HỘI NGHỊ GIÁM SÁT TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VỀ ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

25/12/2019

Sáng ngày 25/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại đã tổ chức Hội nghị giám sát chuyên đề về Tình hình thực hiện các điều ước quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu chủ trì Hội nghị.

Tham dự có: Đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; thành viên Đoàn giám sát; thành viên Ủy ban đối ngoại; đại diện Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo các Bộ: Tài nguyên và Môi trường; Khoa học và Công nghệ; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Giao thông vận tải; Xây dựng; Ngoại giao; Tư pháp; Thông tin và Truyền Thông; Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Lao động, Thương binh và Xã hội; đại diện UBND tỉnh Cà Mau.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ trong công cuộc phòng chống và thích ứng với biến đổi khí hậu ở cả phương diện quốc gia và quốc tế. Việt Nam đã rất tích cực trong việc tham gia và thực thi các cam kết quốc tế về ứng phó biến đổi khí hậu ở cả phương diện lập pháp và triển khai thực hiện. Tuy nhiên, công tác thực thi các cam kết quốc tế về phòng chống biến đổi khí hậu của Việt Nam cũng còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế.

Xuất phát từ thực tiễn trên, căn cứ chức năng nhiệm vụ, Ủy ban Đối ngoại tổ chức giám sát chuyên đề về Tình hình thực hiện các điều ước quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên, nhằm đánh giá tình hình triển khai thực hiện, kết quả và hiệu quả thực hiện các điều ước quốc tế đa phương và song phương về ứng phó biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên. Từ đó, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm và kiến nghị giải pháp nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả thực hiện các điều ước quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên, tăng cường hơn nữa hiệu quả các hoạt động phòng ngừa, ứng phó với các biểu hiện cực đoan của biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đại diện các Bộ: Tài nguyên và Môi trường; Ngoại giao; Kế hoạch và Đầu tư... trình bày báo cáo tình hình thực hiện các điều ước quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mặc dù đã đạt được nhiều thành quả quan trọng nhưng việc thực hiện các điều ước quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam cũng bộ lộ nhiều hạn chế. Cụ thể, các điều ước về biến đổi khí hậu thường phức tạp, vừa xây dựng vừa hoàn thiện, gây khó khăn cho Việt Nam trong việc xây dựng các văn bản và triển khai thực hiện ở trong nước. Từ khi điều ước quốc tế được thông qua, đến khi được lồng ghép vào các quy định trong nước thường có một khoảng trễ có thể lên tới hàng năm nên tại thời điểm nào đó các cam kết, nghĩa vụ của Việt Nam đối với điều ước không được thực hiện đầy đủ. Nhiều nội dung quy định tại điều ước quốc tế nhưng chưa được quy định tại các văn bản tương đương ở Việt Nam nên khi triển khai hết sức khó khăn.
Mặt khác, biến đổi khí hậu là vấn đề liên ngành, liên vùng nên việc điều phối hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu thực hiện các điều ước quốc tế thường khó khăn nên cần có sự phối hợp rất chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương. Nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu chưa được theo dõi, giám sát theo quy định chung tại Thỏa thuận Paris. Việc sử dụng nguồn lực lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến nguồn lực cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội khác.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Quốc hội xem xét trong quá trình xây dựng luật, pháp lệnh, các Nghị quyết về chiến lược và kế hoạch phát triển KT-XH cần có sự tích hợp, lồng ghép nội dung biến đổi khí hậu. Trước mắt, tích hợp, lồng ghép vào Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm (2021-2030) và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2021-2025). Xem xét ưu tiên bố trí và sử dụng có hiệu quả kinh phí triển khai thực hiện những dự án cấp thiết ứng phó với biến đổi khí hậu, dần hình thành mục chi riêng về ứng phó với biến đổi khí hậu trong hệ thống mục lục ngân sách nhà nước nhằm thực hiện yêu cầu của Thỏa thuận Paris “Điều chỉnh dòng tài chính phù hợp với lộ trình phát triển phát thải thấp và thích nghi khí hậu”.

Trong vấn đề huy động tài chính cho việc thực hiện các điều ước quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự kiến trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn trong xem xét, tiếp cận các dự án, sáng kiến tiếp cận theo hướng hỗn hợp (blended sources) với sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân. Theo đó, cơ chế vận hành của các dự án vận động theo cơ chế thị trường với sự vận động theo cơ chế thị trường với sự vận hành của các công ty, quỹ tài chính tư nhân. Do vậy, việc rà soát khung thể chế hoặc xây dựng cơ chế thử nghiệm nhằm tiếp nhận các dự án kiểu mới này cần được thực hiện để không bỏ lỡ các cơ hội tài chính mới cho biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Các đại biểu cơ bản nhất trí với báo cáo của các bộ, ngành song cũng cho rằng, các bộ, ngành cần đánh giá sâu hơn, cụ thể hơn những điều ước quốc tế nào đã được triển khai thực hiện tốt, điều ước quốc tế nào chưa tốt để từ đó chỉ ra nguyên nhân, tồn tại.

Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Nguyễn Văn Giàu kiến nghị, Chính phủ và các Bộ, ngành cần chủ động đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời, thường xuyên tổng kết, đánh giá việc thực hiện để qua đó kịp thời phát hiện vấn đề mới nhằm đề ra các giải pháp phù hợp.

(Theo Thanh Chi - Báo Đại biểu Nhân dân)