Tham dự thẩm tra có đồng chí Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương cùng toàn bộ Thường trực Ủy ban Đối ngoại và một số Ủy viên Ủy ban Đối ngoại khu vực phía Bắc; đại diện Thường trực các Ủy ban: Kinh tế, Quốc phòng và An ninh, Pháp luật, Các vấn đề xã hội; đồng chí Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo và đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tư pháp, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo.
Tại phiên họp, đa số các đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật cơ quan đại diện, đồng thời nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung Luật là cần thiết nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và các Nghị quyết của Đảng về hội nhập quốc tế được ban hành trong thời gian gần đây.
Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng các quy định về tiêu chuẩn của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền như tại dự thảo luật còn chung chung, chưa gắn với các điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ theo quy định tại các văn bản của Đảng như Quyết định số 68-QĐ/TW ngày 4/7/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử, Luật cán bộ công chức, đồng thời tiêu chuẩn đặc thù của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền cũng chưa thực sự rõ ràng. Có ý kiến đề nghị dự thảo Luật nên quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền trên cơ sở tham khảo tiêu chuẩn phong hàm Đại sứ theo quy định tại Pháp lệnh về hàm, cấp ngoại giao (Điều 13); lượng hóa các tiêu chuẩn bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền và cần tạo nguồn cán bộ đủ tiêu chuẩn để đề nghị bổ nhiệm Đại sứ.
Về tiêu chuẩn chung đối với thành viên cơ quan đại diện, có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung tiêu chuẩn đầu tiên của thành viên cơ quan đại diện phải là “Trung thành với Tổ quốc và lợi ích quốc gia, dân tộc”. Có ý kiến đề nghị các quy định về tiêu chuẩn, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ... của thành viên cơ quan đại diện cần được Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể thay vì Bộ trưởng Bộ Ngoại giao như tại dự thảo Luật để đảm bảo sự ổn định và góp phần nâng cao vị thế của thành viên cơ quan đại diện.
Về chế độ dành cho thành viên cơ quan đại diện, vợ hoặc chồng và con chưa thành niên đi theo thành viên cơ quan đại diện, Dự thảo Luật bổ sung quy định hỗ trợ học phí tại nước sở tại và chi phí mua bảo hiểm y tế đối với con chưa thành niên đi theo thành viên cơ quan đại diện. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị hỗ trợ một phần học phí tại nước sở tại tùy thuộc vào mức độ khó khăn của địa bàn công tác để phù hợp với điều kiện ngân sách và mặt bằng chế độ, chính sách chung đối với cán bộ, công chức trong nước hiện nay. Nhiều ý kiến đề nghị cần cải tiến việc thực hiện chế độ bảo hiểm y tế đối với thành viên cơ quan đại diện hiện nay để bảo đảm tính khả thi của Luật cơ quan đại diện và góp phần chăm sóc sức khỏe thành viên cơ quan đại diện ngày càng tốt hơn.
Kết luận phiên họp, đồng chí Nguyễn Văn Giàu đề nghị Bộ Ngoại giao phối hợp với Ủy ban Đối ngoại tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 13 sắp tới./.