ĐỐI THOẠI EP-AIPA: VIỆT NAM SẴN SÀNG HỢP TÁC VỚI CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ ĐỂ VƯỢT QUA ĐẠI DỊCH

22/06/2021

Chiều 22/6, phát biểu trực tuyến trong phiên đối thoại EP-AIPA lần thứ nhất, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong nêu rõ, Việt Nam luôn mong muốn nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế để vượt qua đại dịch, đóng góp xây dựng một thế giới an toàn và thịnh vượng.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong và Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng dự phiên đối thoại trực tuyến EP-AIPA từ điểm cầu Nhà Quốc hội

Nhằm tăng cường quan hệ Liên minh châu Âu (EU) và các nước Đông Nam Á (ASEAN) thông qua hoạt động của các nghị viện, qua đó làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Nghị viện châu Âu (EP) và Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA), Đoàn Nghị viện châu Âu quan hệ với ASEAN (DASE) cùng Ban Thư ký AIPA đã đưa ra sáng kiến phối hợp tổ chức phiên họp đối thoại liên khu vực giữa EP và AIPA. Phiên đối thoại lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến để thảo luận về hai chủ đề thời sự nhất hiện nay. Một là: Giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch. Hai là: Tương lai của quan hệ thương mại EU-ASEAN.

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham gia phát biểu về chủ đề “Ứng phó với đại dịch COVID-19: Giảm thiểu những tác động tiêu cực”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong nêu rõ, hơn 1 năm trôi qua kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát gây ra cuộc khủng hoảng trên quy mô toàn cầu, tác động nghiêm trọng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đại dịch COVID-19 cũng là lời cảnh tỉnh để chúng ta cùng nhìn lại và tiến hành những thay đổi cần thiết trong xây dựng định hướng phát triển, chính sách và tổ chức triển khai chính sách nhằm mục tiêu phát biểu bền vững ở mỗi quốc gia và đổi mới hợp tác quốc tế để ngăn chặn những tình huống khẩn cấp tương tự đại dịch COVID-19.

Tại Việt Nam, việc phòng chống dịch đã được triển khai quyết liệt từ rất sớm, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Quốc hội Việt Nam cũng đồng hành với Chính phủ thông qua nhiều hình thức.

Thứ nhất, ngay từ tháng 1/2020, với tinh thần chống dịch như chống giặc, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 với sự tham gia của đại diện Quốc hội Việt Nam để xây dựng và tổ chức triển khai các kế hoạch, biện pháp trong phòng, chống, điều trị và điều phối giải quyết các vấn đề khác liên quan đến COVID-19.

Thứ hai, Quốc hội đã thông qua các Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và những người có thu nhập thấp để vượt qua khó khăn do dịch bệnh. Trong năm 2020, Quốc hội đã thông qua đề nghị của Chính phủ về việc triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng (khoảng 2,7 tỉ USD) để kịp thời hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; thông qua Nghị quyết bổ sung nhóm hàng vật tư, trang thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia; thông qua một số dự án luật nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đầu tư

Quốc hội đã cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về cơ chế, chính sách xã hội hóa mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất trong nước và tiêm vắc xin phòng COVID-19. Quốc hội cũng đề nghị sớm xây dựng và trình Quốc hội Luật Dự phòng và Nâng cao sức khỏe nhân dân để hoàn thiện hành lang pháp lý về lĩnh vực y tế dự phòng, trong đó có công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tháng 5/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc sử dụng sử dụng 12.000 tỉ đồng (khoảng 520 triệu USD) để mua vắc xin phòng Covid 19.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham gia phát biểu về chủ đề “Ứng phó với đại dịch COVID-19: Giảm thiểu những tác động tiêu cực”

Thứ ba, Quốc hội tiến hành các biện pháp đổi mới phương thức hoạt động để duy trì các hoạt động của Quốc hội, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức các cuộc họp trực tuyến, đảm bảo các hoạt động trong nước và hợp tác quốc tế của Quốc hội.

Thứ tư, tăng cường các hoạt động giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống đại dịch COVID-19 ở các địa phương trên cả nước, đánh giá kết quả đạt được, những khó khăn, thách thức, thúc đẩy các đề xuất, khuyến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các địa phương trong cuộc chiến chống COVID-19; tổ chức họp giám sát chuyên đề cấp ủy ban về tình hình phòng chống đại dịch, nghiên cứu sản xuất, tiêm chủng vắc xin COVID-19. Đây là những hoạt động thiết thực nhằm nâng cao trách nhiệm giải trình, tăng cường vai trò của Quốc hội đối với việc phòng, chống đại dịch COVID-19.

Thứ năm, đi đôi với việc tham gia phòng chống dịch bệnh, Quốc hội Việt Nam chủ động đổi mới, sáng tạo trong triển khai các hoạt động đối ngoại, nổi bật nhất là tổ chức Đại hội đồng AIPA-41 họp trực tuyến từ 8-10/9/2020, đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Ngoài ra, Quốc hội cũng tiến hành trao tặng khẩu trang y tế, một số vật tư y tế để hỗ trợ hơn 40 nghị viện các nước trên thế giới gặp những khó khăn và thiếu hụt vật tư y tế trong phòng chống đại dịch.

Lần đầu tiên phiên đối thoại EP-AIPA được tổ chức theo sáng kiến của Đoàn Nghị viện châu Âu quan hệ với ASEAN (DASE) cùng Ban Thư ký AIPA

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong nêu rõ, hiện nay, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến rất phức tạp và nghiêm trọng. Việt Nam kiên trì triển khai các biện pháp một cách chủ động, linh hoạt thích ứng để đạt mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi kinh tế.

Đồng thời, Việt Nam đưa ra đề xuất: (i) tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống đại dịch COVID-19, phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, duy trì hàn gắn những đứt gãy của các chuỗi cung ứng, thúc đẩy kinh tế sáng tạo, kết nối, kinh tế số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. (ii) Kêu gọi các quốc gia có ưu thế sản xuất vắc-xin có cơ chế chia sẻ vắc-xin, tăng cường hỗ trợ để người dân các nước đang phát triển được tiếp cận công bằng, kịp thời vắc-xin và các trang thiết bị y tế hiện đại với chi phí hợp lý; (iii) Ủng hộ việc miễn trừ nghĩa vụ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin Covid-19 để vắc xin sớm được phổ biến rộng rãi đến tất cả các nước trên thế giới.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong khẳng định, Việt Nam luôn mong muốn nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và cũng sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế để vượt qua đại dịch, đóng góp xây dựng một thế giới an toàn và thịnh vượng./.

Bảo Yến