Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại Geneva (Thụy Sĩ) với 35 nước tham dự. Tại Phiên họp, các nước đã thảo luận về định hướng hành động nghị viện trước những mối đe dọa liên quan đến biến đổi khí hậu đối với hòa bình và an ninh. Ngoài ra, các nước đã thông qua Nghị quyết về chính sách nghiện viện nhằm tăng cường hòa bình và an ninh chống lại các mối đe dọa và xung đột do biến đổi khí hậu và các thảm họa thiên tai gây ra.
Đoàn Việt Nam tham dự Phiên họp của Ủy ban Thường trực về Hòa bình và An ninh quốc tế.
Phát biểu trực tuyến tại Phiên họp về Chiến lược nghị viện để tăng cường hòa bình và an ninh chống lại các mối đe dọa và xung đột do các thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu và các hệ lụy của chúng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà nhấn mạnh: Việt Nam chia sẻ với các vị đại biểu và chuyên gia về những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đối với đời sống người dân, tiềm ẩn những mối đe dọa đối với hòa bình, an ninh và ổn định ở mỗi quốc gia. Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong đó có Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) trong việc nâng cao nhận thức, hành động của nghị viện, chính phủ và người dân về các vấn đề hòa bình, an ninh do biến đổi khí hậu gây ra.
Để tăng cường hiệu quả trong hợp tác đa phương, đặc biệt là tăng cường vai trò của các Nghị viện và IPU trước các mối đe dọa, xung đột có liên quan đến biến đổi khí hậu, Việt Nam đề xuất một số giải pháp:
Thứ nhất, chúng ta tiếp tục quan ngại thêm về tình trạng hệ thống khí hậu toàn cầu để biến đổi khí hậu không thể làm sâu sắc thêm những khủng hoảng, xung đột, làm ảnh hưởng đến an ninh và hòa bình trên thế giới.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà.
Thứ hai, Nghị viện các nước cần tiếp tục duy trì ý chí, cam kết chính trị mạnh mẽ, có hành động cụ thể với tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, đóng góp thiết thực vào các chương trình nghị sự toàn cầu về chống biến đổi khí hậu vì hòa bình, an ninh trên thế giới.
Thứ ba, tiếp tục khẳng định nhu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu là mục tiêu ưu tiên quan trọng và cần hành động thiết thực hơn nữa; việc cung cấp các nguồn lực tài chính cần cân bằng giữa thích ứng và giảm nhẹ, có xét đến chiến lược, mức độ ưu tiên và nhu cầu của quốc gia; nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết cần được hỗ trợ và những thách thức đối với các nước đang phát triển trong việc tiếp cận nguồn lực tài chính, tăng cường năng lực ứng phó, phát triển công nghệ mới, năng lượng xanh, xây dựng cơ sở hạ tầng hiệu quả, chất lượng cao gắn với tạo nhiều việc làm để thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được hiệu quả hơn cũng là góp phần quan trọng vào việc tăng cường hòa bình, bảo đảm an ninh trên thế giới và khu vực.
Thứ tư, việc ứng phó với biến đổi khí hậu cần phù hợp với điều kiện của từng nước, được lồng ghép vào các chiến lược, kế hoạch phát triển quốc gia trên cơ sở phát triển bao trùm, bình đẳng về cơ hội và hưởng lợi của người dân, coi người dân là trung tâm, hỗ trợ hơn nữa những cộng đồng người nghèo, người yếu thế, phụ nữ, trẻ em và những khu vực bị tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Đồng thời cần có cơ chế quốc gia về giám sát, đánh giá kết quả thực hiện, nâng cao khả năng ứng phó biến đổi khí hậu.
Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Thứ năm, Nghị viện các nước thành viên cần phải nỗ lực nhiều hơn để thiết lập các chính sách, pháp luật cụ thể, đồng bộ và thực chất hơn đối với các vấn đề biến đổi khí hậu của Quốc gia mình và toàn cầu. Đồng thời, đề nghị IPU thiết lập các sáng kiến, chương trình toàn cầu về phát triển nền kinh tế ít phát thải nhằm tạo nền tảng để đối thoại chính sách, chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường năng lực cho các quốc gia, tạo điều kiện khuyến khích đầu tư tư nhân cho các lĩnh vực ít phát thải khí nhà kính.
Thứ sáu, Quốc hội Việt Nam kêu gọi Nghị viện các quốc gia thúc giục Chính phủ mình chưa hoàn thành trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính và đóng góp tài chính trong giai đoạn trước năm 2020 tiếp tục thực hiện trách nhiệm này bên cạnh các nghĩa vụ mới trong giai đoạn kể từ sau năm 2020. Đồng thời tích cực phục hồi các hoạt động phát triển kinh tế, cứu trợ để giúp đối tượng bị tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau và tăng cường chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng phát thải các-bon thấp nhằm đảm bảo phục hồi bền vững, tạo việc làm mới cho người lao động thông qua thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển năng lượng tái tạo, nông nghiệp thông minh, đô thị thông minh, giao thông thông minh và thiết lập nền kinh tế tuần hoàn./.