ỦY BAN ĐỐI NGOẠI HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 7

23/05/2019

Chiều ngày 23/5, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 7, thẩm tra việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Tham dự phiên họp còn có Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung; Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan; đại diện lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; cùng các thành viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, tại kỳ họp thứ 7 này Quốc hội sẽ xem xét phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Theo chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ nghe trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước, Báo cáo thuyết minh của Chính phủ về việc về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế và thảo luận tại tổ về nội dung này vào ngày 29/5, sau đó, sẽ thảo luận tại hội trường vào ngày 7/6 và biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 vào ngày 14/6. Thực hiện nhiệm vụ được giao, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 34 vừa qua, Ủy ban Đối ngoại tiếp hành thẩm tra chính thức về nội dung này.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu phát biểu khai mạc phiên họp

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước và Báo cáo thuyến minh của Chính phủ về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế; đồng thời thảo luận về sự cần thiết gia nhập Công ước; về việc tuân thủ trình tự, thủ tục phê chuẩn Điều ước quốc tế; về tính hợp Hiến, phù hợp với luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; về khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế và yêu cầu sửa đổi bổ sung pháp luật trong nước phù hợp với điều ước quốc tế.

Trình bày Tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung nêu rõ, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, căn cứ quy định của Hiến pháp, Luật Điều ước quốc tế, Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định gia nhập Công ước số 98 của ILO tại  kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV.

Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung cho biết, Công ước số 98 về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể là một trong tám công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập kinh tế - quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc gia nhập Công ước số 98 là rất cần thiết và có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý và kinh tế - xã hội.

Theo đó, về chính trị, việc gia nhập Công ước góp phần khẳng định và thực hiện đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, đồng thời tiếp tục khẳng định cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên của ILO.

Về pháp lý, việc gia nhập Công ước sẽ góp phần củng cố và tăng cường cơ sở pháp lý để người lao động và người sử dụng lao động tiến hành thương lượng tập thể, ký kết thoải ước lao động tập thể một cách thực chất, hiệu quả hơn, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định.

Về kinh tế - xã hội, việc gia nhập và thực hiện Công ước góp phần cho thương lượng tập thể được thực chất, hiệu quả hơn. Qua đó góp phần làm giảm thiểu các tác động tiêu cực của toàn cầu hòa, hài hòa hóa quan hệ lao động, tác động tích cực đến nâng cao năng suất lao động.

Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tich nước Đào Việt Trung trình bày Tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98

Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể gồm 16 điều, quy định về bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn của người sử dụng lao động, bảo vệ tổ chức của người lao động khi không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động và những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện, thiện chí.

Trình bày báo cáo thuyết minh của Chính phủ về việc gia nhập Công ước số 98, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, trong nền kinh tế thị trường, tiền lương và điều kiện lao động dựa trên thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và tập thể người lao động, do vậy điều quan quan trọng là cần thúc đẩy thương lượng tập thể một cách thực chất và hiệu quả, nhất là thương lượng tập thể về tiền lương, nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Gia nhập và thực hiện Công ước 98 chính là giải pháp cụ thể nhằm thực hiện chủ trương của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Theo đó, Nhà nước sẽ chỉ ban hành mức lương tối thiểu; giảm dần, tiến tới không can thiệp mang tính hành chính, áp đặt vào việc trả lương của doanh nghiệp. Tiền lương trong doanh nghiệp sẽ do chính các bên quan hệ lao động quyết định thông qua thương lượng mà chủ yếu là thương lượng tập thể. 

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết các quy định của pháp luật Việt Nam tương thích với các quy định của Công ước số 98. Tuy nhiên, để bảo đảm thực thi đầy đủ, có hiệu quả Công ước trên thực tiễn sau khi gia nhập, Việt Nam cần nội luật hóa các quy định của Công ước. Trong đó, cần bổ sung bổ sung thương lượng tập thể được tiến hành theo nguyên tắc tự nguyện. Đồng thời, bỏ quy định thương lượng tập thể được thực hiện định kỳ một năm một lần. sửa đổi quy định về vai trò đại diện đương nhiên của công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở trong việc đại diện cho người lao động tại nơi chưa có công đoàn cơ sở để tiến hành thương lượng tập thể (bãi bỏ Khoản 3 Điều 188 Bộ luật Lao động 2012). Sửa đổi quy định về nội dung thương lượng tập thể, bảo đảm cách hiểu thống nhất. Bổ sung các quy định bảo đảm thương lượng tập thể không chỉ được thực hiện ở cấp doanh nghiệp và cấp ngành mà có thể được thực hiện ở bất kỳ cấp nào như cấp bộ phận doanh nghiệp, cấp vùng, cấp nhóm doanh nghiệp... và sửa đổi không quy định thủ tục trọng tài bắt buộc đối với mọi tranh chấp lao động tập thể về lợi ích xuất phát từ thương lượng tập thể.

Đại biểu phát biểu tại phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu tán thành với Tờ trình của Chủ tịch nước và Báo cáo thuyết minh của Chính phủ về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98; nhất trí với việc xem xét phê chuẩn gia nhập Công ước số 98. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị làm rõ, có thêm đánh giá tác động về một số vấn đề như việc rà soát, sửa đổi bổ sung pháp luật hiện hành trong nước, vấn đề sửa đổi Luật Công đoàn, tác động đến vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn Việt Nam, cơ chế giám sát thực hiện các nội dung Công ước, vai trò của Nhà nước trong thúc đẩy tạo điều kiện cho người lao động thực hiện được quyền thương lượng của mình, vấn đề tham gia tổ chức đại diện của người lao động nước ngoài tại Việt Nam…

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, trên cơ sở ý kiến đại biểu phát biểu tại phiên họp, Ủy ban Đối ngoại sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra chính thức về việc gia nhập Công ước để trình Quốc hội tại kỳ họp; đồng thời đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan hữu quan phối hợp để có thêm báo cáo, đánh giá tác động, cung cấp thông tin đến đại biểu Quốc hội về các vấn đề đại biểu đặt ra./.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh