phát triển bền vững của Vĩnh Phúc cần được tuyên dương và nhân rộng. Đoàn giám sát ghi nhận các kiến nghị của lãnh đạo tỉnh để tiếp tục hoàn thiện pháp luật, chính sách về quản lý người nước ngoài tại Việt Nam.
Chiều cùng ngày, Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại Công ty TNHH Vina Korea và Công ty TNHH Haesung Vina, hai doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc tại khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, với lĩnh vực kinh doanh may mặc và sản xuất camera cho điện thoại thông minh. Đại diện hai doanh nghiệp đã đưa ra một số kiến nghị, trong đó đề xuất Cục Xuất nhập cảnh nghiên cứu việc phân quyền cho phòng quản lý xuất nhập cảnh địa phương trong việc xét duyệt bảo lãnh thị thực cho người nước ngoài sang làm việc, thăm thân để tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Đoàn giám sát ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp để sửa đổi, hoàn thiện Luật Xuất nhập cảnh trong thời gian tới.