Hiện nay, Việt Nam đã tham gia hầu hết các Công ước quốc tế quan trọng về quyền con người như: Công ước quốc tế về xóa bỏ các hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước quốc tế về quyền trẻ em; Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị... Tại Kỳ họp thứ Tám vừa qua, QH đã phê chuẩn hai Công ước về quyền của người khuyết tật và Công ước về chống tra tấn, các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, thể hiện mạnh mẽ cam kết chính trị của Đảng, Nhà nước về bảo vệ, bảo đảm quyền con người ở Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã tham gia nhiều văn kiện của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về quyền của người lao động cũng như nhiều cơ chế đối thoại nhân quyền đa phương và song phương.
Các đại biểu dự Hội nghị đã nghe trình bày về các nội dung cơ bản của các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên; cơ chế rà soát báo cáo định kỳ phổ quát (UPR) và sự tham gia của Việt Nam; kết quả rà soát các quy định của pháp luật hiện hành đối chiếu với các điều khoản của Hiến pháp năm 2013 và với những điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã phê chuẩn hoặc tham gia. Nhiều đại biểu đề nghị cung cấp thêm thông tin về tiêu chí để một quốc gia được lựa chọn trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền thế giới; tính khả thi và tiến trình xem xét của Chính phủ về việc thành lập cơ quan chuyên trách quốc gia về quyền con người ở Việt Nam; phân tích cơ chế giám sát để bảo đảm những nội dung khuyến nghị đã cam kết sẽ được lồng ghép vào các dự luật sửa đổi, bổ sung; kinh nghiệm tham gia vào tiến trình UPR của các quốc gia...