PHIÊN HỌP TRỰC TUYẾN VỀ CÁC CAM KẾT CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỚI CÁC NƯỚC KÉM PHÁT TRIỂN

15/06/2021

Tối 15/6, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong đại diện đã dự phiên họp trực tuyến về Các cam kết của Liên Hợp Quốc với các nước kém phát triển - kiểm tra thực tế.

 

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong dự phiên họp trực tuyến về Các cam kết của Liên Hợp Quốc với các nước kém phát triển - kiểm tra thực tế

Phiên họp do Quan sát viên thường trực của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) tại Liên Hợp Quốc Paddy Torsney điều hành, với sự tham dự của khoảng 60 nghị sĩ đến từ các nghị viện thành viên IPU và khách mời.

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe các chuyên gia trao đổi về tình hình thực hiện các cam kết của Liên Hợp Quốc đối với các nước kém phát triển, đánh giá tiến độ thực hiện Chương trình hành động Istanbul đối với các nước kém phát triển giai đoạn 2011 - 2020. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đánh giá những khó khăn, thách thức cản trở các nước LDC đáp ứng các tiêu chí để ra khỏi danh sách các nước kém phát triển nhất, trong đó có tác động của bối cảnh toàn cầu, đại dịch Covid-19 và các vấn đề đối nội.

Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến

Năm 2011, khi Chương trình hành động Istanbul đối với các nước kém phát triển nhất được thông qua, 49 nước được xếp vào nhóm kém phát triển nhất (LDC) dựa trên ba tiêu chí về thu nhập quốc gia; chất lượng giáo dục, y tế và mức độ dễ bị tổn thương về kinh tế và môi trường. Tuyên bố chính trị Istanbul về Làm mới và tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu vì sự phát triển của các quốc gia LDC năm 2011 khẳng định quyết tâm của cộng đồng quốc tế trong việc hỗ trợ các nước LDC đạt mục tiêu đưa nửa số thành viên nhóm này, tương đương 24 nước, ra khỏi danh sách LDC vào năm 2020 và đưa ra các giải pháp tổng thể trên nhiều lĩnh vực.

Đến nay, có 46 quốc gia trên thế giới nằm trong danh sách các nước LDC. Theo báo cáo của Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về Các nước kém phát triển nhất, các nước không giáp biển đang phát triển và các đảo quốc nhỏ đang phát triển (OHRLLS), sau 10 năm triển khai Chương trình hành động Istanbul, chỉ có 3 quốc gia đủ tiêu chuẩn ra khỏi danh sách LDC nhưng lại có thêm Nam Sudan gia nhập nhóm này. Ngoài ra, dự kiến 3 quốc gia khác có thể ra khỏi danh sách LDC trong vài năm tới.

Hiện nay, Liên Hợp Quốc đang xây dựng Chương trình hành động mới đối với các nước kém phát triển nhằm thông qua tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về các nước kém phát triển lần thứ 5, dự kiến được tổ chức ở Doha, Qatar vào tháng 1/2022.

Tại phiên họp, các đại biểu đề nghị, Chương trình hành động mới cần đưa ra những hành động cụ thể ở mọi cấp độ (toàn cầu, khu vực, quốc gia) nhằm hỗ trợ các nước LDC đạt tiêu chuẩn ra khỏi danh sách LDC; bảo đảm khả năng tiếp cận vaccine phòng Covid-19 cho mọi người dân ở các nước LDC; các giải pháp cần tập trung củng cố sự tự cường của mỗi nước, đảm bảo ổn định chính trị, chống tham nhũng, phát triển kinh tế tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên mới như công nghệ, năng lượng tái tạo…  nhằm hỗ trợ các nước LDC sớm đạt được những tiêu chí ra khỏi danh sách LDCs.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh, cần nâng cao vai trò của Nghị viện và xã hội nhằm giám sát tiến độ thực hiện các cam kết của Liên Hợp Quốc đối với các nước LDC./.

Bùi Hùng - Minh Thành