Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại phiên họp Ảnh: Đình Nam
Tham dự phiên họp sáng 19/4 có Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, các thành viên Ủy ban Đối ngoại, đại diện Hội đồng Dân tộc, một số Ủy ban của Quốc hội và đại diện các Bộ, ngành hữu quan khác.
Tại phiên họp, Ủy ban Đối ngoại tiến hành thẩm tra đề nghị phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam- Lào và thẩm tra đề nghị phê chuẩn Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Ủy ban Đối ngoại cũng đã tiến hành thẩm tra các Tờ trình của Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm 24 đồng chí làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2017- 2020.
Tại phiên họp buổi chiều, Ủy ban Đối ngoại cho ý kiến về Tờ trình số 31/TTr- CP ngày 17/01/2017 của Chính phủ về việc xem xét, cho ý kiến đối với việc phê duyệt Nghị định thư 7 về hệ thống quá cảnh hải quan thuộc Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh. Tham dự phiên họp buổi chiều 19/4 các thành viên Ủy ban Đối ngoại, đại diện Hội đồng Dân tộc, một số Ủy ban của Quốc hội và một số Bộ, ngành hữu quan khác.
Nghị định thư 7 là một trong 9 Nghị định thư nằm trong Hiệp định khung ASEAN về Tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh đã được Chính phủ Việt Nam ký tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 17 vào ngày 4/4/2013.
Các đại biểu tham dự phiên họp đã cho ý kiến về quy trình, thủ tục và hồ sơ trình Nghị định thư cũng như sự phù hợp giữa Nghị định thư với các quy định của pháp luật Việt Nam. Các đại biểu tham dự cuộc họp về cơ bản nhất trí với báo cáo và giải trình của Bộ Tài chính về các nội dung đã được nêu tại phiên họp Thường trực Ủy ban Đối ngoại thẩm tra sơ bộ việc phê duyệt Nghị định thư này liên quan đến quy trình, thủ tục phê duyệt và sự phù hợp giữa Nghị định thư 7 với Luật, nghị quyết do Quốc hội ban hành.
Về hồ sơ trình Nghị định thư, có đại biểu cho rằng việc Chính phủ ban hành Nghị định để quy định về việc quá cảnh hàng hóa trên Hệ thống quá cảnh ASEAN để thực hiện Nghị định thư 7 cần phải có đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 95 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, theo đó cần bổ sung Báo cáo đánh giá tác động, Báo cáo thẩm định, Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến của các bộ ngành theo quy định. Bên cạnh đó, cơ quan trình cần rà soát bổ sung các quy định tại Nghị định thư 7 vào các dự thảo luật có liên quan đang được Quốc hội xem xét thông qua trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 như Luật quản lý ngoại thương.
Ngoài ra, có đại biểu bày tỏ băn khoăn về việc đáp ứng của cơ sở hạ tầng và hệ thống hải quan trong nước đối với yêu cầu thực thi của Nghị định thư 7, đồng thời đặt ra vấn đề nâng cao năng lực của các cán bộ hải quan trong việc thực thi Nghị định thư này. Giải trình vấn đề này, đại diện Bộ Tài chính khẳng định hệ thống thông quan điện tử của Việt Nam hiện nay đã kết nối thành công với các nước ASEAN theo cơ chế một cửa của ASEAN.
Tại phiên họp, thay mặt Bộ Tài chính, Thứ trưởng Vũ Thị Mai tiếp thu ý kiến của các đại biểu và đề nghị Ủy ban Đối ngoại báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép Chính phủ tiến hành thủ tục phê duyệt Nghị định thư 7 và chuẩn bị ban hành Nghị định nhằm triển khai thực hiện Nghị định thư trong thời gian tới.
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Ủy ban Đối ngoại và các Bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát Nghị định thư 7 các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đồng thời hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành./.