ỦY BAN ĐỐI NGOẠI CỦA QUỐC HỘI GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI TRONG LĨNH VỰC LAO ĐỘNG

13/09/2022

Tiếp tục chương trình làm việc tại Quảng Trị, sáng 13/9, Đoàn giám sát của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội làm việc với Sở Lao động, Thương binh & Xã hội (LĐ,TB&XH) về thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong lĩnh vực lao động. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng tham dự làm việc.


Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: MĐ

Công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động tại Quảng Trị được chú trọng; đã hướng dẫn kịp thời việc thực hiện các quy định của pháp luật về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cho các doanh nghiệp và các đơn vị tham gia xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Người lao động và gia đình có người xuất khẩu lao động được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, sức khỏe, ý thức tổ chức kỷ luật phù hợp với thị trường lao động mà bản thân người lao động có nguyện vọng tham gia xuất khẩu lao động.

Công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt được một số kết quả nhất định, giúp cho một bộ phận gia đình có lao động làm việc ở nước ngoài  phát triển kinh tế, đời sống được cải thiện, nâng cao. Từ năm 2015 đến tháng 9/2022, Quảng Trị có 11.138 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tổng số tiền gửi về cho gia đình khoảng 5.000 tỉ đồng.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở LĐ,TB&XH và đại diện một số doanh nghiệp, người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài trở về nước giới thiệu một số cách làm hay, hiệu quả trong thực hiện chính sách, phát luật liên quan đến xuất khẩu lao động.

Đồng thời nêu một số kiến nghị, đề xuất như: Cần đơn giản thủ tục hành chính về thông báo tuyển dụng và thủ tục đi xuất khẩu lao động; tổ chức giáo dục định hướng cho người lao động; hỗ trợ nâng cao tay nghề, tác phong công nghiệp; hỗ trợ cho người lao động sau khi về nước…

Các thành viên của Đoàn giám sát Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội trao đổi và thông tin về những vấn đề mà ngành LĐ,TB&XH và doanh nghiệp, người đi xuất khẩu lao động quan tâm; đồng thời đề nghị tỉnh, Sở LĐ,TB&XH quan tâm theo sát, bảo vệ, hỗ trợ người tham gia lao động ở nước ngoài.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến đánh giá cao Sở LĐ,TB&XH cùng các ngành chức năng đã chủ động phối hợp đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về xuất khẩu lao động - Ảnh: M.Đ

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng đề nghị Sở LĐ,TB&XH tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; giúp người lao động chủ động lựa chọn thị trường lao động, những đơn vị, doanh nghiệp uy tín, đủ tư cách pháp nhân và được phép tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Chủ động làm việc với các ngân hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thủ tục nhanh gọn cho người lao động vay vốn tham gia xuất khẩu lao động; động viên, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện công tác tuyển dụng lao động đi nước ngoài được thuận lợi; nắm bắt tình hình người lao động ở nước ngoài để có sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến đánh giá cao Sở LĐ,TB&XH cùng các ngành chức năng đã chủ động phối hợp đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về xuất khẩu lao động bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm giúp người lao động nâng cao nhận thức, lòng yêu nước và tự tôn dân tộc; hạn chế đến mức tối qua những hành vi vi phạm pháp luật của quốc gia sở tại; thể hiện người Việt Nam thân thiện, cần cù, sáng tạo trong học tập và lao động, phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương.

Đề nghị Sở LĐ,TB&XH hoàn thiện nội dung báo cáo về thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong lĩnh vực lao động một cách khoa học, cụ thể, chính xác để đoàn giám sát kịp thời nắm bắt, báo cáo với Quốc hội.

Đồng thời mong muốn tiếp tục quan tâm đến công tác tuyên truyền về công tác xuất khẩu lao động; cần đổi mới trong công tác xuất khẩu lao động, nhất là chú trọng xuất khẩu lao động có tay nghề, trình độ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân làm công tác đưa người lao động đi xuất khẩu ở nước ngoài.

Đối với những lao động trở về nước, cần tuyên truyền và giúp đỡ để họ tự tạo việc làm cho bản thân, đầu tư, mở rộng các hoạt động sản xuất - kinh doanh, xây dựng cuộc sống gia đình phát triển, có nhiều đóng góp cho quê hương.

(Theo Báo điện tử Quảng Trị)