TRÌNH QUỐC HỘI XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN ĐƯỜNG CAO TỐC CẦN THIẾT, CẤP BÁCH

10/05/2022

Chiều 10/5, tại phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra các Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư 3 dự án đường cao tốc gồm: Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1) và Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng (giai đoạn 1), các đại biểu đều nhất trí về sự cần thiết đầu tư các dự án, khẳng định đây là những dự án có ý nghĩa quan trọng, cấp bách cho phát triển kinh tế vùng và cả nước trong giai đoạn phục hồi và phát triển hiện nay.

 

Ủy ban Kinh tế họp phiên toàn thể lần thứ 7

Trình bày các Tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1) được đề nghị thực hiện nhằm hình thành trục ngang kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối trục dọc, phát huy các dự án đã và đang đầu tư như đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 1, đường bộ ven biển, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải. Dự án có điểm đầu tại nút giao giữa quốc lộ 26B với quốc lộ 1, khu vực cảng Nam Vân Phong; điểm cuối tại vị trí giao với đường Hồ Chí Minh tránh phía đông thành phố Buôn Ma Thuột. Tổng chiều dài khoảng 117,5km, đi qua chủ yếu hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk. Dự án được đầu tư trong giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe.

Dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1) được Chính phủ đề nghị xây dựng nhằm có thể đưa vào khai thác đồng bộ với đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, cảng hàng không quốc tế Long Thành, phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép – Thị Vải, đáp ứng nhu cầu vận tải; tạo dư địa, động lực phát triển không gian vùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển. Dự án có điểm đầu tại thành phố Biên Hòa, điểm cuối tại thành phố Bà Rịa, với tổng chiều dài khoảng 53,7km, với quy mô trong giai đoạn 1 dự kiến từ 4 đến 6 làn xe.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn trình bày các Tờ trình của Chính phủ

Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ – Sóc Trăng (giai đoạn 1) được Chính phủ đề xuất đầu tư xây dựng theo hình thức đầu tư công nhằm hình thành một trục ngang trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, kết nối các trục dọc, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc- Đông Nam của vùng, tạo động lực, dư địa phát triển không gian vùng với hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ, hiện đại, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển; nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát riển vùng… Dự án có tổng chiều dài 188,2km, điểm đầu tại thành phố Châu Đốc (tỉnh An Giang), điểm cuối tại cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng), với quy mô trong giai đoạn 1 là 4 làn xe.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, cả ba dự án trên đều được chuẩn bị thực hiện trong năm 2022, khởi công năm 2023, cơ bản hoàn thành trong năm 2025. Sau khi các dự án hoàn thành sẽ tổ chức thu phí để hoàn trả số vốn ngân sách Trung ương đã bố trí đầu tư theo quy định của pháp luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai phát biểu tại phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết đầu tư các dự án. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai khẳng định tầm quan trọng sự cần thiết đầu tư của các dự án, nhằm thực hiện mục tiêu, định hướng theo Nghị quyết của Đảng về phát triển hạ tầng giao thông, tăng cường kết nối các vùng miền. Ba dự án có vị trí quan trọng trong hệ thống giao thông đường bộ của đất nước, góp phần tăng cường kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời bảo đảm đồng bộ dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đáp ứng kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Cùng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn  khẳng định sự cần thiết đầu tư các dự án đường cao tốc này và cho biết các dự án có đủ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn. Nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 xác định nhiệm vụ “xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại. Tập trung đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, quy mô lớn, nhất là giao thông” và thực hiện mục tiêu “đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc”. Đặc biệt, các tuyến đường cao tốc này đều có vai trò kết nối như tuyến Biên Hòa – Vũng Tàu kết nối trung tâm kinh tế Đông Nam Bộ với cảng biển, góp phần khai thác tối đa tiềm năng cảng biển Cái Mép - Thị Vải, đáp ứng nhu cầu vận tải. Tuyến Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột kết nối vùng Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung Bộ và kết nối hệ thống trục dọc. Tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối Vùng đồng bằng sông Cửu Long với các trục dọc, tạo dư địa phát triển vùng. Do đó, đại biểu mong muốn các dự án sớm được triển khai.

Ủy viên Ủy ban Kinh tế Vũ Tiến Lộc phát biểu tại phiên họp

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là việc bố trí vốn đầu tư, khả năng cân đối nguồn vốn thực hiện dự án. Theo phương án Chính phủ trình, vốn thực hiện dự án được huy động từ các nguồn: vốn đầu tư công trung hạn giai đọan 2021-2025 đã được phân bổ của Bộ Giao thông vận tải, vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nguồn ngân sách địa phương, nguồn tăng thu kiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 và nguồn vốn năm 2026 được ưu tiên bố trí trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.

Các đại biểu đề nghị các Bộ có thêm báo cáo giải trình về tính khả thi, phù hợp trong cân đối vốn thực hiện dự án. Chỉ rõ trong số các địa phương có dự án (Khánh Hòa, Đắk Lắk, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu) đến nay mới chỉ có tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là đã có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh cam kết bố trí vốn thực hiện dự án, các đại biểu đề nghị các địa phương tính toán nguồn lực của địa phương, báo cáo làm rõ việc cam kết bố trí vốn.

Đồng tình với việc Chính phủ đề xuất trong giai đoạn này các dự án thực hiện theo hình thức đầu công, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cũng đặt vấn đề cần tính toàn cơ chế chính sách lâu dài, đánh giá việc thực hiện định hướng huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển, huy động sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Bởi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng đề ra đến năm 2030 là cả nước đạt 5.000 km đường bộ cao tốc, nếu chỉ dựa vào đầu tư công sẽ khó có thể bảo đảm nguồn lực thực hiện.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho biết thêm, theo dự kiến chương trình, tại Kỳ họp thứ 3 tới, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chủ trương của 5 dự án quan trọng quốc gia là 3 dự án đường cao tốc này cùng với dự án Đường vanh đại 3 TP.Hồ Chí Minh và Đường vành đai 4 vùng Thủ đô và xem xét bố trí vốn cho dự án đường Hồ Chí Minh. Như vậy, toàn bộ vốn từ nguồn tăng thu tiết kiệm chi, vốn từ Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội ….được phân bổ hết thì các dự án sau này sẽ dựa vào nguồn lực nào để thực hiện. Do đó, Chính phủ cần rà soát tính toán về lâu dài, đồng bộ các chính sách, huy động các nguồn lực xã hội, xác định rõ cơ chế thu hồi vốn từ các dự án đầu tư công.

Có cùng vấn đề quan tâm, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Vũ Tiến Lộc bày tỏ băn khoăn khi cả 3 dự án đều đề xuất đầu tư theo hình thức đầu tư công. Đại biểu cho rằng trong bối cảnh khó khăn hiện nay rất cần có sự chung tay của cộng đồng, người dân sự tham gia của các thành phần kinh tế để cùng với nhà nước đầu tư phát triển. Nếu chỉ dồn vốn ngân sách nhà nước cho công trình giao thông thì sẽ ảnh hưởng đến nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ quan trọng khác. Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, trong 3 dự án trình lần này có tuyến Biên Hòa – Vũng Tàu là cơ hội cho đối tác công tư, các nhà đầu tư tư nhân quan tâm và sẵn sàng đầu tư cùng Nhà nước cho dự án này bởi tuyến đường này có khả năng thu hồi vốn cao. Vì vậy, đại biểu đề nghị cân nhắc chuyển đầu tư công sang PPP đối với dự án đầu tư cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi và Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế Phạm Văn Thịnh cũng đều đặt vấn đề cần cân nhắc hình thức đầu tư PPP đối với dự án cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu; đồng thời đề nghị Chính phủ làm rõ đề xuất đầu tư công đối với dự án này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh kết luận nội dung phiên họp

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ qua thảo luận các đại biểu đều thống nhất sự cần thiết đầu tư 3 dự án quan trọng này, có ý kiến cho rằng có thể đầu tư sớm hơn. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị các cơ quan tiếp các ý kiến của các đại biểu tại phiên họp để hoàn thiện hồ sơ dự án và báo cáo thẩm tra. Trong đó, làm rõ các vấn đề các đại biểu quan tâm như phương án thiết kế sơ bộ bảo đảm yếu tố an toàn giao thông, xuất đầu tư, thực hiện giải phóng mặt bằng, phân kỳ đầu tư; việc bố trí vốn và khả năng cân đối vốn; hình thức đầu tư và tác động của dự án đến các tuyến song hành và các cơ chế chính sách đặc thù Chính phủ đề xuất thực hiện nhằm triển khai dự án; sớm quy hoạch phát triển vùng hai bên đường dự án đi qua để khai thác hết tiềm năng của dự án; tính toán đến việc bảo đảm vật liệu thi công dự án.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn định hướng vấn đề thảo luận

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi đề nghị tiếp tục quan tâm rà soát, cân đối hài hòa việc thực hiện vốn từ nguồn Kế hoạch đầu tư công trung hạn và vốn từ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

Ủy viên Ủy ban Kinh tế Phạm Văn Thịnh đề nghị Chính phủ có thêm giải trình làm rõ về việc đề xuất đầu tư cả 3 dự án theo hình thức đầu tư công

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Khoa học công nghệ, Bộ Giao thông vận tải Tống Trần Tùng đề nghị quan tâm đến vấn đề thiết kế, các nút giao, cầu vượt, đường nối, đường gom, đường song hành...cần tính toán đồng bộ bảo đảm an toàn, khai thác hiệu quả, bảo đảm suất đầu tư

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hoà Lê Hữu Hoàng khẳng định cam kết bố trí vốn của tỉnh và mong muốn các cơ quan ủng hộ để dự án sớm được triển khai góp phần vào phát triển kinh tế địa phương

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An cho biết các dự án được thiết kế có nhiều điểm giao cắt, điểm lánh nạn trên cao tốc...đề nghi quan tâm đến phương án thiết kế để bảo đảm an toàn giao thông; đồng thời, đề nghị có báo cáo làm rõ suất đầu tư dự án ở mức cao, làm rõ phương án thu phí 

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Hòa báo cáo một số vấn đề các đại biểu quan tâm 

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng báo cáo một số vấn đề các đại biểu quan tâm 

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ phát biểu tại phiên họp

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề liên quan 3 dự án đầu tư 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì phiên họp.

Bảo Yến - Phạm Thắng

Các bài viết khác