Tham dự Hội thảo còn có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong, Lê Anh Tuấn; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Hồng Nguyên; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cùng đại diện lãnh đạo, cán bộ của các Ủy ban, đơn vị của Quốc hội.
Về phía khách quốc tế có bà Nicole Wyrsch- Đại biện lâm thời (Đại sứ quán Thụy Sĩ); ông Hidaka Yoshihito-Bí thư thứ Nhất, Ban Kinh tế (Đại sứ quán Nhật Bản) cùng đại diện một số cơ quan, tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển công nghệ Blockchain và khuyến nghị cho Việt Nam”.
Chủ trương về chuyển đổi số và phát triển kinh tế số đã được nêu trong nhiều văn kiện của Đảng và Nhà nước ta. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự tham gia và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các Hiệp hội, doanh nghiệp và toàn xã hội. Thực tế, trong những năm qua, việc phát triển nền kinh tế số đã và đang được triển khai trên nhiều phương diện và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế số đã tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Hiện nay, trên thế giới đang ghi nhận một trong những chìa khóa mở cửa nhanh nhất cho nền kinh tế kỹ thuật số chính là công nghệ Blockchain. Công nghệ này đang được khẳng định là tác nhân trọng yếu của nền kinh tế số, khiến các doanh nghiệp buộc phải định nghĩa lại các khái niệm cũ như tư liệu, tài sản, hợp đồng, mô hình doanh nghiệp, cổ phần... Ngoài ra, Blockchain còn hình thành các mô hình, cấu phần nền kinh tế mới như: Trao đổi vạn vật (exchange of things), kinh tế máy... Từ đó, Blockchain đang và sẽ thay đổi hoàn toàn phương thức kinh doanh - sản xuất hiện tại. Từ đó, hình thành vô số hình thái mới và quan trọng, kéo theo kết cấu xã hội, cách con người tương tác với nhau hay con người tương tác với vạn vật.
Xuất phát từ bối cảnh trong và ngoài nước nói trên, thể hiện sự đồng hành của Quốc hội đối với Chính phủ, được sự nhất trí của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển công nghệ Blockchain và khuyến nghị cho Việt Nam”.
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Tại Hội thảo, đa số các đại biểu Việt Nam và đại diện một số cơ quan, tổ chức quốc tế đều nhấn mạnh trong những năm gần đây, công nghệ Blockchain đang ngày càng thu hút hơn khi nó đã cách mạng hóa thương mại truyền thống do tính năng sổ cái phân tán, mọi bản ghi trong sổ cái này đều được bảo mật bằng các quy tắc mật mã giúp thông tin được an toàn và không bị giả mạo. Việc ứng dụng công nghệ Blockchain đang tạo ra nhiều lợi ích trong việc tăng hiệu quả quy trình làm việc, lưu trữ dữ liệu, quản lý việc cung cấp hàng hóa, giảm lỗi trong luồng tài liệu và thời lượng, giảm thời gian của chu trình hậu cần.
Nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã nhận ra tiềm năng của công nghệ Blockchain và tìm cách áp dụng vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, vận tải, logistic, y tế, giáo dục.... Trước làn sóng bùng nổ của công nghệ toàn cầu, với chính sách ngày càng thuận lợi, mức độ quan tâm của doanh nghiệp ngày càng tăng, thị trường Blockchain Việt Nam dự báo tiếp tục tích cực. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam, cùng sự nhạy bén nắm bắt xu hướng mới đã xây dựng được tên tuổi của mình trong lĩnh vực cung cấp nền tảng ứng dụng Blockchain.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ Blockchain rất cần có sự định hướng và dẫn dắt kịp thời. Với mục tiêu Việt Nam không bị “bỏ lại phía sau” và chậm nhịp so với sự phát triển về công nghệ của nhiều nước, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng lần đầu tiên nhấn mạnh đến chuyển đổi số và phát triển kinh tế số. Theo đó, Văn kiện nhấn mạnh cần “phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”, đồng thời đặt ra yêu cầu đổi mới tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hướng tới mục tiêu: “đến năm 2025 kinh tế số đóng góp khoảng 20% GDP, năm 2030 khoảng 30% GDP”.
Để thực hiện được nhiệm vụ trên, ngoài những nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan, tổ chức liên quan, cần thiết có sự đồng hành và chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia đang trong tiến trình số hoá cũng như các doanh nghiệp trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực này, giám sát việc thực hiện của Chính phủ về ngân sách và các cam kết quốc tế, nghị quyết, văn bản pháp luật khác của Quốc hội về các chính sách phát triển nền kinh tế số.
Theo đó, với mục đích chủ động tham mưu và cập nhật thêm kiến thức về vấn đề trên, Hội thảo nhằm tìm hiểu và tăng cường kinh nghiệm, chuẩn hoá giải pháp phát triển và ứng dụng công nghệ Blockchain, hướng tới hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng thể chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động liên quan đến công nghệ.
Phó Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia Phạm Quốc Hoàn.
Tại Hội thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia Phạm Quốc Hoàn khẳng định lợi ích của công nghệ Blockchain mang lại như bảo vệ thông tin riêng tốt hơn, tiết kiệm chi phí, cung cấp thông tin cho đúng người một cách minh bạch hơn....
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì công nghệ Blockchain cũng đặt ra những thách thức lớn đối với Chính phủ ở các nước. Đó là những thách thức chính phổ biến nhất liên quan đến các vấn đề trốn thuế, rửa tiền, tài trợ cho khủng bố... Lý do là tính xuyên quốc gia của Blockchain thách thức việc thi hành luật quốc gia. Các ứng dụng Blockchain rất khó để cấm hoặc điều chỉnh, bởi vì người dùng có thể dễ dàng bỏ qua các ràng buộc pháp lý đặt bởi một Chính phủ cụ thể. Thách thức khác biệt với các công nghệ Internet trước đó là các ứng dụng dựa trên Blockchain hoạt động độc lập với bất kỳ cơ quan trung gian hoặc cơ quan đáng tin cậy nào. Chính phủ có thể “nắm giữ” các bên chịu trách nhiệm tạo ra và triển khai các hệ thống dựa trên Blockchain, trong chừng mực những hệ thống này được sử dụng để tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp. Tuy nhiên, các luật về trách nhiệm pháp lý này có thể gây cản trở đáng kể đến sự đổi mới trong lĩnh vực này và thậm chí nếu các nhà phát triển hệ thống dựa trên các Blockchain trái phép đã bị buộc tội vì công nghệ của họ. Điều này sẽ không ảnh hưởng đến các hoạt động của hệ thống.
Trước những thách thức đó, theo Phó Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia Phạm Quốc Hoàn, khi mở rộng ứng dụng công nghệ Blockchain, hệ thống pháp luật cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để tránh những nguy cơ rủi ro đến người dân và các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị khác.
Chia sẻ về góc nhìn chính sách của Hoa Kỳ về Chuỗi khối và tài sản kỹ thuật số, bà Pamnella Devolder, Quyền Phó Đại sứ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cho rằng, việc ứng dụng công nghệ Blockchain cần đặt trong nhiệm vụ quản lý tài sản ảo, phòng chống rửa tiền, chống tài sản khủng bố, phòng chống rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyền truyền cho người dân phân biệt về tiền ảo, tài sản ảo, tiền điện tử, tiền mã hóa... khi giao dịch, ứng dụng công nghệ Blockchain.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến phát biểu kết luận tại Hội thảo.
Phát biểu kết luận Hội thảo, các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến cảm ơn và đánh giá cao các ý kiến đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm của các đại biểu đến từ Việt Nam cũng như đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế tại Việt Nam khi đề cập về công nghệ Blockchain.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến, việc ứng dụng công nghệ Blockchain còn rất mới đối với người dân Việt Nam và để đảm bảo việc ứng dụng công nghệ mới này thì hệ thống pháp luật phải đảm bảo chặt chẽ để ngăn chặn những rủi ro đối với nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp nên Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, bàn thảo kỹ lưỡng hơn và mong nhận được chia sẻ kinh nghiệm nhiều hơn nữa của các cơ quan tổ chức quốc tế./.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Tại Hội thảo, các đại biểu Việt Nam và đại diện một số tổ chức quốc tế khẳng định việc ứng dụng công nghệ Blockchain đang tạo ra nhiều lợi ích trong việc tăng hiệu quả quy trình làm việc, lưu trữ dữ liệu, quản lý việc cung cấp hàng hóa...
Tuy nhiên, các đại biểu bày tỏ bên cạnh những ưu điểm thì việc ứng dụng công nghệ Blockchain cũng có những mặt hạn chế.
Các đại biểu quốc tế chỉ ra thách thức đối với việc ứng dụng Blockchain là về hệ thống pháp lý cần chặt chẽ hơn cũng như cần gắn chặt trách nhiệm quản trị rủi ro cho người dân khi ứng dụng công nghệ mới này.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam Phan Đức Trung khẳng định sự hữu ích và tiện lợi khi sử dụng ứng dụng công nghệ Blockchain.
Bà Pamnella Devolder, Quyền Phó Đại sứ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội chia sẻ về góc nhìn chính sách của Hoa Kỳ về Chuỗi khối và tài sản kỹ thuật số.
Ông Hidaka Yoshihito-Bí thư thứ Nhất, Ban Kinh tế (Đại sứ quán Nhật Bản) chia sẻ kinh nghiệm quản lý thị trường tiền mã hóa.
Bà Nicole Wyrsch- Đại biện lâm thời (Đại sứ quán Thụy Sĩ) chia sẻ về kinh nghiệm của các ngân hàng trong quản lý tài sản số tại Thụy Sĩ.
Tại Hội thảo, các đại biểu còn thảo luận về việc quản lý tài sản ảo, phòng chống rủi ro cho hệ thống ngân hàng... khi ứng dụng công nghệ Blockchain.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến, việc ứng dụng công nghệ Blockchain còn rất mới đối với người dân Việt Nam và để đảm bảo việc ứng dụng công nghệ mới này thì hệ thống pháp luật phải đảm bảo chặt chẽ để ngăn chặn những rủi ro đối với nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp nên Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, bàn thảo kỹ lưỡng hơn và mong nhận được chia sẻ kinh nghiệm nhiều hơn nữa của các cơ quan, tổ chức quốc tế.