UỶ BAN ĐỐI NGOẠI QUỐC HỘI GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VỀ ỨNG PHÓ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TẠI TRÀ VINH

29/08/2019

Tiếp tục chương trình giám sát tại Trà Vinh, ngày 28/8, Đoàn giám sát của Ủy ban Đối ngoại Quốc Hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Sỹ Cương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Trà Vinh theo chương trình giám sát chuyên đề về tình hình thực hiện các điều ước quốc tế về biến đổi khí hậu

Toàn cảnh buổi làm việc

Theo UBND tỉnh Trà Vinh, trong năm 2011 và năm 2016, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn làm thiệt hại cho trên 42.200 hecta lúa; hơn 1.300 hecta diện tích hoa màu và mía của người dân bị thiệt hại với mức độ từ 30% đến trên 70%. Triều cường dâng cao kết hợp sóng to làm sạt lở 4,66 km bờ biển; 12,63 km đê bao, bờ bao ven các tuyến sông, gây thiệt hại cho sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Để ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, thời gian qua tỉnh Trà Vinh đã phối hợp với các đối tác nước ngoài triển khai nhiều dự án trong thực hiện các Điều ước quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên. Qua đó đã tác động rất lớn đối với việc giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn, tăng cường năng lực cho cán bộ và nâng cao nhận thức cho cán bộ cũng như người dân về vai trò, trách nhiệm trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Khó khăn hiện nay của tỉnh là nguồn vốn thực hiện, triển khai các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu còn hạn chế; việc ban hành cơ chế, chính sách còn chậm nên hiệu quả chưa cao.

Ông Phạm Minh Truyền – Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Trà Vinh – cho biết: “Về cái vấn đề sinh kế của người dân thì nói chung là khi mình ứng phó với biến đổi khí hậu thì mình phải là thực hiện chuyển đổi cái sinh kế cho người dân. Vấn đề này hiện nay mình cũng đang thiếu nguồn vốn để mà thực hiện việc chuyển đổi, để tuyên truyền vận động người dân người ta chuyển đổi theo cái định hướng của mình…”

Tại buổi giám sát, đại diện tỉnh Trà Vinh kiến nghị Trung ương quan tâm hỗ trợ giới thiệu các nguồn vốn ODA về lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu để tỉnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, các công trình thủy lợi trong điều kiện ngân sách địa phương còn hạn chế; kiến nghị xem xét hỗ trợ tỉnh có thêm nguồn vốn để thực hiện hỗ trợ sinh kế cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khi thực hiện công tác di dân, tái định cư.

Các thành viên đoàn giám sát đề nghị tỉnh làm rõ thêm một số vấn đề như việc ứng phó với xâm nhập mặn thời gian qua được tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả, thích ứng như thế nào?; việc quy hoạch di dời dân cư do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thực hiện ra sao; đề nghị tỉnh đánh giá rõ hơn về chuyển biến nhận thức và hành động trong thực hiện các chương trình, dự án thích ứng biến đổi khí hậu, đặc biệt là người dân trong vùng chịu sự tác động trực tiếp ảnh hưởng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn.

Bà Nguyễn Thanh Thủy – Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang – trăn trở: “Chúng ta phải làm sao chuyển biến về nhận thức để từ đó có thể dẫn đến chuyển biến về hành động. Hiện nay thì đối với người dân việc chuyển đổi về tập quán canh tác, nuôi trồng hay sử dụng các giống cây, con giống như thế nào để đáp ứng được phần biến đổi này là điều chúng ta phải tìm hiểu kỹ lưỡng để có thể phổ biến và thuyết phục bà con…”

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương phát biểu tại buổi làm việc 

Thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Trà Vinh đã tích cực chủ động trong triển khai ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt là việc xây dựng các kè, đê biển kiên cố. Phó Chủ nhiệm đề nghị Tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các đơn vị sớm thi công hoàn thiện các công trình, đảm bảo tính lâu dài nhằm hạn chế những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. “Việc ứng phó với biến đổi khí hậu rất là cấp thiết. Ví dụ như đê biển các đồng chí đang triển khai. Theo như các đồng chí cho biết là từ tháng 10 là bắt đầu mùa gió chướng, bây giờ chỉ còn 1 tháng nữa thôi là nó đến thời điểm rồi. Các đồng chí đang triển khai gấp rút, kế hoạch thì các đồng chí cho biết cố gắng đến hết năm mới thực hiện. Như vậy nếu không tiến hành nhanh khi mùa gió chướng về thì các đồng chí thi công rất là khó khăn. Nếu chưa làm kịp đôi khi nó lại bị ảnh hưởng đến chất lượng” - Phó Chủ nhiệm chia sẻ.

Về công tác di dân, hỗ trợ tái định cư cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng sạt lở, biến đổi khí hậu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sĩ Cương đề nghị Tỉnh quan tâm di dân cần phải tính toán kỹ đến việc đảm bảo cuộc sống sinh kế, sản xuất gắn với văn hóa, phong tục, tập quán của người dân địa phương. Đối với các kiến nghị của Tỉnh, Đoàn giám sát ghi nhận tổng hợp và kiến nghị cụ thể đến Chính phủ, Quốc hội xem xét./.

Vũ Thạch