ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN ĐỐI NGOẠI GIÁM SÁT THỰC TẾ TÌNH HÌNH BIÊN GIỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN
Tham dự hội nghị có: Các thành viên Ủy ban Đối ngoại; đại diện các cơ quan trung ương gồm: Ban Đối ngoại trung ương; Ủy ban biên giới quốc gia và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao; Bộ Tư pháp; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Bộ Quốc phòng; Cục Quốc tịch, hộ tịch, chứng thức, Bộ Tư pháp; Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; đại diện lãnh đạo UBND, HĐND và sở, ban ngành liên quan của các tỉnh Kiên Giang, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Lâm Đồng…
Toàn cảnh hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cho biết, từ năm 2022, Ủy ban Đối ngoại đã tổ chức giám sát chuyên đề hai nội dung rất quan trọng là chuyên đề “Việc tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào, Campuchia” và chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài”. Hai chuyên đề giám sát này dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2023.
Về chuyên đề giám sát “Việc tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào, Campuchia”, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại nêu rõ, năm 2022, Ủy ban đã tiến hành giám sát tại các tỉnh phía Bắc có chung đường biên giới với nước CHND Trung Hoa. Trong đợt giám sát từ ngày 6 – 11/3/2023, Ủy ban tiến hành giám sát tại các tỉnh phía Nam có chung đường biên giới với Vương quốc Campuchia.
Chuyên đề tập trung giám sát việc tổ chức thực hiện các văn kiện pháp lý về biên giới, lãnh thổ quan trọng mà hai bên đã ký kết như: Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới và Hiệp định về Quy chế biên giới năm 1983; Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và các Hiệp ước bổ sung năm 2005 và năm 2019; Nghị định thư PGCM biên giới trên đất liền năm 2019. Chính phủ hai nước hiện đang đàm phán 02 điều ước quốc tế là Hiệp định về cửa khẩu, quy chế quản lý cửa khẩu và Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền.
Về chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài”, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại nhấn mạnh, đây là nội dung được Đảng và Nhà nước ta rất chú trọng, luôn nhất quán quan điểm: Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhiều chủ trương, đường lối về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã được ban hành tại các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng và các văn bản như Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 26/3/2004, Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/5/2015 và gần đây nhất là Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 do Bộ Chính trị ban hành đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức và là cơ sở quan trọng để triển khai toàn diện công tác về người Việt Nam ở nước ngoài.
Các đại biểu dự hội nghị
Trong thời gian qua, công tác người Việt Nam ở nước ngoài đã được triển khai mạnh mẽ ở cả trung ương và địa phương. Tuy nhiên, ở địa phương, công tác người Việt Nam ở nước ngoài còn gặp một số vướng mắc liên quan đến vấn đề quốc tịch, hộ tịch, bảo hộ công dân, cư trú, đi lại cho người Việt Nam ở nước ngoài; đầu tư, kinh doanh của người Việt Nam ở nước ngoài; sở hữu nhà ở, đất ở, kinh doanh bất động sản của người Việt Nam ở nước ngoài tại địa phương; việc hỗ trợ hòa nhập xã hội, tham gia thị trường lao động trong nước đối với người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài trở về nước bao gồm cả lao động hợp pháp và bất hợp pháp…
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho biết, trong đợt giám sát đầu năm 2023, để bảo đảm tính thiết thực, tiết kiệm thời gian cho các đại biểu quốc hội và các địa phương, Ủy ban Đối ngoại tổ chức đoàn giám sát chung hai chuyên đề “Việc tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào, Campuchia” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài”. Đoàn đã đi giám sát thực địa tại 5 tỉnh gồm: Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang. Hội nghị nhằm nghe báo cáo của các tỉnh, trao đổi giữa Đoàn giám sát của Ủy ban với đại diện các bộ, ngành liên quan để cùng nhau đánh giá kết quả công tác tổ chức thực hiện và đề xuất cho Đảng, Nhà nước các biện pháp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc từ thực tế triển khai công tác.
Hội nghị được chia thành hai phiên: Phiên 1 về công tác biên giới giữa Việt Nam và Campuchia và Phiên 2 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá việc tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam với Campuchia và việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài; đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm góp phần bảo vệ thành quả phân giới cắm mốc giữa Việt Nam và Campuchia, đồng thời thúc đẩy quá trình phân giới cắm mốc đường biên giới còn lại; giải quyết vấn đề tồn tại trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài.