CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI CỦA QUỐC HỘI KHOÁ XV: THÀNH CÔNG TRÊN SỰ KẾT HỢP HÀI HOÀ, CHỦ ĐỘNG, TÍCH CỰC, LINH HOẠT VÀ HIỆU QUẢ
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
Đối ngoại Quốc hội - Phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của ngoại giao Việt Nam
Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, độc lập, tự cường và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc luôn luôn là nguyên tắc bất biến, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động. Trong 37 năm đổi mới vừa qua, kế thừa và phát huy truyền thống đối ngoại vẻ vang của dân tộc, nhất là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đặt nền móng cho nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh, Đảng ta đã kế thừa và không ngừng bổ sung, phát triển, hoàn thiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở vì hoà bình, hợp tác và phát triển, thực thi chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc với yêu cầu rất cao trong thời kỳ mới đòi hỏi phải phát huy cao độ nội lực, kết hợp với ngoại lực, quyết tâm tận dụng mọi thời cơ, thuận lợi; vượt qua mọi khó khăn, thách thức để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Bất kỳ quốc gia, dân tộc nào trong quá trình hình thành và phát triển cũng đều phải xử lý hai vấn đề cơ bản là đối nội và đối ngoại. Hai vấn đề này có mối quan hệ hữu cơ, biện chứng, tác động qua lại, hỗ trợ lẫn nhau như hai cái cánh của một con chim, tạo thế và lực cho nhau, gắn kết và đan xen ngày càng chặt chẽ với nhau, nhất là trong điều kiện toàn cầu hoá phát triển mạnh mẽ và sâu rộng. Đối ngoại ngày nay không chỉ là sự nối tiếp của chính sách đối nội, mà còn là một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của các quốc gia, dân tộc.
Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra chủ trương, đường lối đối ngoại trong thời kỳ mới với nhiều nội dung cốt lõi. Trong đó, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Đưa các mối quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, thực chất, thiết thực; huy động và kết hợp có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài với nguồn lực trong nước để phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV
Trong tổng thể đường lối đối ngoại của đất nước, đối ngoại của Quốc hội có những đặc thù và lợi thế riêng xuất phát từ địa vị pháp lý là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân. Vì vậy, đối ngoại Quốc hội có tính đặc thù, vừa mang tính nhà nước, vừa mang tính Nhân dân sâu sắc. Từ đó, đối ngoại Quốc hội có thể đóng vai trò gắn kết giữa ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của ngoại giao Việt Nam.
Ngay tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, hoạt động đối ngoại của Quốc hội ngày càng được đẩy mạnh và mở rộng trên cả bình diện song phương và đa phương, đưa ngoại giao nghị viện đi vào chiều sâu, góp phần làm cho nhân dân thế giới và bạn bè quốc tế ngày càng hiểu biết rõ hơn về đất nước, con người và nền văn hoá Việt Nam; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới và bạn bè quốc tế; nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam nói chung, và Quốc hội Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế. Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ đất nước trong giai đoạn mới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu Quốc hội cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí của mình, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá của Đảng và Nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và phát biểu tại phiên họp đặc biệt của Quốc hội Cuba khóa X, lễ kỷ niệm 62 năm Chiến thắng Giron
Thực tiễn hoạt động của Quốc hội cho thấy phương châm, định hướng đối ngoại của Quốc hội thể hiện rõ nét trong từng hoạt động, để lại dấu ấn sâu sắc với nhiều tác động tích cực, thiết thực cho sự ổn định, phát triển đất nước. Công tác đối ngoại của Quốc hội được triển khai tích cực và hiệu quả, ngày càng minh chứng là động lực quan trọng, góp phần làm sâu sắc mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện, nhiều mặt giữa Việt Nam với các đối tác và bạn bè trên thế giới. Dưới sự lãnh đạo sâu sát của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, việc triển khai các hoạt động đối ngoại đã bám sát Chương trình đối ngoại của Lãnh đạo chủ chốt và Lãnh đạo cấp cao được Bộ Chính trị phê duyệt, Chương trình hoạt động đối ngoại của Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, các hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã diễn ra sôi động trên cả bình diện song phương và đa phương.
Công tác đối ngoại của Quốc hội được triển khai toàn diện, sâu rộng
Năm 2021 là năm chuyển giao nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và cũng là năm Đại dịch COVID-19 tạo ra những thách thức chưa từng có. Song với tinh thần biến thách thức thành cơ hội, hoạt động đối ngoại của Quốc hội không những vẫn đảm bảo được mạch phát triển mà còn diễn ra sôi động, hiệu quả trên cả bình diện song phương và đa phương. Những thử thách của đại dịch toàn cầu không những không ngăn trở được hoạt động đối ngoại của Quốc hội mà ngược lại, còn thúc đẩy sự đổi mới và những đóng góp quan trọng, thực chất của Quốc hội trong lĩnh vực hết sức quan trọng này.
Năm 2022, hoạt động ngoại giao nghị viện song phương, đặc biệt là trao đổi Đoàn cấp cao Lãnh đạo Quốc hội và các hoạt động trực tiếp của các đại biểu Quốc hội, các Nhóm Nghị sĩ hữu nghị được mở rộng và đi vào chiều sâu; góp phần làm sâu sắc mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện, nhiều mặt giữa Việt Nam với các đối tác và bạn bè trên thế giới, tạo dựng môi trường hòa bình ở khu vực, mở rộng hội nhập quốc tế trong bối cảnh mới. Nếu như mục tiêu chính trong hoạt động đối ngoại năm 2021 là ngoại giao vaccine thì năm 2022, trọng tâm của công tác đối ngoại là hỗ trợ công tác phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong tổng thể đó, công tác đối ngoại Quốc hội đã tập trung đẩy mạnh và triển khai một cách toàn diện, sâu rộng từ các hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Tiếp nối những thành tựu của năm 2021 và năm 2022, sang năm 2023, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 được kiểm soát hiệu quả trên phạm vi toàn cầu, việc triển khai các hoạt động đối ngoại của Quốc hội càng thêm thuận lợi. Sau khi Việt Nam và nhiều nước trên thế giới dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh, ngoại giao nghị viện song phương và đa phương diễn ra chủ yếu bằng hình thức trực tiếp, sôi nổi với các hoạt động của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, các Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam với các nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Lễ đón chính thức Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ Stéphanie D’Hose nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam
Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm bản lề trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (giao đoạn 2021 - 2025). Từ đầu năm đến nay, công tác đối ngoại của Quốc hội được triển khai tích cực, hiệu quả, đạt kết quả toàn diện, thực chất. Trong đó, ở cấp lãnh đạo Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có chuyến thăm chính thức Cộng hoà Cuba, Cộng hoà Argentina, Cộng hoà Đông Uruguay, Cộng hoà Indonesia và Cộng hoà Hồi giáo Iran hết sức thành công; hội đàm trực tuyến với Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Nhân đại toàn quốc) Trung Quốc. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã tham dự Đại hội đồng IPU-146 tại Manama, Bahrain và thăm Tây Ban Nha; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải thăm, làm việc Hàn Quốc; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định dự Hội nghị về sinh thái quốc tế tại Saint Peterburg, Nga…
Ngay từ đầu năm, khi đất nước chuẩn bị đón Xuân Quý Mão 2023, hoạt động đối ngoại của Quốc hội cũng diễn ra sôi động, với việc đón Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin Pyo thăm chính thức Việt Nam, khởi đầu cho hoạt động trao đổi đoàn cấp cao giữa Quốc hội Việt Nam và các nước trong năm 2023. Quốc hội Việt Nam đã đón lãnh đạo Nghị viện/Quốc hội các nước thăm chính thức như Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà Adama Bictogo; Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ Martin Candinas và gần đây nhất là chuyến thăm của Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ Stéphanie D’Hose diễn ra từ ngày 21/8-25/8.
Quốc hội cũng đón tiếp Phó Chủ tịch thứ nhất, Chủ tịch Nhóm Hợp tác với Quốc hội Việt Nam của Hội đồng Liên bang Nga Andrey Yatskin; Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Khambay Damlath; Tổng Thư ký Thượng viện Campuchia Oum Sarith; Phó Chủ tịch Hạ viện Cộng hoà Czech; Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam... sang thăm, làm việc tại Việt Nam. Đây là lãnh đạo Nghị viện các nước láng giềng, các đối tác quan trọng của Việt Nam ở khắp các châu lục, trên toàn thế giới. Hiện nay, Quốc hội Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho việc tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 diễn ra từ ngày 14-18/9/2023 tại thủ đô Hà Nội - sự kiện đối ngoại đa phương trọng tâm của Quốc hội Việt Nam trong năm 2023. Tiếp nối thành công của Đại hội đồng IPU-132 và Đại hội đồng AIPA-41, Hội nghị là cơ hội để Việt Nam tiếp tục thể hiện và quảng bá hình ảnh Việt Nam và Quốc hội Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Vũ Hải Hà
Phát huy "sức mạnh mềm" của ngoại giao nghị viện
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Vũ Hải Hà, hoạt động đối ngoại của Quốc hội thời gian qua tiếp tục được triển khai chủ động, tích cực, toàn diện, ở trên bình diện song phương và đa phương; góp phần quan trọng trong tổng thể thành tựu đối ngoại chung của đất nước; đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước phát triển theo chiều sâu, toàn diện và thực chất; đóng góp thiết thực cho các kênh ngoại giao vaccine, ngoại giao kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội ở trong nước; được đánh giá là “điểm sáng trong quan hệ song phương” trong tổng thể quan hệ với nhiều nước. Công tác đối ngoại của Quốc hội đã phát huy hiệu quả, lợi thế và nét đặc thù vừa mang tính nhà nước, vừa mang tính Nhân dân, ngày càng khẳng định vị thế của ngoại giao nghị viện trong nền ngoại giao toàn diện, hiện đại của Việt Nam.
Với chức năng lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà nêu rõ, Quốc hội đã khẳng định vai trò tích cực, tiên phong trong việc thể chế hóa, nội luật hóa các cam kết quốc tế của Việt Nam trong hệ thống pháp luật của đất nước; xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với các đối tác quan trọng; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của ngành ngoại giao, phục vụ phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của đất nước trong giai đoạn mới; tiếp tục thể chế hóa các cam kết quốc tế của Việt Nam trong hệ thống pháp luật của đất nước.
Với những hoạt động đối ngoại phong phú được triển khai đa dạng về chủ thể, đối tác, không chỉ ở kênh Quốc hội, mà còn cả kênh Đảng, Chính phủ và nhân dân, có thể nói, ngoại giao nghị viện đã và đang góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực, mở ra quan hệ hợp tác sâu rộng giữa Việt Nam với các nước, đối tác song phương và đa phương trong bối cảnh mới; góp phần nâng cao vị thế của Quốc hội tại các diễn đàn liên nghị viện quốc tế và khu vực.
Mặt khác, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đánh giá, Quốc hội đã thể chế hóa các chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, quyết định các vấn đề quan trọng trong lĩnh vực đối ngoại và giám sát việc thực thi các chính sách, pháp luật về đối ngoại và các cam kết quốc tế của Việt Nam; triển khai các hoạt động ngoại giao nghị viện song phương và đa phương. Quốc hội Việt Nam tiếp tục đổi mới, năng động và hành động, phát huy vai trò, “sức mạnh mềm” của ngoại giao nghị viện, đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, đa dạng hóa, đa phương hóa, nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế của Đảng và Nhà nước ta./.