CHỦ NHIỆM UỶ BAN ĐỐI NGOẠI NGUYỄN VĂN GIÀU LÀM VIỆC VỀ AN NINH NGUỒN NƯỚC CHO ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

05/05/2020

Sáng ngày 05/5, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đã làm việc với đại diện lãnh đạo Viện khoa học Thủy lợi Việt Nam về an ninh nguồn nước cho đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

 

Tại cuộc làm việc, các đại biểu đã nghe đại diện lãnh đạo Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam báo cáo về thực trạng chế độ nước ở ĐBSCL trước tác động của các thách thức, như biến đổi khí hậu, phát triển thượng lưu, lún sụt đất; đồng thời, thảo luận phương hướng, giải pháp bảo đảm an ninh nguồn nước và phát triển bền vững ĐBSCL. Các đại biểu cho rằng, ĐBSCL đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của cả nước, đứng đầu cả nước về sản lượng lương thực, cây trái và thủy sản, góp phần quan trọng vào chương trình an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, khu vực này đang đứng trước những nguy cơ, thách thức lớn làm ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh vùng đồng bằng, do biến đổi khí hậu - nước biển dâng cùng với các tác động của phát triển ở thượng lưu. Do đó, cần xác định bối cảnh nguồn nước nhằm có các định hướng giải pháp ứng phó trên đồng bằng, đặc biệt giải pháp thủy lợi ở ĐBSCL phục vụ phát triển KT-XH trong vùng.

Báo cáo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam về tác động của biến đổi khí hậu, phát triển thượng lưu và lún sụt đất lên ĐBSCL, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, GS.TS Nguyễn Vũ Việt cho biết, trong những năm gần đây, sự phát triển nhanh của các công trình thủy lợi trên sông Mekong đã tác động mạnh tới ĐBSCL làm thay đổi dòng chảy lũ, dòng chảy kiệt biến động mạnh và khôn lường, phù sa giảm mạnh. Đáng lưu ý, kế hoạch phát triển nông nghiệp ở các nước thượng lưu đang tăng mạnh dẫn tới gia tăng sử dụng nước làm giảm dòng chảy về ĐBSCL. Biến đổi khí hậu cũng đang tác động mạnh ở ĐBSCL, gây nước biển dâng, làm xâm nhập mặn sâu hơn; ngập diện rộng, sâu và kéo dài hơn. Hiện nay, mùa mặn ở ĐBSCL sớm hơn trong quá khứ, giữa và cuối mùa khô mặn giảm mạnh, tần suất các đợt mặn nghiêm trọng có xu hướng tăng lên, diện tích hạn mặn tiềm năng mùa khô có thể lên đến 65 - 70%. Tình trạng sụt lún đất tại ĐBSCL cũng đang diễn ra nhanh hơn, gây hạ thấp đồng bằng.


Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu làm việc với Viện khoa học Thủy lợi Việt Nam về an ninh nguồn nước ĐBSCL

Nêu lên thực trạng trên, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho rằng, phát triển ĐBSCL cần theo hướng thích nghi có kiểm soát, chủ động tạo ra chế độ nước hợp lý trên nền chế độ tự nhiên, làm giảm mức độ rủi ro, bấp bênh trong các hoạt động sản xuất ngành nông nghiệp. Đây cũng là giải pháp quan trọng để khai thác tối ưu nguồn tài nguyên đất - nước - ánh sáng; phát triển nền nông nghiệp theo hướng sinh thái - hữu cơ chất lượng cao.

Về định hướng giải pháp an ninh nguồn nước ĐBSCL, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam kiến nghị, cần tăng cường khả năng phát triển, bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn nước ngọt; đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế trong quản trị nguồn nước sông Mekong. Bên cạnh đó, một số giải pháp ngăn hạn cấp thiết cần được thực hiện trong thời gian tới như: nâng cấp đê vùng lũ phục vụ sản xuất quanh năm (cho 3 tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An); bổ sung các trạm bơm hỗ trợ cấp nước ngọt cho vùng ngọt hóa ven biển (Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng…); chuyển nước ngọt kết hợp chống ngập triều cho vùng trọng điểm tôm Nam QL1A tỉnh Bạc Liêu; bảo vệ bờ biển tại những vùng đang bị xói lở để ngăn chặn mất đất đang diễn ra nhanh…

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu ghi nhận và đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam về tác động của biến đổi khí hậu, phát triển thượng lưu và lún sụt đất lên khu vực ĐBSCL. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại nhấn mạnh, bảo đảm an ninh nguồn nước và phát triển bền vững khu vực ĐBSCL luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL đang ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của người dân ở khu vực này.

Tiếp thu những kiến nghị của Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho biết, sẽ có báo cáo gửi Chủ tịch Quốc hội và kiến nghị Thủ tướng nhằm sớm có giải pháp, quyết sách đúng đắn trong quản trị nguồn nước, phát triển thủy lợi ở ĐBSCL, đáp ứng sự mong mỏi của hàng triệu người dân ĐBSCL./.

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)