ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI UBND TP HÀ NỘI

25/01/2019

Ngày 24/01, Đoàn giám sát của QH làm việc với UBND quận Hoàng Mai và UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát, chủ trì cuộc làm việc.

Phát biểu khai mạc, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, quản lý đất đai nói chung và đất đai đô thị nói riêng là vấn đề nóng, được các ĐBQH và cử tri đặc biệt quan tâm. QH chọn giám sát tối cao nội dung này là nhằm đánh giá việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra những vướng mắc, khó khăn; xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; đồng thời đề xuất những giải pháp nhằm thực hiện nghiêm, có hiệu quả chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị và phục vụ sửa đổi Luật Đất đai 2013.

Đoàn giám sát khảo sát tại tổ hợp chung cư HH Linh Đàm

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, thành phố đã ban hành 14 văn bản quy phạm pháp luật về đất đai, cơ bản đáp ứng được yêu cầu trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý, sử dụng đất. Ngày 25.5.2018, Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) của TP Hà Nội. Theo đó, UBND các huyện đang hoàn thiện việc lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất. Thành phố cũng đã hoàn thành phê duyệt 57/68 đồ án (26/35 quy hoạch phân khu và 31/33 quy hoạch chung), đạt tỉ lệ phủ kín quy hoạch theo số lượng đồ án được duyệt là 83%; tỉ lệ phủ kín theo diện tích là 86%.

Từ 1.7.2014 đến nay, UBND TP đã giao, cho thuê 2.058ha đất để thực hiện 1.498 công trình. Nguồn thu từ thu hồi giao đất, cho thuê đất đạt 13.000 - 15.000 tỷ đồng, chiếm 10% tổng nguồn thu ngân sách thành phố. Trong giai đoạn 2014 – 2017, tổng số tiền thu được từ thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là 91.493 tỷ đồng. Công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn tình trạng chậm tiến độ tại một số dự án, đặc biệt là tại các dự án có thu hồi đất ở. TP cũng đã tiếp nhận 762 vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến quản lý, sử dụng đất, đã giải quyết 712 vụ, đang giải quyết 50 vụ. Cho đến nay, có 8 bệnh viện đã và đang thực hiện di dời ra ngoài trung tâm các đô thị lớn. Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp cơ bản đều đang tiếp tục sử dụng cơ sở cũ. UBND TP đang rà soát, xây dựng tiêu chí, lộ trình, cơ chế hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

Báo cáo của UBND TP Hà Nội chỉ ra nhiều hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Trong đó, do điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của thành phố đến 25.5.2018 mới được phê duyệt nên việc thẩm định quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của cấp huyện cũng chậm. Tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt các đồ án quy hoạch để cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô chưa đáp ứng được yêu cầu theo kế hoạch đề ra. Thời gian thực hiện quy hoạch kéo dài, làm phát sinh chi phí, còn có đồ án khi được phê duyệt không còn đáp ứng được các mục tiêu ban đầu, dẫn đến phải thực hiện điều chỉnh trong quá trình triển khai dự án đầu tư. Thời gian thực hiện lập đồ án quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị còn bị kéo dài. Việc thực thi theo đồ án sau khi được phê duyệt chưa đồng bộ quy hoạch hai bên đường với kế hoạch mở đường, vẫn phát sinh các trường hợp nhà "siêu mỏng, siêu méo" dẫn đến dẫn đến sự chắp vá, thiếu đồng bộ về cảnh quan khi mở đường.

UBND TP Hà Nội kiến nghị QH khi sửa đổi Luật Đất đai cần bổ sung quy định và chế độ sử dụng đất đối với các khu đất xây dựng khu chức năng đô thị, condotel…; bổ sung Điều 62 Luật Đất đai cho phép Nhà nước thu hồi đất để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; quy định diện tích, kích thước tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất, đặc biệt là đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, QH cần ban hành Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP), trong đó nghiên cứu đẩy nhanh quy trình, thủ tục thẩm định dự án để rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư, sớm triển khai dự án đưa vào hoạt động, phát huy hiệu quả đầu tư.

+ Sáng cùng ngày, Đoàn giám sát làm việc với UBND quận Hoàng Mai; khảo sát thực tế tại tổ hợp chung cư HH Linh Đàm và dự án Trung tâm thương mại Đền Lừ.

 

 

(Báo Đại biểu nhân dân)