ỦY BAN KINH TẾ CỦA QUỐC HỘI ĐỀ NGHỊ CHÍNH PHỦ QUAN TÂM HƠN ĐẾN CHẤT LƯỢNG TĂNG TRƯỞNG, TẬP TRUNG GIẢI QUYẾT YẾU KÉM

21/05/2018

Sáng 21/5, tiếp tục nội dung chương trình phiên khai mạc của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã nghe trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2018 của Ủy ban Kinh tế.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV

Về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được theo Báo cáo của Chính phủ, Năm 2017, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế đạt mức 6,81%, cao nhất từ năm 2011 đến nay, cả 03 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đều có sự tăng trưởng. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển tích cực. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội được củng cố.

Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng chỉ ra rằng, xuất khẩu còn phụ thuộc lớn vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm tỷ trọng 72% (riêng Tập đoàn Samsung tại Việt Nam xuất khẩu 53,3 tỷ USD, chiếm khoảng 24,9% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2017 của Việt Nam); chưa liên kết, tận dụng được lợi thế của khu vực doanh nghiệp này để phát triển bền vững khu vực kinh tế trong nước. Năng suất lao động xã hội năm 2017 mặc dù đã có sự cải thiện (93,2 triệu đồng) cao hơn so với năm 2016 (84,5 triệu đồng) nhưng vẫn thấp hơn so với nhiều nước ASEAN, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.

Qua số liệu báo cáo của Chính phủ đã thể hiện các trụ cột tăng trưởng kinh tế chưa thật bền vững; quy mô GDP còn thấp so với dự kiến xây dựng Kế hoạch 5 năm 2016-2020. Theo báo cáo ngày 26/2/2018 của Bộ Tài chính, GDP thực tế năm 2017 đạt 5.008 nghìn tỷ đồng, thấp hơn mức kịch bản cho giai đoạn 2016-2020, trong đó đối với năm 2017 là 5.100 nghìn tỷ đồng.

Mô hình tăng trưởng chưa chuyển đổi rõ nét, động lực tăng trưởng chính chủ yếu dựa vào khai thác dầu khí, than, kiều hối và đóng góp của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; công nghiệp chế biến có nhiều đóng góp nhưng mới chỉ dừng lại ở khâu gia công, chưa phải là công nghệ cao, tỷ lệ giá trị gia tăng trong giá trị sản xuất có xu hướng giảm.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá đầy đủ về bài học, kinh nghiệm từ kết quả tăng trưởng kinh tế năm 2017 trong bối cảnh các yếu tố tăng trưởng từ phía doanh nghiệp trong nước chưa có thay đổi lớn, căn bản; cần phân tích rõ những lợi ích thực chất về nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần cho người dân từ kết quả tăng trưởng cao nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội năm 2018 và các năm tiếp theo một cách bền vững hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2018

Về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, Ủy ban Kinh tế nhất trí với các kết quả đạt được như Báo cáo của Chính phủ đã nêu. Theo đó, Tăng trưởng kinh tế ghi nhận mức cải thiện ấn tượng ở cả tổng cung và tổng cầu, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) Quý I ước đạt 7,38%, là mức tăng cao nhất của Quý I trong 10 năm gần đây. Tăng trưởng của cả 3 khu vực (nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ) đều đạt mức cao so với cùng kỳ năm 2017, tạo thế vững chắc thúc đẩy tổng cung và đóng góp vào mức tăng trưởng chung.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng chỉ ra rằng, kinh tế quý I/2018 với sự bứt phá về GDP đem lại kỳ vọng lớn nhưng tạo áp lực không nhỏ về tăng trưởng GDP trong 3 quý còn lại nếu tăng trưởng vẫn định hình như các năm trước.

Ngoài hai lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu, chưa phát huy đầy đủ tiềm năng của các lĩnh vực khác cũng như khả năng đóng góp của từng vùng kinh tế trọng điểm và một số địa phương là các cực tăng trưởng của đất nước. Chưa gắn kết thường xuyên giữa hoạt động sản xuất nông nghiệp với nhu cầu thị trường, vẫn phải “giải cứu” nông sản; công tác dự báo thị trường chưa đáp ứng yêu cầu, hệ thống phân phối chưa đồng bộ và hiệu quả. Tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài giảm so với cùng kỳ năm 2017. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước đạt thấp; một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia chậm tiến độ, chậm hoàn thành thủ tục trình Quốc hội chủ trương đầu tư đối với một số dự án ODA; đề nghị làm rõ nguyên nhân chủ yếu để không làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng các quý tiếp theo. Quá trình cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước chưa bảo đảm tiến độ...

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể hơn về việc thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường quản lý tài sản công liên quan đến quá trình cổ phần hóa DNNN và bán tài sản nhà nước; công tác quản lý chất lượng và vận hành các công trình xây dựng; việc kiểm soát tình trạng bong bóng bất động sản ở các địa phương; việc ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp đầu tư, hỗ trợ Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội sau khi Quốc hội quyết định dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; việc bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, an ninh văn hóa; kết quả triển khai tận dụng các lợi thế, giải pháp vượt qua khó khăn trong thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình tại phiên họp

Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với các nhóm giải pháp nêu trong Báo cáo của Chính phủ và đề nghị quan tâm thêm một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Đó là, tập trung giải quyết các yếu kém đã được nhận diện, quan tâm hơn đến vấn đề chất lượng tăng trưởng, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Triển khai tích cực Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, tập trung triển khai các công trình quan trọng quốc gia; giải quyết triệt để những tồn tại về BOT giao thông theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Triển khai quyết liệt việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tư pháp, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cắt giảm các thủ tục hành chính một cách thực chất, minh bạch thủ tục hành chính và xử lý các sai phạm.

Trên cơ sở kết quả giám sát của Quốc hội, cần tạo sự chuyển biến thực chất về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đẩy nhanh việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, và xử lý các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ.

Tập trung cơ cấu lại, kiểm soát chặt chẽ thu, chi ngân sách nhà nước. Kiểm soát chặt chẽ quá trình cơ cấu lại và tăng trưởng tín dụng ngân hàng đối với một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho nông sản, thủy sản.

Chuẩn bị đủ điều kiện cần thiết để tiếp cận, thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0, đổi mới tư duy trong quản lý và hoạch định chính sách giáo dục, xây dựng nguồn nhân lực trình độ chuyên môn cao.

Chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý nhà nước về đất đai ở các thành phố lớn, các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, trong quản lý và sử dụng đất công, trong quản lý quy hoạch đô thị ở các thành phố.

Tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các công trình xây dựng cao tầng, kinh doanh dược phẩm và thực phẩm chức năng.

Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

+ Theo chương trình kỳ họp, chiều cùng ngày, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, nghe trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016; Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016; Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016. Quốc hội cũng sẽ nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra của dự án Luật Trồng trọt và dự án Luật Đặc xá (sửa đổi)./.

Bảo Yến