Tọa đàm Cộng đồng Kinh tế ASEAN

16/06/2015

Chiều 16/6, phát biểu tại Tọa đàm về Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) do Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tổ chức, các đại biểu tham dự cho rằng, việc tham gia vào AEC sẽ là cơ hội nhưng cũng là thách thức cho Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Từ đó, các đại biểu đã đưa ra một số giải pháp, đề xuất cho vấn đề này.

Ảnh: Nam Nguyễn

Tham dự Tọa đàm có các vị đại biểu Quốc hội là lãnh đạo, thành viên một số Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý hoạt động trong lĩnh vực này. Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà chủ trì Tọa đàm.

Phát biểu khai mạc, Phó chủ nhiệm Vũ Hải Hà cho biết, Tọa đàm về Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là một trong những hoạt động quan trọng của Ủy ban Đối ngoại. Cùng với kết quả của Tọa đàm về Cộng đồng An ninh ASEAN (ASC), Tọa đàm về Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (ASCC), kết quả của Tọa đàm này sẽ phục vụ trực tiếp cho Phiên họp giải trình về Cộng đồng ASEAN vào ngày 18/8 sắp tới.

Báo cáo về tình hình thực thi, các cơ hội, thách thức và công tác chuẩn bị của Việt Nam đối với AEC, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, nhận thức được sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế ASEAN, trên cơ sở của Khu vực Thương mại tự do ASEAN (AFTA) và việc hình thành các thể chế khu vực, ASEAN đã xây dựng ý tưởng về AEC từ năm 2002 và được thông qua vào năm 2003 tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 9 với Tầm nhìn ASEAN 2020.

Về bản chất, AEC được hiểu như một khuôn khổ hội nhập kinh tế với mức độ sâu sắc hơn giữa các thành viên trong ASEAN. So với AFTA, AEC sẽ có sự phát triển đáng kể về phạm vi và mức độ tự do hóa. Theo đó, hàng hóa, dịch vụ, vốn, đầu tư và lao động kỹ năng sẽ được lưu chuyển tự do hơn giữa 10 nước thành viên.

Thảo luận về tình hình triển khai AEC, triển vọng và những khó khăn, thách thức đối với Việt Nam, các đại biểu cho rằng, việc hình thành AEC nói riêng và Cộng đồng ASEAN nói chung sẽ đưa sự hợp tác, đoàn kết của ASEAN lên một tầm cao mới, thể hiện ý chí, nguyện vọng của các quốc gia thành viên trong việc tăng cường liên kết khu vực.

Đây cũng là cơ hội cho các nước thành viên khi hàng rào thuế quan được loại bỏ, hàng rào phi thuế quan được cắt giảm, từ đó tạo tiền đề cho việc nâng cao sức mạnh kinh tế của khu vực ASEAN. Đồng thời là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế trên cơ sở khai thác các lợi thế khu vực, giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận các thị trường rộng lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… thông quá các hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực (FTA). AEC cũng là cơ hội tốt để Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, thực hiện các mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, việc hiện thực hóa AEC vào cuối năm 2015 và tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo còn nhiều thách thức lớn như: khả năng hoàn thành các biện pháp AEC đúng thời hạn, khả năng cam kết của các nước theo Kế hoạch tổng thể xây dựng AEC; thách thức trong việc nâng cao nhận thức của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp về AEC…

Theo Viện trưởng Viện Khoa học quản trị Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam TS. Phạm Ngọc Long, hiện có khoảng 80 đến 90% doanh nghiệp tại Việt nam là nhỏ hoặc “siêu nhỏ”, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn “đuối sức” và “hụt hơi” về trình độ lao động, quản trị doanh nghiệp… Việt Nam cần mau chóng có các quy định pháp luật về phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế nhỏ, vừa để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong quá trình gia nhập AEC.

Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam cho rằng, kinh nghiệp gia nhập WTO cho thấy chúng ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn có những tiêu chuẩn “hơi cao” so với sự phát triển chung của kinh tế, xã hội và doanh nghiệp. Do đó, Phó Tổng thư ký VASEP cho rằng, cần xem xét lại vấn đề này khi Việt Nam tham gia vào AEC.

Còn theo Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Mão, khi tham gia vào Cộng đồng ASEAN nói chung và AEC nói riêng cần có sự tham gia, phối hợp của các bộ, ngành. Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội cần xem xét để hoàn thiện lại hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề ra một số giải pháp cho Việt Nam trong quá trình tham gia vào AEC như việc hoàn thiện hệ thống pháp luật; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và các đối tượng chịu tác động; thúc đẩy cải cách hành chính, tạo thuận lợi hóa thương mại…

Phát biểu kết luận, Phó chủ nhiệm Vũ Hải Hà cho biết, trên cơ sở nội dung Tọa đàm này, Ủy ban Đối ngoại sẽ phối hợp cùng các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành có liên quan để xây dựng bộ câu hỏi mà các đại biểu quan tâm để làm tài liệu phục vụ cho Phiên họp giải trình về Cộng đồng ASEAN trong thời gian tới.

Quang Minh