CHỦ NHIỆM ỦY BAN ĐỐI NGOẠI TIẾP GIÁM ĐỐC QUỐC GIA NGÂN HÀNG THẾ GIỚI TẠI VIỆT NAM

15/02/2019

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu vừa có cuộc tiếp Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione tại Nhà Quốc hội.

Nhân dịp Tết Kỷ Hợi 2019, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu và Giám đốc Ousmane Dione chúc mối quan hệ giữa Ngân hàng Thế giới (WB) và QH Việt Nam ngày càng phát triển và hiệu quả trên thực tế. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đánh giá cao thiện chí và sự hỗ trợ của WB trong việc giúp Việt Nam phát triển trở thành nước có thu nhập trung bình cao và cho rằng trong Khuôn khổ đối tác quốc gia giai đoạn 2017-2022, các chiến lược phát triển của WB phù hợp và sát với tình hình của Việt Nam. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại đặc biệt ủng hộ 5 trụ cột của WB đề xuất, đó là: Phát triển khu vực tư nhân; tăng cường tính bền vững tài chính công và trong lĩnh vực y tế, giáo dục; hỗ trợ triển khai cam kết chống biến đổi khí hậu; hỗ trợ phát triển toàn diện đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là sinh kế, y tế, giáo dục, nước sạch; hỗ trợ phát triển giáo dục sau phổ thông bao gồm đào tạo dạy nghề và đại học. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại đề nghị các mục tiêu cần có sự liên kết với nhau, tiếp cận đa ngành nhằm đạt hiệu quả cao hơn, toàn diện hơn.

Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu và Giám đốc Ousmane Dione cũng đã trao đổi thân tình, thẳng thắn về một số thách thức của Việt Nam. Hai bên cho rằng, biến đổi khí hậu là vấn đề lớn ở Việt Nam. Giải pháp đối với biến đổi khí hậu có liên quan đến phát triển hạ tầng. Đặc biệt là khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long - khu vực bị ảnh hưởng sâu sắc của biến đổi khí hậu - nhưng hạ tầng không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại hy vọng WB quan tâm đưa vào kế hoạch phát triển của mình các vấn đề này.

Giám đốc Ousmane Dione đồng ý với Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu rằng các vấn đề mà Việt Nam đang phải giải quyết có liên quan chặt chẽ với nhau. Hai bên cũng cho rằng, để giải quyết nhu cầu về hạ tầng và giao thông ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Nhà nước cần đầu tư và nghiên cứu đa dạng hóa các loại hình giao thông vận tải như phát triển giao thông đường thủy, đường hàng không, đường bộ, dù việc đầu tư hạ tầng khu vực này phức tạp và phát sinh chi phí lớn.

Đầu tư phát triển nguồn nhân lực cũng là vấn đề cần được quan tâm. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho biết, Việt Nam đang rất cần sự đầu tư của WB trong lĩnh vực này, nhất là trong thời kỳ dân số vàng - giai đoạn lao động là lợi thế lớn đóng góp cho sự phát triển bền vững.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại đánh giá cao các sáng kiến đầu tư của WB và khuyến nghị, WB cần quan tâm chính sách đầu tư tới hiệu quả cuối cùng, tránh nửa vời nhằm bảo đảm hiệu quả đầu tư và phát triển toàn diện của các dự án.

Hai bên đều mong muốn trong thời gian tới, WB sẽ có những đề xuất thiết thực, phù hợp với sự phát triển của Việt Nam và đối với Quốc hội Việt Nam; WB không chỉ tập trung vào việc hợp tác về lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân sách mà tăng cường hợp tác toàn diện hơn, đặc biệt trong nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật.

Nhân dịp này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cũng thông báo, Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã bố trí thời gian đón tiếp và làm việc với Phó Chủ tịch WB Makhtar Diop từ ngày 19 - 22/02 tới theo đề xuất của WB.

Vụ Đối ngoại - Văn phòng Quốc hội