CHIA SẺ KINH NGHIỆM HỢP TÁC GIỮA ỦY BAN ĐỐI NGOẠI 3 NƯỚC CAMPUCHIA – LÀO – VIỆT NAM

17/08/2019

Phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 7 Ủy ban Đối ngoại Quốc hội ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam ngày 17/8, tại Quảng Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu khẳng định, Hội nghị là diễn đàn để các đại biểu ba nước khu vực chia sẻ kinh nghiệm, cùng đề ra sáng kiến, phương hướng hợp tác trong lĩnh vực song phương và đa phương của ba Ủy ban Đối ngoại...

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 7 Ủy ban Đối ngoại Quốc hội ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, Hội nghị Ủy ban Đối ngoại ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam là cơ chế hợp tác giữa Ủy ban Đối ngoại ba nước nhằm thúc đẩy, tăng cường củng cố mối quan hệ hữu nghị và hợp tác vì sự phát triển chung của ba nước. Hội nghị là diễn đàn để các đại biểu Quốc hội, thành viên Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, đại diện các Bộ, ngành và địa phương ba nước khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam gặp gỡ, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận cùng đề ra sáng kiến, phương hướng hợp tác trong lĩnh vực song phương và đa phương của ba Ủy ban Đối ngoại.

Tiếp nối nội dung của Hội nghị lần thứ 6 tại Vientiane tháng 8/2017, Hội nghị lần này có chủ đề “Vai trò của Quốc hội trong việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam trong khu vực tam giác phát triển”. Hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam được hình thành từ năm 1999, trải qua 20 năm phát triển, đã phát huy vai trò là cơ chế hiệu quả, gắn kết 3 nước láng giềng thân thiết, đảm bảo hòa bình, an ninh, chính trị, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực. Không chỉ mở rộng tăng thêm về số lượng từ 10 tỉnh lên 13 tỉnh, Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam cũng không ngừng có thêm các cơ chế mới, thông qua các Hội nghị cấp cao định kỳ, để sự hợp tác ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu. Chính sách thông thoáng, đồng nhất, đã tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện, nâng cao thu nhập cho người dân vùng này, nhất là thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch, văn hóa, y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường giữa các nước trong khu vực Campuchia-Lào-Việt Nam phát triển năng động. Mặc dù các tỉnh trong khu vực đạt nhiều thành tựu, kinh tế xã hội không ngừng phát triển song kết quả thực hiện các Thỏa thuận hợp tác trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, sự kỳ vọng của người dân ba nước.

Toàn cảnh Hội nghị

Trong khuôn khổ chương trình, hội nghị sẽ nghe báo cáo chung về tình hình thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa ba nước trong khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam bao gồm: Báo cáo của Ủy ban Điều phối chung tam giác phát triển  Việt Nam, Báo cáo của Ủy ban Điều phối chung Tam giác phát triển Campuchia, Báo cáo của Ủy ban Điều phối chung Tam giác phát triển Lào; báo cáo kết quả công tác giám sát của Ủy ban Đối ngoại ba nước về khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam kể từ sau hội nghị lần thứ 6. Hội nghị cũng sẽ nghe một số địa phương ba nước trong khu vực Tam giác phát triển trình bày báo cáo về tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương mình. Tại các phiên sẽ có phần trao đổi, thảo luận của các đại biểu dự Hội nghị; kết thúc Hội nghị sẽ có Tuyên bố chung đánh giá kết quả của Hội nghị và đề ra phương hướng hợp tác trong thời gian tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu khẳng định, Hội nghị lần này là dịp để nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển của khu vực tam giác phát triển, đánh giá các kết quả đã làm được trong thời gian qua kể từ sau hội nghị 3 Ủy ban lần thứ 6, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, đưa ra giải pháp và phương hướng để thúc đẩy các cam kết, thỏa thuận của ba nước tại khu vực Tam giác phát triển trong thời gian tới. Sự phát triển của khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội của ba nước mà còn góp phần hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu mong rằng các đại biểu sẽ tập trung trí tuệ đóng góp, thảo luận đưa ra nhiều sáng kiến mới, qua đó sẽ báo cáo lên cấp cao hơn, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và lãnh đạo ba nước để tập trung chỉ đạo trong thời gian tới./.

Trọng Quỳnh - Nghĩa Đức