Xây dựng dự án Luật quy hoạch- kinh nghiệm quốc tế và sự lựa chọn cho Việt Nam

24/08/2015

Ngày 24/8, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Kinh tế phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc đã tổ chức Hội thảo quốc tế Xây dựng dự án Luật Quy hoạch - kinh nghiệm quốc tế và sự lựa chọn cho Việt Nam.

Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ nội dung Dự thảo Luật quy hoạch mà Bộ kế hoạch và Đầu tư đang được giao nghiên cứu, soạn thảo, và hiện đang lấy thêm ý kiến nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cho rằng, Quy hoạch là một công cụ hữu hiệu của Nhà nước thực hiện chức năng điều tiết nền kinh tế vĩ mô nhằm khai thác tối ưu nguồn lực của đất nước hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, nhất là đối với những nguồn lực khan hiếm như đất đai, khoáng sản và các tài nguyên thiên nhiên khác. Trên cơ sở đó, Nhà nước ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, cung cấp thông tin cho việc xây dựng các chương trình phát triển và dự án hợp tác, kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác quy hoạch bộc lộ nhiều hạn chế: Chất lượng quy hoạch thấp, quy hoạch không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện và thiếu tính khả thi gây lãng phí nguồn lực của đất nước. Các loại quy hoạch thiếu gắn kết, không thống nhất và còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn làm giảm hiệu lực, hiệu quả của quy hoạch.

Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp năm 2013, mở đầu một đợt cải cách thể chế mới với sự ghi nhận quan niệm đúng đắn về mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, xác định rõ 3 chức năng của Nhà nước là xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế và điều tiết nền kinh tế cùng nguyên tắc mới về phân quyền, phân công, phân cấp quản lý.

Để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, một trong những dự án Luật quan trọng cần được ban hành chính là dự án Luật quy hoạch, nhằm tạo cơ sở pháp lý, cung cấp một công cụ thực sự hữu hiệu cho Nhà nước để điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia về lĩnh vực quy hoạch; đại diện các Bộ, ngành Trung ương, tổ chức phi Chính phủ đã chia sẻ những xu hướng quốc tế trong quy hoạch; hướng dẫn quốc tế về quy hoạch đô thị và vùng lãnh thổ. Đồng thời, các đại biểu đã đưa ra những đề xuất cho quy hoạch Viêt Nam.

Nhiều đại biểu cho rằng, công tác quy hoạch ở nước ta đã góp phần tích cực vào việc điều hành, quản lý và định hướng phát triển dài hạn của các cấp, ngành, địa phương; cung cấp nhiều thông tin cần thiết cho việc xây dựng các chương trình phát triển, dự án kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước. Công tác quy hoạch đã trở thành một trong những công cụ hỗ trợ quan trọng trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị; cụ thể hóa những mục tiêu chiến lược đề ra trong từng thời kỳ, giải quyết có hiệu quả các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh và môi trường. Việc thực hiện các quy hoạch phát triển đã từng bước hình thành các vùng sản xuất công, nông, lâm nghiệp, thủy sản, du lịch và hệ thống đô thị phù hợp; hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng đã từng bước được đầu tư hoàn thiện nâng cao khả năng kết nối, hỗ trợ và tương thích với nhau.

Tuy nhiên, công tác quy hoạch phát triển ở Việt Nam đang gặp không ít hạn chế và chưa thực sự trở thành công cụ quản lý trong phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch thiếu gắn kết, không thống nhất và còn chồng chéo, mâu thuẫn làm giảm hiệu lực, hiệu quả của quy hoạch.

Theo các đại biểu, nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, nên việc thay đổi phương pháp xây dựng và quản lý quy hoạch là một đòi hỏi khách quan. Do đó, để quy hoạch là công cụ quan trọng, hữu hiệu của Chính phủ trong việc chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế-xã hội, đòi hỏi phải xây dựng một khung pháp lý về quy hoạch hợp lý, hiệu lực để khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay. Khung pháp lý đó phải vừa đảm bảo đổi mới toàn diện về công tác quy hoạch, vừa tạo ra bước đột phá mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính để thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh hiệu quả; đồng thời phải là đòn bẩy trong tăng trưởng kinh tế, góp phần đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc gia. 

Các đại biểu cũng cho rằng, quy hoạch là một công cụ quan trọng nhằm cụ thể hóa những định hướng chiến lược của nhà nước và tạo điều kiện cho thị trường hoạt động minh bạch và hiệu quả. Chính vì vậy chúng ta cần phải đổi mới phương pháp lập và tổ chức thực hiện quy hoạch, làm rõ vai trò can thiệp tạo điều kiện của nhà nước, xây dựng cơ chế phân cấp và phối hợp rõ ràng, tạo điều kiện cho sự tham gia của các bên liên quan hướng tới mục tiêu phát triển và hòa nhập xã hội, tăng trưởng kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường.

Dự thảo Luật quy hoạch gồm 6 chương, 68 điều, bao quát tất cả các quy hoạch tổng thể, từ cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh và các quy hoạch quốc gia; gồm các chế định quy định về quy hoạch trên cơ sở kế thừa các quy định có hiệu quả, đồng thời loại bỏ hoặc sửa đổi các quy định không còn phù hợp để quy hoạch tổng thể thực sự trở thành một công cụ hữu ích trong quản lý phát triển kinh tế xã hội và là đòn bẩy để tăng trưởng kinh tế, góp phần đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Dự án Luật quy hoạch dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII.

Tin và ảnh: An Vy