ĐOÀN ĐBQH VIỆT NAM: TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC QUỐC TẾ, XÁC ĐỊNH KINH TẾ SỐ VÀ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ LÀ ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY PHỤC HỒI TĂNG TRƯỞNG SAU ĐẠI DỊCH COVID-19

09/11/2021

Tiếp tục Phiên họp chuẩn bị các văn kiện cho Hội nghị APPF-29 tại Hàn Quốc vào tháng 12/2021, chiều 09/11, tại điểm cầu Nhà Quốc hội, Đoàn ĐBQH Việt Nam đã tham dự Phiên thảo luận các dự thảo Nghị Quyết về các vấn đề kinh tế và thương mại theo hình thức trực tuyến, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường vai trò nghị viện trong thúc đẩy nền kinh tế số và tăng cường kết nối, hợp tác quốc tế.

 

Toàn cảnh Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Phiên thảo luận các Dự thảo Nghị Quyết về các vấn đề kinh tế và thương mại theo hình thức trực tuyến

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Phiên họp có Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Thái Quỳnh Mai Dung - Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội Việt nam tham dự Phiên thảo luận các dự thảo Nghị quyết về các vấn đề kinh tế và thương mại; đại diện Bộ Ngoại giao; đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tại phiên họp trực tuyến, các đại biểu tập trung thảo luận các Dự thảo Nghị quyết về “Tăng cường hợp tác quốc tế vì khả năng tự cường lớn hơn về kinh tế và phục hồi nền kinh tế bao trùm; về “Thúc đẩy nền kinh tế số và tăng cường kết nối”; Dự thảo Nghị quyết về “Vai trò của nghị viện trong việc tăng cường hội nhập kinh tế và thúc đẩy thương mại trong khu vực”.

Dự thảo Nghị quyết về “Thúc đẩy nền kinh tế số và tăng cường kết nối” được đồng bảo trợ bởi Hàn Quốc, Canada, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Australia. Còn dự thảo Nghị quyết về “Tăng cường hội nhập kinh tế và thúc đẩy thương mại trong khu vực” được đồng bảo trợ bởi Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên bang Nga và Việt Nam.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Thái Quỳnh Mai Dung làm Trưởng đoàn tham dự Phiên thảo luận các Dự thảo Nghị quyết về các vấn đề kinh tế và thương mại

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã thảo luận và cho ý kiến vào 2 dự thảo Nghị quyết, đồng thời chủ động xây dựng và đề xuất vào dự thảo Nghị quyết về “Thúc đẩy nền kinh tế số và tăng cường kết nối”.

Đoàn Việt Nam nhận thấy, việc thúc đẩy nền kinh tế số và tăng cường kết nối là chủ đề được ưu tiên tại các diễn đàn của Liên hợp quốc cũng như trong hợp tác khu vực của APEC và phù hợp với quan tâm, các định hướng thúc đẩy hợp tác quốc tế của Việt Nam. Năm 2020, APEC thông qua Tầm nhìn APEC đến năm 2040 về cộng đồng Châu Á - Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường, hòa bình, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai. Năm 2021, New Zealand có chủ đề “Cùng phối hợp, cùng hành động, cùng tăng trưởng” với 3 ưu tiên chính gồm: (1) thúc đẩy phục hồi thông qua các chính sách kinh tế - thương mại; (2) thúc đẩy phục hồi thông qua tăng cường phát triển bao trùm và bền vững; (3) thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phục hồi số hóa.

Trong những năm gần đây, APPF cũng đã đưa ra một số Nghị quyết về hợp tác kinh tế thương mại trong khu vực (APPF-25), Nghị quyết về thúc đẩy vai trò Nghị viện trong hợp tác kinh tế khu vực (APPF-26), Nghị quyết về nâng cao sự tham gia của kinh tế số và tăng cường kết nối khu vực (APPF-28), Tuyên bố Hà Nội về tầm nhìn APPF đến năm 2030 trong đó nhấn mạnh thúc đẩy phát triển bao trùm, bền vững và tăng cường hội nhập kinh tế, vì một khu vực thương mại tự do rộng mở, công bằng, phát triển mọi tiềm năng của kinh tế số.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Phiên thảo luận các Dự thảo Nghị Quyết về các vấn đề kinh tế và thương mại

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam nhấn mạnh, để tăng cường phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19, nhiệm vụ quan trọng hiện nay là phải tăng cường hợp tác quốc tế, xác định kinh tế số và thương mại điện tử là động lực thúc đẩy phục hồi tăng trưởng, đưa thương mại điện tử và kinh tế số trở thành ưu tiên trong các chiến lược, chính sách phục hồi tăng trưởng và thích ứng với đại dịch COVID-19; thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, phê duyệt/phê chuẩn khi cần thiết các thỏa thuận hợp tác quốc tế công nhận lẫn nhau về tiêm chủng, hợp tác sản xuất vắc-xin, chia sẻ vắc-xin và thuốc điều trị giữa các nền kinh tế APEC; tạo thuận lợi đi lại giữa các nước, đẩy nhanh các biện pháp thích nghi, chuyển đổi mô hình phát triển trong đó chú trọng tính bền vững và hiệu quả, phát triển hệ sinh thái và môi trường thương mại điện tử thông qua các biện pháp hỗ trợ về hạ tầng, tài chính, công nghệ thông tin và viễn thông.

Từ dự thảo Nghị quyết, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam cũng đề xuất khuyến nghị APPF:

 (1) Cần khẳng định quyết tâm của các nghị viện thành viên APPF trong việc phát huy tối đa vai trò hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, thể chế quốc gia nhằm hỗ trợ phát triển hơn nữa nền kinh tế số, ưu tiên xây dựng chính phủ điện tử, quản lý các nền tảng thương mại điện tử; chia sẻ kinh nghiệm phát triển cơ chế sandbox đối với FinTech (công nghệ tài chính); thúc đẩy hợp tác về thương mại điện tử; bảo mật thông tin giao dịch, bảo vệ quyền riêng tư cá nhân, an toàn mạng, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo;

(2) Ủng hộ APEC hiện thực hóa Tầm nhìn 2040, phát triển nền kinh tế kỹ thuật số bền vững, thúc đẩy đổi mới sáng tạo hướng tới tương lai số, tăng cường cơ sở hạ tầng và công nghệ số nhằm tạo thuận lợi cho các giao dịch số và dữ liệu tự do, đồng thời tôn trọng luật pháp và quy định hiện hành trong nước;

Phiên thảo luận các Dự thảo Nghị Quyết về các vấn đề kinh tế và thương mại theo hình thức trực tuyến nhằm chuẩn bị các văn kiện cho APPF-29 tại Hàn Quốc vào tháng 12 tới

Đoàn Việt Nam cũng kiến nghị cần tăng cường sự tham gia của nghị viện nhằm thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau và tăng cường hợp tác về các cách tiếp cận lập pháp tác động đến Internet và kinh tế số, đồng thời khẳng định lại cam kết mạnh mẽ hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, tự do, cởi mở, công khai và minh bạch, tự cường, bao trùm, chủ động thích ứng phục hồi sau COVID-19.

Đề cập đến dự thảo Nghị quyết về “Tăng cường hội nhập kinh tế và thúc đẩy thương mại trong khu vực”, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đề xuất cần khẳng định vai trò và sự tham gia của các Nghị viện thành viên APPF trong việc tạo môi trường thể chế thuận lợi cho hội nhập kinh tế, khôi phục các cơ chế hợp tác khu vực và thúc đẩy thương mại nhằm thực hiện mục tiêu dài hạn của Khu vực Thương mại Tự do Châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) và Thương mại tự do dựa trên chủ nghĩa đa phương trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch COVID-19./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Các bài viết khác